Phụ nữ Việt Nam và làng nghề: 5 làng nghề được nghệ nhân nữ gìn giữ, bảo vệ truyền thống Việt

Sau 2 tháng phát động, Empower Women Asia, BTC cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề” vừa công bố kết quả cuộc thi

Cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề”

Cuộc thi Phụ nữ Việt Nam và làng nghề được phát động bởi dự án phi lợi nhuận Empower Women Asia (EWA) thuộc tổ chức Keep It Beautiful Vietnam (KIBV). Cuộc thi diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7/2021 dưới hình thức sáng tác video/nhóm ảnh với thời lượng từ 3-5 phút, mang thông điệp quảng bá, bảo tồn các làng nghề truyền thống, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp trong lao động bình dị, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng tại các làng nghề truyền thống.

Những góc nhìn mới lạ về các làng nghề truyền thống

Cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề”

Diễn ra chủ yếu trên kênh truyền thông mạng xã hội facebook, cuộc thi Phụ nữ Việt Nam và làng nghề đã thu hút nhiều đối tượng các bạn trẻ trong và ngoài nước tham gia, đem những góc nhìn độc đáo, mới lạ về các làng nghề truyền thống tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.

Thông qua các sản phẩm sáng tạo của mình, các bạn trẻ đã phản ánh hình ảnh chân thực về người phụ nữ chân chất, mộc mạc tại các làng nghề truyền thống; khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời thể hiện sự trân trọng và mong muốn phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi, lâu đời của dân tộc.

Giải Nhất: Làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp Ninh Thuận

Nhóm Champasix – những bạn trẻ thực hiện video chia sẻ: “Dọc miền đất hình chữ S nhỏ bé, chúng mình có cơ duyên được biết đến nghề dệt thổ cẩm đã được hình thành lâu đời tại làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp và nghệ nhân Thuận Thị Trụ – người đã đưa thổ cẩm đến với hơn 20 quốc gia trên thế giới và đạt kỷ lục Guinness.

Ở đây, dệt thổ cẩm không chỉ là nét văn hoá của một dân tộc mà nó còn là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình. Ấy thế mà, dịch Covid bùng nổ, kinh tế gặp nhiều khó khăn, làng nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc sống của những người con làng nghề bấp bênh. Tận mắt chứng kiến cảnh làng nghề dần bị bỏ quên, nét văn hoá truyền thống đẹp đẽ đó dần bị mai một bởi thời gian, người dân làng nghề ngày càng khó khăn về kinh tế, chúng mình nghẹn ngào mà không giấu được những giọt nước mắt tiếc nuối cho một làng nghề từng hưng thịnh là thế, không những vậy nó còn là 1 nét đẹp văn hoá đơn sơ của cả 1 dân tộc.

Chính vì thế, chúng mình muốn góp một chút công sức nhỏ bé để gìn giữ và phát huy ngành nghề dệt Thổ cẩm Chăm Pa này để giữ trọn vẹn lại một tâm hồn của một dân tộc.”

Giải Nhì: Làng nghề bánh đa cua Hải Phòng

Giải Ba: Làng quạt Chàng Sơn – Hà Nội

Phụ nữ Việt Nam và làng nghề trong tôi là hình ảnh những cô, những bác ngày ngày khéo léo trên những tác phẩm nghệ thuật chứa cả tinh thần dân tộc. Là những trưa hè oi ả hay những tối khuya muộn vẫn sáng đèn ở đình làng Chàng Sơn miệt mài công việc. Là những người phụ nữ mạnh mẽ mà dịu dàng, kiên cường và đảm đang. Họ chính là hình tượng người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất, là những con người giữa đô thị phồn hoa vẫn đi tìm cho mình những bản sắc tinh hoa dân tộc lâu đời.

Giải Ba: Làng nón Chuông – Hà Nội

Nhóm Jelly Potatoes chia sẻ: “Thông qua câu chuyện lấy bối cảnh ở một gia đình trong làng, chúng mình muốn gửi gắm nét đẹp của làng nghề làm nón truyền thống Việt Nam – làng Chuông. Gia đình cô Thuỷ gồm 4 thành viên, cô và ba đứa con nhỏ. Vừa là người bố, người mẹ, cô phải làm lụng vô cùng vất vả để nuôi nấng các con, mong sao các con không phải chịu thiệt thòi. Ấy vậy mà cô vẫn gắn bó với nghề làm nón bởi cái duyên và sự đặc biệt của nghề. Làm nón vất vả, nhưng đem lại niềm vui khi gìn giữ nét đẹp truyền thống lâu đời của cha ông cha để lại.

Để trở thành nghệ nhân làm nón, họ phải là những người tỉ mỉ và khéo léo. Làm nón thường gồm 3 công đoạn. Công đoạn đầu tiên là uốn nan tre thành vòng tròn tạo thành sườn nón. Tiếp theo là công đoạn mất thời gian nhất (khoảng 10-15 tiếng đồng hồ), nghệ nhân cần dùng dây cước và kim khâu để chằm nón bằng lá khô thành hình chóp. Bước cuối cùng, nón sau khi thành hình được quét một lớp dầu bóng để tăng độ bền và tính thẩm mỹ”.

Giải Truyền thông: Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá – Hà Nội

“Nhắc tới các tác phẩm nghệ thuật được lấy cảm hứng từ tre, nếu không nhắc tới những chú chuồn chuồn tinh xảo, nhẹ nhàng, uyển chuyển, như đang chao liệng, nổi bật trên bầu trời ở khắp làng quê Việt Nam thì quả là một thiếu sót.

Xã hội phát triển, đi kèm đó là công nghệ ngày một tiên tiến hơn. Trên tay những đứa trẻ ngày nay là những đồ chơi điện tử, đồ chơi nhựa,… thay thế cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xưa kia. Đó cũng là một nỗi buồn đối với những nghệ nhân. Trong thời điểm Covid – 19 vừa qua, là giai đoạn thực sự khó khăn của những nghệ nhân chuồn chuồn tre. Thế nhưng, vẫn còn đó những người nghệ nhân, những người phụ nữ, họ vẫn ở lại để kiên trì, duy trì làng nghề và bảo tồn những giá trị văn hóa, những nét đẹp đặc trưng của đất nước ta.

Chính vì vậy chúng tôi quyết định cùng nhau thực hiện chuyến hành trình về thăm nghệ nhân Nguyễn Thị Xoan, người nghệ nhân đã gắn bó với nghề suốt 20 năm tại Làng Chuồn chuồn tre thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.” – bạn Nguyễn Thanh Thoan, đại diện nhóm tham dự chia sẻ.

>>Xem thêm: TỪ ĐIỂN THỜI TRANG: THẾ NÀO LÀ CHẤT LIỆU VẢI XANH?

Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm