Cổ phục triều Nguyễn được tái hiện đầy xa hoa trong phim điện ảnh Cám

Sự kết hợp giữa nhà sản xuất phim Cám với Hoa Niên qua bộ ảnh “tái hình dung” các nhân vật trong bộ phim được nhiều khán giả quan tâm

Các nhân vật quan trọng trong phim Cám mặc cổ phục triều Nguyễn

Bộ phim điện ảnh Cám có thể xem là một trong những bộ phim kinh dị ấn tượng nhất của thị trường điện ảnh Việt Nam trong năm nay.

Mọi thứ bắt đầu từ hàng nghìn năm trước khi một gia tộc đã giao kèo với Bạch Lão (NSƯT Hạnh Thúy) để lấy sự giàu sang cho dòng họ và cả ngôi làng. Đổi lại, họ phải hiến tế trinh nữ cho con ác quỷ luyện thuật trường sinh mỗi 10 năm. Đến đời của Hai Hoàng (Quốc Cường) thì sinh ra đứa con út Cám (Lâm Thanh Mỹ) bị dị dạng gương mặt. Cô bé bị cả cha lẫn mẹ (Thúy Diễm) đối xử tệ bạc. Chỉ có người chị cùng cha khác mẹ Tấm (Rima Thanh Vy) là yêu thương Cám. Biến cố ập đến khi đến ngày hiến tế mà gia tộc không còn con gái khiến Hai Hoàng buộc phải hy sinh Cám.

Có thể thấy, dựa trên nền tảng câu chuyện cổ tích Tấm Cám cực kì nổi tiếng, bộ phim mang đến cho khán giả những tình tiết đầy bất ngờ và khó đoán trước.

Có một tạo hình rất khác biệt từ phim điện ảnh Cám

NSX Cám đã kết hợp với đơn vị chuyên cổ phục và Việt phục Hoa Niên – Năm Tháng Tươi Đẹp ra mắt bộ ảnh tạo hình các nhân vật trong bộ phim với trang phục quý tộc nhà Nguyễn. Điều này chứng tỏ sự tâm huyết của ekip trong việc quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam không chỉ trên phim mà ở cả những sản phẩm phái sinh, các dự án hợp tác cùng các thương hiệu Việt.

Trong bộ ảnh này, nhân vật Hai Hoàng (Quốc Cường) trong phim vốn là quan địa phương khoác lên mình trang phục Mãng bào triều Nguyễn. Đây là dạng thức áo cao cấp của quan lại triều Nguyễn sử dụng trong các dịp lễ lớn như thiết Đại triều tại Kinh đô. Mãng bào sở hữu hệ thống hoa văn cầu kì, tinh xảo với con mãng (rồng bốn móng) cùng các linh thú (lân – quy – phượng), mây ngũ sắc, thủy ba,… Đi kèm với mũ phốc đầu đính các trang sức vàng, bạc đúng với phẩm cấp của người sở hữu.

Nhân vật phu nhân (Thúy Diễm), Tấm (Rima Thanh Vy) và Cám (Lâm Thanh Mỹ) lần lượt khoác lên mình 3 chiếc áo Nhật bình Mệnh phụ với 3 màu khác nhau: đỏ, đen và xanh dương. Nhật bình là dạng thức áo đặc trưng của phụ nữ quý tộc triều Nguyễn, sử dụng trong các dịp lễ trọng đại.

Nếu như hoa văn trên áo Nhật bình của Tấm và Cám chủ yếu là các motif hoa, lá,… thì trên áo của nhân vật người mẹ lại là hệ thống hoa văn hình chim phượng, thể hiện địa vị của bậc phu nhân. Một tạo hình khác với hình ảnh phu nhân và 2 cô con gái Tấm – Cám trong trang phục áo ngũ thân tay chẽn, là dạng thường phục sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Bộ ảnh của Tấm và nhân vật Thái tử cũng được khán giả chú ý. Chiếc áo của Thái tử được thêu tay tinh xảo các họa tiết hình rồng, các mỹ tự mang hàm ý tốt lành… thể hiện sự tài hoa của bàn tay người thợ cũng như nét quyền uy của nhân vật Thái tử. Được biết, các họa tiết trên áo các nhân vật đều được thêu tay với thời gian thực hiện ít nhất 2-3 tháng cho một chiếc áo.

Khán giả ngày càng quan tâm và trân trọng các giá trị truyền thống

Phần tạo hình trong phim điện ảnh Cám cũng là điểm nhấn được công chúng quan tâm trong thời gian qua khi nhà sản xuất đã thể hiện sự tâm huyết và đầu tư nghiêm túc trong việc tìm tòi các chất liệu văn hóa truyền thống để áp vào phần thiết kế phục trang. Phần tạo hình của phim điện ảnh Cám vừa dung hòa yếu tố Việt Nam lẫn tính mĩ thuật khi trình chiếu trên màn ảnh rộng. Bộ ảnh qua đó phần nào mang lại cho khán giả dáng dấp của người xưa, phần nào hình dung được nét đẹp tinh hoa của một thời đã qua, óc thẩm mĩ của người xưa được hậu thế tiếp tục gìn giữ và tiếp nối.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm