Có nên giới hạn tham vọng?

Tham vọng như chất men tạo động lực cho những đam mê bất tận. Nhưng đó cũng là nguồn gốc đầy uy lực cho cả điều tốt đẹp lẫn xấu xa

Nữ diễn viên Emily Blunt nói: cô là người tham vọng một cách thầm lặng nhưng sẽ không hy sinh hạnh phúc hay các mối quan hệ của mình

Nữ diễn viên Emily Blunt từng nhìn nhận “Tôi không thấy mình thực sự là gì cả. Tôi không muốn phân loại mình”. Tuy nhiên cô có tham vọng: “Tôi chỉ muốn thử mọi thứ”. Trải qua nhiều nỗ lực để tìm cho mình một vai diễn đột phá, một nhân vật không chỉ đẹp mà còn thông minh, số phận khác biệt và cách giải quyết cũng không giống ai, Emily Blunt đã hành động quyết liệt cho những thay đổi hình ảnh bản thân trong Edge of Tomorrow.

Tham vọng, nỗ lực thành công, chấp nhận mạo hiểm là những giá trị đang được xã hội đề cao. Hầu hết những phụ nữ thành đạt đều được tôn trọng với cách họ đề ra và hoàn thiện mục tiêu của mình. Tuy nhiên, khi nỗ lực đuổi theo những mục tiêu không có điểm dừng, vòng xoáy tham vọng luôn là cuộc đấu tranh giằng co giữa những giá trị.

Giới hạn của tham vọng

Người ta thường yếu đuối và lười biếng khi không có chút tham vọng nào. Tham vọng giống như một chất gây nghiện có thể khiến ta luôn muốn nhiều hơn điều ta cần.

Những người tham vọng có thể đạt được nhiều thành công hơn, nhưng không có nghĩa họ sẽ có được một cuộc sống hạnh phúc hơn. Đây là kết quả nghiên cứu gần đây của tạp chí Tâm lý học ứng dụng. Nghiên cứu khảo sát một nhóm 717 người trong hơn bảy thập niên và so sánh những người được coi là tham vọng điển hình (có trình độ, có thu nhập cao) thì thấy rằng nhóm người này thường ít thỏa mãn ở một số khía cạnh. Theo tiến sỹ Timothy Judge của trường Mendoza College of Business thuộc đại học Notre Dame, Mỹ, bản chất của tham vọng là khiến chúng ta khó cảm thấy mình đã hoàn thành mục tiêu.

Eleanor Roosevelt (đệ nhất phu nhân Mỹ): "Tham vọng nghĩa là không hối tiếc. Bất cứ thành quả nào vô dụng đều chẳng đáng phải để tâm".

Eleanor Roosevelt (đệ nhất phu nhân Mỹ): “Tham vọng nghĩa là không hối tiếc. Bất cứ thành quả nào vô dụng đều chẳng đáng phải để tâm”

Đây không phải là điều gì quá tệ. Xét ở một góc độ nào đó, tham vọng là khát vọng tạo ra những thành tựu lớn, điều này vô cùng quan trọng với sự thăng tiến của mỗi cá nhân, hiệu quả của tổ chức cũng như nền kinh tế nói chung. Tham vọng lớn lao cho thấy một tính cách lớn lao. Những ai có được tố chất này sẽ thực hiện những điều rất tốt đẹp hoặc rất xấu xa tùy vào phương châm dẫn dắt họ. Khi để cho tham vọng cuốn chúng ta đi không chèo lái, vấn đề sẽ trở nên khác hẳn…

Khi tham vọng vượt quá tầm kiểm soát

“Những ngọn cỏ cao nhất sẽ bị cắt đầu tiên”

– Ngạn ngữ –

Đây là câu nói đúc kết những cú ngã ngựa của các cá nhân, tổ chức kiệt xuất trong nhiều lĩnh vực. Đôi khi, tham vọng lại là nhân tố thúc đẩy những hành vi sai lầm. Điều đó có thể xảy ra trong trường hợp chúng ta vì một lý do nào đó, bỏ qua một hoặc vài giai đoạn khiến quá trình thực hiện mục tiêu trở nên nhiều rủi ro.

Tham vọng trở nên tiêu cực khi ta đặt ra cho mình những mục tiêu không thể đạt được, làm tăng quá mức chi phí cơ hội (opportunity cost). Nói cách khác, khi nỗ lực thực hiện một mục tiêu quá khó hoặc không thể đạt được, chúng ta đang bỏ lỡ những cơ hội khác, làm những việc khác có thể sẽ thành công hơn hoặc hứng thú hơn.

