Cúp Cành cọ vàng của Chopard, giải thưởng vô giá từ liên hoan phim Cannes

Giải thưởng Cành cọ vàng (Palme d'Or) mang lại giá trị tinh thần to lớn, và chiếc cúp đồng hành do Chopard thiết kế cũng là một tuyệt phẩm nghệ thuật

Cúp Cành cọ vàng của Chopard, giải thưởng vô giá từ liên hoan phim Cannes

Chiếc cúp Cành cọ vàng (Palme d’Or) do Chopard thiết kế và sản xuất. Ngoài chiếc cúp chính danh giá nhất này, Chopard còn thực hiện tất cả cúp khác cho liên hoan phim Cannes. Ảnh: Chopard

Nói đến liên hoan phim Cannes thì không thể không nhắc đến giải thưởng Cành cọ vàng (Palme d’Or). Được xem là một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh, cúp Cành cọ vàng được trao cho bộ phim xuất sắc nhất toàn liên hoan phim Cannes. Đoạt giải thưởng này mang lại vô số cơ hội mới cho những ai tham gia sản xuất bộ phim ấy. Những người từng đạt giải thưởng Cành cọ vàng phải kể đến Quentin Tarantino với phim Pulp Fiction, Roman Polanski với phim The Pianist, hay Bong Joon Ho với phim Parasite.

Giá trị tinh thần của giải thưởng Cành cọ vàng vô cùng to lớn. Nhưng chính chiếc cúp Cành cọ vàng cũng là một tuyệt tác vô giá. Phiên bản hiện đại do Chopard thực hiện được ví với một tác phẩm nghệ thuật làm hoàn toàn bằng ngọc và kim loại quý, khiến ai nhìn thấy nó cũng phải trầm trồ.

Khái quát lịch sử cúp Cành cọ vàng

Giải thưởng Cành cọ vàng xuất hiện vào năm 1955, nhiều năm sau khi liên hoan phim Cannes được thành lập. Trước đấy, những nhà làm phim đoạt giải sẽ được trao giải Grand Prix chứ không phải biểu tượng lá cọ bây giờ.

Ý tưởng sử dụng lá cọ cho giải thưởng này xuất phát từ thành phố Cannes, nơi diễn ra liên hoan phim; cành cọ là phù hiệu áo giáp (coat of arms) của Cannes. Hội đồng chủ quản đã mời rất nhiều nhà thiết kế trang sức đã tham gia tranh tài. Cuối cùng, thiết kế của Lucienne Lazon được lựa chọn.

Chiếc cúp Cành cọ vàng năm 1955 do Lucienne Lazon thiết kế. Ảnh: Liên hoan phim Cannes

Thiết kế của Lucienne Lazon được sử dụng từ 1955 đến 1964. Lúc ấy, hội đồng tạm ngừng sử dụng giải Palme d’Or để quay về với giải Grand Prix. Mãi đến 1975 thì cành cọ vàng mới một lần nữa xuất hiện ở liên hoan phim Cannes.

Theo dòng thời gian, cúp Cành cọ vàng cũng được cập nhật. Thiết kế ban đầu của Lucienne Lazon lấy cảm hứng từ một bản vẽ nháp tay của đạo diễn Jean Cocteau, có cành cọ vươn lên từ đế là tượng đất nung. Đến thập niên 1980 thì tượng đất nung hình oval trở thành hình kim tự giáp. Năm 1992, đế đất nung được Thierry de Bourqueney thay thế bằng đế pha lê.

Và phiên bản bây giờ, do Caroline Scheufele thiết kế, xuất hiện từ năm 1998 khi Chopard bắt đầu đồng hành cùng liên hoan phim Cannes.

Chiếc cúp bằng đá quý và vàng 18K

Từ trái sang: Lea Seydoux, Đồng chủ tịch Chopard Caroline Scheufele và David Kross

Câu chuyện bắt đầu năm 1997, khi Caroline Scheufele gặp gỡ Pierre Viot, cựu giám đốc điều hành của Liên hoan phim Cannes.

Caroline Scheufele là một nhà thiết kế kim hoàn có tiếng và nữ doanh nhân nhạy bén. Bà là đồng chủ tịch thương hiệu Chopard, con gái của Karl và Karin Scheufele – cặp đôi đã mua lại thương hiệu này năm 1963 – và cũng là người có công đưa Chopard tiến vào thị trường trang sức xa xỉ. Tiếng nói của bà có sức ảnh hưởng lớn trong giới chế tác đồng hồ và kim hoàn.

>>> Xem thêm: CAROLINE SCHEUFELE ĐƯỢC VINH DANH LÀ NHÀ THIẾT KẾ TRANG SỨC XUẤT SẮC NHẤT THẾ GIỚI

Lúc Caroline Scheufele gặp Pierre Viot, bà ngắm nghía rất kỹ cúp Cành cọ vàng được trưng bày trong văn phòng của ông. Nhận ra con mắt sắc sảo của bà, Pierre Viot đã nhanh chóng mời bà tái thiết kế chiếc cúp biểu tượng này. Và Caroline Scheufele đã chấp nhận thử thách.

Cúp Cành cọ vàng của Chopard, giải thưởng vô giá từ liên hoan phim Cannes

Nghệ nhân ghép cành cọ vàng lên viên đá rock crystal. Ảnh: Chopard

Một năm sau, bà tung ra thiết kế cúp Cành cọ vàng mới do mình thiết kế. Vẫn giữ lại chiếc lá cọ uyển chuyển làm trọng tâm, nhưng đáy cúp cũ kỹ đã được thay bằng một viên rock crystal (đá quartz chất lượng cao cấp nhất). Viên đá được cắt theo giác emerald, nặng khoảng 3kg. Do dùng đá quý thiên nhiên, với vân đá thay đổi ngẫu nhiên, nên không có chiếc cúp nào giống với chiếc cúp nào.

Cúp Cành cọ vàng của Chopard, giải thưởng vô giá từ liên hoan phim Cannes

Mỗi lá cọ đều được đánh bóng bằng tay. Ảnh: Chopard

Cành cọ nặng 118 được làm bằng vàng 18K, tạo dáng như đang lay động trong gió. Mỗi chiếc cúp mất 40 tiếng đồng hồ để hoàn thiện bằng tay.

Những thay đổi cấp tiến Chopard dành cho cúp Cành cọ vàng

Dưới sự điều hành của Caroline Scheufele, Chopard là một trong những nhà kim hoàn đầu tiên phát triển theo xu hướng bền vững. Hãng đề xuất sử dụng nguyên vật liệu đến từ các mỏ quặng đối đãi công bằng với thợ, không bóc lột sức lao động trẻ em và người nghèo, hoặc đẩy họ vào tình trạng lao động nguy hiểm.

Cúp Cành cọ vàng của Chopard, giải thưởng vô giá từ liên hoan phim Cannes

Dòng chữ Fairmined ịn trên mặt sau của lá cọ chứng minh nguồn gốc của vàng 18K được sử dụng. Ảnh: Chopard

Theo đúng chủ trương này, từ năm 2014 đến nay, Chopard cũng áp dụng loại vàng bền vững (gọi là vàng Fairmined) cho toàn bộ phần vàng đúc nên cành cọ vàng trên cúp.

Để đạt chỉ tiêu bền vững, các quặng mỏ phải tăng chi phí sản xuất, dẫn đến việc giá vàng tăng đến 2000 đô-la Mỹ cho mỗi kg.

Bản phác thảo và chiếc cúp đặc biệt cho năm 2017. Ảnh: Chopard

Ngoài ra, chiếc cúp năm 2017, kỷ niệm 70 năm lịch sử liên hoan phim Cannes, được nạm kim cương nhí trên các lá cọ. Các viên kim cương này cũng đến từ những mỏ đạt chỉ tiêu phát triển bền vững.

>>> Xem thêm: CHOPARD KỶ NIỆM MỐI GIAO HẢO VỚI LIÊN HOAN PHIM CANNES SUỐT 20 NĂM QUA

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm