Trong lịch sử nước Pháp, Hoàng đế Napoleon hùng mạnh có lẽ chỉ quy lụy dưới chân một người duy nhất: hoàng hậu Josephine. Lý do gì khiến một goá phụ nổi tiếng buông tuồng, hơn vị hoàng đế đến 11 tuổi, lại trở thành hoàng hậu nước Pháp? Tất nhiên dáng vẻ duyên dáng, thần thái vương giả của Josephine đủ để khiến đám sỹ phu thường tình mê mẩn. Nhưng để trở thành hoàng hậu, nhan sắc của bà chỉ là thứ nữ trang tầm thường với một vị hoàng đế sống giữa châu báu.
Josephine là mẫu người phụ nữ thất thường. Người ta kể rằng ban đầu bà tiếp cận vị Hoàng đế với dáng vẻ xinh đẹp, lả lơi. Mặc cho xung quanh có bao nhiêu người đàn ông dòm ngó, bà chỉ hướng tới Napoleon trẻ tuổi. Nhưng lúc sau lại tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm, khiến cho vị Hoàng đế phải săn đón, đợi chờ. Chiến lược lúc nắm, khi thả nghe có vẻ rất nữ nhi tầm thường. Thế nhưng nó đủ hiệu quả để biến Josephine trở thành Hoàng hậu.
Chân dung những kẻ thất thường trong tình ái
Trong cuốn sách nghệ thuật của sự quyến rũ, Robert Greene đã nói rằng “khả năng biết cách trì hoãn sự thỏa mãn là tận cùng của nghệ thuật quyến rũ”. Và đó là triết lý đằng sau sức hút không tưởng của những kẻ thất thường.
Nhiều người trong chúng ta hẳn đã từng rơi vào một quan hệ tình ái với những kẻ như thế. Một cuộc tình mà ở đó, kẻ thất thường đóng vai mèo, người còn lại là chuột. Một cuộc vờn bắt, một cuộc hoà âm lui tới giữa những thất vọng và hy vọng.
Kẻ thất thường là những kẻ sẽ luôn bắt đầu bằng những quan tâm, dỗ dành, những thề hẹn tinh tế, những thỏa mãn cho khát khao, dục vọng sâu thẳm trong lòng bạn. Nhưng, bất chợt, khi mà bạn thì đã rơi sâu vào cái bẫy đầy ngọt ngào đó, thái độ của họ lại trở nên lạnh nhạt, hững hờ. Họ dường như còn muốn chạy trốn khỏi bạn. Để mặc bạn chới với trong cảm giác mơ hồ đến tuyệt vọng.
Đúng lúc bạn muốn bỏ cuộc, họ lại một lần nữa rào đón bạn. Cứ như thể bạn thật sự quan trọng. Lúc ấy, cảm giác chông chênh được xoa dịu. Những đợi chờ lại được lấp đầy. Những thất vọng lại được cứu rỗi thay bằng những hứng khởi đầy tươi sáng.
Cội nguồn sự quyến rũ của những kẻ thất thường
Sự thất thường, lúc yêu tha thiết, lúc nhạt nhẽo lạnh lùng, kích hoạt tâm lý chinh phục của những con mồi, thường là phái mạnh. Những con mồi muốn chế ngự hoàn toàn được kẻ tính khí thất thường kia, muốn hưởng trọn những ngọt ngào không đứt đoạn. Ngược lại, những kẻ thất thường, biết trì hoãn sự thoả mãn của đối phương. Khi phần thưởng càng nhỏ giọt, càng khiến nó trở nên quý giá. Càng làm con người ta hưng phấn tranh dành.
Trong khi những con mồi đang vẽ nên cả một chiến dịch chinh phục, thì những kẻ thất thường mới thật sự là người điều khiển cuộc chơi.
Để nắm giữ được vai trò đó, kẻ thất thường cần có một đặc điểm quan trọng: sự thoả mãn với bản thân. Họ hiểu những giá trị mà họ sở hữu. Họ chăm sóc bản thân tốt, trau dồi không ngừng, tiến bộ tích cực. Và vì thế họ tự tin và không cần sự công nhận từ kẻ khác. Điều đó càng làm họ trở nên bất trị, và càng trở nên quyến rũ.
Tuy nhiên, những kẻ thất thường khác với những kẻ kiêu ngạo ở chỗ họ biết cách trao đi và nhún nhường đúng lúc. Họ là bậc thầy của quy tắc tâm lý “điều kiện hoá từ kết quả”.
Thuyết tâm lý “điều kiện hoá từ kết quả”: Ảnh hưởng của phần thường và hình phạt
Operant conditioning – “Điều kiện hóa từ kết quả” là một học thuyết tâm lý cơ bản được nhà tâm lý học hành vi lỗi lạc B. F. Skinner phát triển.
Để giải thích một cách đơn giản, thuyết “điều kiện hoá từ kết quả” cho rằng hành vi đưa đến những kết quả mong muốn (phần thưởng) sẽ dễ có khả năng lặp lại hơn. Trong khi những hành vi đưa đến kết quả không mong muốn (hình phạt) sẽ ít có khả năng lặp lại.
Quy luật tưởng chừng đơn giản này lại chế ngự hầu hết mọi hành vi trong cuộc sống.
Ví dụ đơn giản: bạn dạy chú chó ở nhà cách bắt tay và khen ngợi và vỗ đầu nó những lúc nó làm được. Cứ như thế hành vi bắt tay sẽ được chú chó thực hiện nhiều lần hơn.
Những kẻ thất thường hiểu rõ điều này. Vì thế, họ luôn bắt đầu bằng việc dành cho bạn những điều bạn muốn; trao đi những phần thưởng đầy ngọt ngào khiến việc ở cạnh họ trở nên hấp dẫn. Nói một cách khác hành vi ở cạnh bạn được củng cố vì phương nhận được những gì mà họ muốn. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như thế trong thực tế.
Ảnh hưởng của thời gian phân bổ phần thưởng
Nếu bạn lúc nào cũng trao đi những gì kẻ khác muốn, liệu có đảm bảo họ sẽ ở cạnh bạn mãi mãi? Câu trả lời là không. Và lí do nằm ở nguyên tắc thứ hai của thuyết tâm lý “điều kiện hoá từ kết quả”. Skinner đã làm một số thí nghiệm khoa học để tìm hiểu về tác dụng của các cách phân bổ phần thưởng khác nhau.
Nếu một phần thường được trao đi liên tục, nó sẽ khiến đối tượng ngầm hiểu về sự hiện hữu cố định của phần thưởng. Do đó hành vi liên quan tới phần thưởng sẽ được thực hiện một cách ngẫu nhiên theo ý thích. Và chỉ cần bạn ngưng cung cấp phần thưởng; hành vi sẽ biến mất rất nhanh.
Thú vị là khi chúng ta trao phần thưởng cho một hành vi theo một khung thời gian bất định. Thì hành vi đó sẽ có mức độ lập lại cao nhất và khó bị biến mất nhất. Điều này lí giải cho sự quyến rũ trường kì của những kẻ thất thường.
Ứng dụng thuyết “điều kiện hoá từ kết quả” trong tình ái
Chính chiến lược lúc nắm lúc thả không thể dự đoán trước, khiến cho đối phương luôn trong trạng thái chờ đợi và hy vọng. Những cử chỉ ngọt ngào, những chăm sóc, vỗ về cứ bất chợt được trao đi. Nhất là lúc con mồi đang yếu mềm, khiến cho họ lạc vào cảm giác khấp khởi, khó từ bỏ khi yêu một kẻ thất thường.
Chính thuyết tâm lý này cũng giải thích được hành vi nghiện cờ bạc. Sự xuất hiện vô định của những phần thưởng vật chất; khiến người chơi cứ bị sa đà vào cảm giác “sắp chiến thắng”. Và trong cuộc chơi tình ái, điều tương tự xảy ra. Những kẻ chinh phục luôn muốn cố gắng; muốn tiếp tục ở lại lâu hơn. Vì họ luôn cảm giác rằng họ sắp sở hữu được kẻ thất thường trọn vẹn.
Tất nhiên, nếu cứ tiếp tục, con mồi của những kẻ thất thường sẽ có lúc mỏi mệt và giảm bớt sự nồng nhiệt bị chai lỳ. Cũng như sau bao nhiêu lần thất vọng vì Josephine, Napoleon đã dần nguội lạnh. Ông sa đà vào các cuộc tình mới.
Tuy nhiên, Josephine không cảm thấy bị đe doạ. Những kẻ thất thường luôn cảm thấy bản thân đầy đủ. Và chỉ cần một chút diễn xuất, một chút nước mắt; cộng hưởng cùng sự lạnh lùng, Napoleon lại là nô lệ cho bà. Người ta kể rằng, lúc hấp hối, câu cuối cùng Napoleon thốt lên là “Josephine”.
Khi nắm được luật chơi, hy vọng bạn sẽ là người chiến thắng. Hoặc ít nhất, hãy trở thành kẻ đi săn điêu luyện hơn.
>>> Xem thêm: ĐỨNG ĐẰNG SAU THÀNH CÔNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ LÀ AI?
Harper’s Bazaar Vietnam