Shakti Gawain (Nhà văn): "Tham vọng chính là vị thần với đôi cánh có thể đưa những tâm trí tuyệt vời bay đến giới hạn cao nhất, để hoặc sẽ trở nên vĩ đại, hoặc sẽ chẳng là gì cả".

Shakti Gawain (Nhà văn): “Tham vọng chính là vị thần với đôi cánh có thể đưa những tâm trí tuyệt vời bay đến giới hạn cao nhất, để hoặc sẽ trở nên vĩ đại, hoặc sẽ chẳng là gì cả”.

Theo Tiến sỹ Morgan W. McCall, giáo sư về quản lý tại Đại học Nam California (Mỹ), quá tham vọng là một trong mười lỗi sai mà nhà quản lý hay mắc phải. Những dấu hiệu cho thấy tham vọng quá mức có thể biểu hiện bằng việc bạn làm mọi cách để leo lên vị trí quản lý cao hơn, giành những cơ hội tốt nhất cho mình bất chấp việc làm hại người khác. Tham vọng quá mức cũng chặn đứng nhiều niềm vui đáng phải có sau một quá trình nỗ lực kéo dài.

Cách đơn giản nhất là hãy thay đổi góc nhìn của sự thỏa mãn để vừa có động lực vừa có niềm vui sau mỗi hành trình đạt tới thành công.

“Cách nhìn của chúng ta về khuôn mẫu hạnh phúc – thành đạt có thể thay đổi”, Shawn Achor, tác giả cuốn sách The Happiness Advantage nhận định và đưa ra lời khuyên: “Hãy tận hưởng từng khoảnh khắc: Ưu tiên niềm vui và thực sự ghi nhận những thành công của bạn. Bất cứ một tin vui như được tăng lương, thăng tiến hay thậm chí giảm cân cũng xứng đáng được chúng ta ăn mừng và ghi nhận”.

Cưỡi con sóng lớn

Từ giáo viên trở thành người kinh doanh, bà Lương Lệ Lan, Giám đốc Công ty Lá Phong lãnh đạo hàng trăm nhân viên ở hai lĩnh vực may mặc và sản xuất bao bì không ngại nói về tham vọng làm giàu của mình. Bà cho biết, lúc đầu đến với kinh doanh chỉ có một mục đích duy nhất là thoát nghèo cho gia đình và để mưu sinh. Tuy nhiên, công việc luôn bắt bà suy nghĩ, đối phó và có tham vọng phải làm tốt hơn nữa, hoàn hảo hơn nữa. Bà chia sẻ rằng nếu bà có tham vọng làm giàu bằng chính sức lao động chân chính của mình thì điều đó cũng rất đáng được xã hội trân trọng.

Một trong những tham vọng lớn của nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ là đưa PNJ trở thành một tập đoàn bán lẻ trang sức hàng đầu trong khu vực. PNJ được tổ chức Plimsoll (Anh) đánh giá và xếp hạng thứ 16 trong 500 công ty trang sức lớn nhất trong khu vực châu Á. Tuy có những cơ sở để hiện thực hóa tham vọng lớn này, nhưng PNJ không thể thiếu được tài năng và bản lĩnh của người đứng đầu để chèo lái con thuyền ra biển lớn.

Hoặc như chị Lê Hạnh, nữ doanh nhân sáng lập của TV Plus không giấu diếm tham vọng sẽ đưa TV Plus thành đơn vị hàng đầu về sản xuất các chương trình, đặc biệt về ẩm thực. Nữ tướng truyền thông này hét ra lửa ở trường quay nhưng khi nhận giải cho phim ấn tượng nhất trên đài Truyền hình Việt Nam năm 2013 với Vừa đi vừa khóc, chị Hạnh trao lại giải thưởng cho đạo diễn và thưởng cho ê-kíp thực hiện, để thấy tham vọng đi cùng sự chia sẻ có thể mang đến hiệu quả công việc và rất nhiều niềm vui.

Sự kết hợp giữa khiêm tốn và tham vọng là liều thuốc hòa giải tư tưởng “biết hết tất cả” của rất nhiều ngôi sao trong kinh doanh và có thể tạo ra một nhà lãnh đạo thành công.

Theo Jane Harper – một nhân viên kỳ cựu của IBM và hiện là một quản lý cấp cao của hãng: “Hãy là người có tham vọng. Hãy là một người lãnh đạo. Nhưng đừng khinh thường người khác trên con đường chinh phục tham vọng của mình”.

Bài: Mỹ Trang. Ảnh: AFP
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm