Cựu Giám đốc Sáng tạo Celine Phoebe Philo mở ra kỷ nguyên mới với thương hiệu riêng

Tái xuất sau 6 năm vắng bóng, NTK Phoebe Philo đã khiến giới mộ điệu toàn cầu chao đảo với BST “A1” - màn chào sân ấn tượng đến từ thương hiệu thời trang do chính bà sáng lập. 

Chân dung nhà thiết kế Phoebe Philo. Ảnh: phoebephilodiary

Rời đi sau 10 năm cống hiến cho Céline và gần như biến mất khỏi các hoạt động thời trang suốt 6 năm sau, nhà thiết kế Phoebe Philo – người từng được ưu ái gọi với danh xưng “người phụ nữ làm nên cuộc cách mạng tối giản trong thời trang” – đã chính thức tái xuất bằng thương hiệu riêng và bộ sưu tập đầu tay gọi là A1.

Giờ đây, cái tên Phoebe Philo không còn đi kèm với chức danh Giám đốc Sáng tạo cho bất kỳ nhãn hàng xa xỉ nào mà xuất hiện đầy uy quyền cùng thương hiệu quần áo và phụ kiện mang tên chính mình.

Không rầm rộ, không phô trương, không đường băng tráng lệ, không ngôi sao nổi tiếng, không một buổi họp báo hay thậm chí là một bài phỏng vấn. Sự trở lại của “nữ vương Céline” một thời vẫn được Philophiles (tên gọi các tín đồ của Phoebe Philo) chào đón nồng nhiệt. Rất nhiều item trong bộ sưu tập đã sold-out ngay trong đêm dù mỗi sản phẩm có giá trị bằng cả chiếc túi Hermès Birkin!

Phoebe Philo A1: Đỉnh cao của chế tác phục trang cao cấp

Ảnh: Phoebe Philo

Theo đúng như thông báo trở lại, website thương hiệu cá nhân cùng tên của NTK Phoebe Philo chính thức tung ra 150 thiết kế được bà ấp ủ trong hơn 3 năm. BST A1 bao gồm quần áo, giày dép, túi xách và kính mắt.

Là NTK theo đuổi nét đẹp sang trọng nhưng tối giản, không phô trương, Phoebe Philo đã mang đến những thiết kế đánh thẳng vào nhu cầu quiet luxury của giới mộ điệu. Không chạy theo bất kỳ xu hướng nào mà tập trung vào những thiết kế mang tính ứng dụng cao cho mùa đông.

Ảnh: Phoebe Philo

Với gần 100 bức ảnh, 150 thiết kế, bộ sưu tập mang tên gọi A1 thể hiện rõ sở thích của Phoebe Philo đối với các loại vải cao cấp, nghệ thuật chế tác tinh tế cùng những phom dáng mang đậm chất Phoebe hơn bao giờ hết.

Điều đó được thể hiện rõ nét trên những chiếc áo vạt chéo bằng vải satin mềm mại; những chiếc chân váy đính sợi tua rua với kết cấu uyển chuyển, tạo cảm giác động; những chiếc áo khoác dáng bomber, áo khoác da ngoại cỡ được cắt với cổ đứng thanh lịch; quần cạp cao tích hợp khóa kéo ở phía sau vừa là đường cut-out linh hoạt, vừa tạo điểm nhấn độc đáo cho thiết kế. Hay các món phụ kiện được chế tác tinh xảo như túi da, kính râm, dây chuyền kim loại, thắt lưng nạm đinh,…

Ảnh: Phoebe Philo

Các thiết kế của BST Phoebe Philo A1 đều sử dụng những chất liệu thượng hạng như lông cừu, da thuộc, len merino, fringing, lamb shearling, mohair, dạ, cotton… để tôn lên tinh thần tối giản cùng thanh âm của phân khúc thời trang xa xỉ.

150 thiết kế trong đều được thực hiện thủ công, cắt may với tỷ lệ may đo hoàn hảo, thể hiện sự tinh xảo thông qua ứng dụng kỹ thuật cắt chuẩn chỉnh theo phong cách tailoring thượng cấp. Thậm chí, một vài chiếc áo khoác lông xù, đồ sộ bằng vải viscose còn được chải kỹ bằng tay và phải tiêu tốn mất 300 giờ để hoàn thành.

Ảnh: Phoebe Philo

Ảnh: Phoebe Philo

Thông qua BST A1, một lần nữa, Phoebe Philo đã khẳng định gu thẩm mỹ thời trang của riêng mình với những thiết kế trung thành tuyệt đối với bảng màu màu trung tính, có khả năng ứng dụng cao, thể hiện rõ tầm nhìn thương hiệu của nhà thiết kế gạo cội người Anh. Qua đó thể hiện tâm lý của một bộ phận phụ nữ thành đạt không còn muốn nâng cấp tủ quần áo của mình theo từng mùa. Thay vào đó, họ tìm cách làm mới phong cách thời trang của mình bằng các sắc thái, phom dáng, phụ kiện,… mới mẻ và độc bản.

Bên cạnh đó, “chất liệu Phoebe Philo” còn được thể hiện rõ nét thông qua bộ ảnh campaign mang màu sắc của thập niên 90, phù hợp với thị hiếu của phân khúc khách hàng U40, U50 – những vị khách quen thuộc và trung thành của Philo.

BST dành cho giới mộ điệu thực sự am hiểu sự xa xỉ thầm lặng (quiet luxury)

Ảnh: Phoebe Philo

Không hề bất ngờ khi các thiết kế trong BST A1 của Phoebe Philo được định giá ở phân khúc xa xỉ. Các mẫu váy có mức giá dao động trong khoảng từ 2.000 đến 19.000 đô-la Mỹ (khoảng từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng).

Chiếc quần có tên Hand-Combed Embroidered Tailored Trousers có giá 5.200 đô, tương đương với khoảng 128 triệu đồng.

Áo khoác trung bình khoảng 4.000 đô-la Mỹ, trong khi túi xách có giá khoảng 5.000 đô-la Mỹ. Giá khởi điểm từ 450 đô-la Mỹ cho một chiếc kính râm và có thể lên tới 25.000 đô-la Mỹ cho một chiếc áo khoác lông cừu. Chiếc áo khoác màu ngà được thêu thủ công thậm chí còn có giá cao hơn và được sản xuất theo đơn đặt hàng. Dẫu vậy, chỉ sau 24 tiếng đồng hồ mở bán, rất nhiều sản phẩm trong BST A1 đã nhanh chóng cháy hàng.

Trong cuộc trò chuyện với trang tin The Business of Fashion, Phoebe Philo đã chia sẻ về quyết định quay trở lại với ngành thời trang: “Tôi rất mong được trở lại cùng với những tín đồ thời trang ở khắp nơi. Việc tự mình độc lập điều hành thương hiệu và thử nghiệm thời trang là điều vô cùng quan trọng đối với tôi”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm