Phim Gái Già Lắm Chiêu V vừa thông báo đóng máy sau khi khởi quay hơn một tháng nay tại Huế. Phim chọn bối cảnh ghi hình là các di tích lịch sử nổi tiếng như: quần thể Đại Nội, cung An Định, các lăng tẩm, đền đài của các vị vua nhà Nguyễn…
Đáng chú ý trong những bối cảnh này là di tích kiến trúc cung An Định. Đây là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn. Bên cạnh đó đây cũng là công trình gắn với nhiều biến động lịch sử của hoàng tộc Nguyễn.
Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát – Huế. Nay thuộc số 97 Phan Đình Phùng, Phú Nhuận, Huế.
Di tích Cố đô hơn 100 năm tuổi
Cung An Định được xây dựng vào năm 1917 dưới thời vua Khải Định (1916 – 1925). Cung được xây dựng trên nền cũ là Phủ Phụng Hoá, nguyên là công trình vua Đồng Khánh làm quà cho hoàng tử Bửu Đảo (vua Khải Định) nhân dịp 18 tuổi.
Sau khi lên ngôi vào năm 1916, vua Khải Định dùng tiền riêng của mình để xây dựng lại cung An Định theo phong cách hiện đại. Năm 1922, cung An Định được ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy. Sau khi Bảo Đại lên ngôi, cung An Định lại được truyền cho thái tử Bảo Long.
Dưới thời vua Bảo Đại, cung An Định là nơi thường diễn ra các buổi yến tiệc của hoàng gia với sự tham dự của các đại thần và quan chức Bảo hộ Pháp. Đây cũng là nơi gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống sau khi nhà vua thoái vị vào năm 1945. Đặc biệt bà Đức Từ Cung, vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn là người gắn bó với nơi này tới năm 1949.
Nét đẹp Á – Âu trong kiến trúc Cung An Định
So với các công trình kiến trúc xây dựng cùng thời thì cung An Định là một công trình mở đầu cho thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế. Đó là thời kỳ giao thoa văn hoá Đông Tây.
Cung An Định có sự kết hợp hài hoà giữa hệ đề tài Á, Âu. Những chi tiết trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, bát bửu, hoà hợp cùng các trí cột mang phong cách Roman, bắc đẩu bội tinh hay các thiên thần… mang phong cách châu Âu.
Công trình kiến trúc độc đáo của triều Nguyễn
Cung An Định có địa thế bằng phẳng với tổng diện tích hơn 24.463 m2. Ban đầu, cung có 10 công trình từ trước ra sau gồm: bến thuyền; cổng chính; đình Trung Lập; lầu Khải Tường; nhà hát Cửu Tư Đài; chuồng thú; hồ nước… Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình là: Cổng chính; đình Trung Lập; lầu Khải Tường.
Cổng chính làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao. Bên trong đình có đặt bức tượng đồng của vua Khải Định.
Lầu Khải Tường có diện tích nền 745 m2, gồm ba tầng, 22 phòng bao gồm đại sảnh, phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ và khu vực thờ phụng. Giá trị nổi bật của lầu Khải Tường là nghệ thuật trang trí vẽ trực tiếp lên tường và nghệ thuật đắp nổi các phù điêu ở ngoại thất.
Tiêu biểu là 6 bức tranh tường vẽ cảnh của lăng tẩm của 5 vị vua là: Lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và hai bức vẽ lăng vua Đồng Khánh, phụ hoàng của vua Khải Định.
Các bức tranh về khung cảnh lăng vua triều Nguyễn được vẽ trực tiếp lên tường tại Cung An Định.
Bị tàn phá và rơi vào quên lãng
Năm 1947, nhà hát Cửu Tư Đài – phần sau nối với Lầu Khải Tưởng bị chiến tranh phá huỷ. Lúc còn tồn tại, nhà hát này có hai tầng, diện tích 1.150m2, có thể chứa hơn 500 khán giả. Theo các tài liệu cổ, ngoại thất của Cửu Tư Đài gần giống Nhà hát Lớn ở Hà Nội.
Sau năm 1975, bà Từ Cung hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng Việt Nam. Từ đó Cung An Định được sử dụng như khu nhà tập thể cho các gia đình giáo sư Đại học Huế. Sau đó sử dụng làm địa điểm văn hoá công cộng rồi kinh doanh nhà hàng ăn uống.
Sau gần nửa thế kỷ, cung An Định bị hư tổn, xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt những bức tranh tường quý giá ở tiền sảnh và họa tiết trang trí trên tường và trần nhà bị bong tróc và vỡ vụn. Một số bức tranh còn bị quét các lớp vôi vữa đè lên làm che lấp.
Công trình này dường như bị rơi vào quên lãng trong một thời gian dài. Cho đến năm 2002, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp nhận cung An Định và trùng tu lại các bức tranh tường với sự trợ giúp từ chính phủ Đức. Năm 2015, nơi đây trở thành điểm tham quan chính thức trong hệ thống di tích Cố đô Huế.
Cung An Định sẽ thay đổi thế nào trong phim Gái Già Lắm Chiêu V?
Trong phim Gái Già Lắm Chiêu V cung an Định sẽ trở thành biệt phủ xa hoa của Lý Gia với hàng trăm món cổ vật đắt giá. Đạo diễn Bảo Nhân từng chia sẻ: “Chúng tôi muốn khi bộ phim ra mắt công chúng. Mọi người sẽ phải ồ lên vì sự thay đổi của cung An Định”.
Không chỉ bên trong cung An Định, mà trên nền bãi đất trống phía sau lầu Khải Tường, êkip cũng đầu tư xây dựng một khu vườn phong cách châu Âu với diện tích gần 500m2, chi phí khoảng 2 tỷ đồng. Đây chính là Bạch trà viên.
Khu vườn là nơi diễn ra các cuộc thưởng trà, trò chuyện giữa ba chị em nhà Lý gia do NSND Lê Khanh; NSND Hồng Vân; Kaity Nguyễn thủ vai. Ngay sau khi Gái già lắm chiêu V đóng máy, khu vườn đã được tặng lại cho chính quyền thành phố Huế làm điểm tham quan.
Đạo diễn Nam Cito tiết lộ: “Hơn một tháng trước ngày bấm máy, đội ngũ thiết kế đã tới đây trồng cây trồng cỏ, dựng tường dây leo, bài trí bồn phun nước kiểu châu Âu. Chúng tôi đã đưa hơn 2.000 cây hoa bạch trà từ miền Bắc vào Huế. Toàn bộ cây được bảo quản để thay phiên sử dụng bài trí cho khu vườn”.
Phim Gái Già Lắm Chiêu V sẽ được ra mắt công chúng vào dịp Tết nguyên đán năm nay.
>>Xem thêm: NAM CITO VÀ BẢO NHÂN, HAI ĐẠO DIỄN QUYỀN LỰC ĐỨNG SAU VŨ TRỤ GÁI GIÀ LẮM CHIÊU
Harper’s Bazaar Việt Nam