Sự ra đời của bộ sưu tập New Look của nhà mốt Dior năm 1947 đánh dấu sự khởi đầu của một thập niên quan trọng trong lịch sử thời trang (1947-1957), thập niên mà Christian Dior gọi là thời vàng son của haute couture. Đây là giai đoạn hân hoan sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc và mở ra một kỷ nguyên mới của thời trang cao cấp mà khó có giai đoạn nào có thể so sánh được.
Giai đoạn này ở Paris, các nhà mốt couture như Balenciaga, Balmain và Fath thu hút giới mộ điệu trên toàn thế giới với những thiết kế lộng lẫy và duyên dáng.
Trong khi đó, thời trang London nổi tiếng với những bộ dạ hội trang trọng do các thợ may cung đình làm ra và những trang phục được may đo hoàn hảo bởi các nhà thiết kế như Hardy Amies.
Haute couture gặp trở ngại vì Thế Chiến II
Năm 1939, có 70 nhà mốt couture chính thống ở Paris, bao gồm các thương hiệu lớn như Chanel, Schiaparelli và Balenciaga. Ngành công nghiệp hưng thịnh này từng bị gián đoạn bởi Thế chiến II khi chiến sự diễn ra ở Paris. Các khách hàng cá nhân bị phân tán, việc bán hàng ra quốc tế gần như bị đóng băng và nhiều nhà couture phải đóng cửa.
Thậm chí, người Đức còn lên kế hoạch chuyển ngành thời trang couture đến Berlin. Nhưng Lucien Lelong, nhà thiết kế và là chủ tịch Hiệp hội couture Paris (Chambre Syndicale de la Couture Parisienne) lúc bấy giờ đã cật lực phản đối. Ông tuyên bố “hoặc là ở Paris hoặc là không ở đâu cả”.
Trước tình cảnh này, các nhà mốt không thể diễn show hay gặp khách hàng. Trong hai năm 1945 – 1946, họ tìm ra một giải pháp khác: diễn show với búp bê.
Các nhà mốt couture ở Paris đã cùng nhau làm nên tour triển lãm Théâtre de la Mode với gần 200 con búp bê mặc đồ thời trang do các nghệ sỹ như Christian Bérard và Jean Cocteau làm ra. Tour diễn gặp nhiều khó khăn, ví như không đủ điện để chạy máy móc và đèn. Nhưng vẫn cố gắng đi khắp nước Anh, qua các quốc gia vùng Scandinavia và cả Mỹ. Cuộc triển lãm nhằm gây quỹ cho các nạn nhân chiến tranh và tuyên truyền về thời trang Pháp.
Théâtre de la Mode cũng là cảm hứng giúp thương hiệu Christian Dior tạo nên bộ phim Haute Couture Thu Đông 2020.
Cái nhìn mới từ New Look của Christian Dior
Ngày 12-2-1947, nhà thiết kế Christian Dior cho ra mắt bộ sưu tập New Look. Nó trở thành hiện tượng chỉ sau một đêm. Đó là một bộ sưu tập đầy nữ tính và gợi cảm, với những chiếc đầm phồng, thắt eo nhỏ và dài ngang bắp chân. Đó là một cách để Dior bày tỏ quan điểm phản chiến, chống lại sự nam tính mạnh mẽ của trang phục chiến tranh.
Bộ sưu tập đã khiến Carmel Snow, tổng biên tập của tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ phải thốt lên: “Quả là một cái nhìn mới”. Từ đó cái tên New Look cũng gắn liền với bộ sưu tập.
Nhà couture London John Cavanagh đã miêu tả những thiết kế này như là “một sự tôn vinh hoàn hảo đường cong của phái đẹp”.
Trong khi thời kỳ hậu chiến, vải rất hạn chế nhưng Dior lại sử dụng tới 20 mét vải xa hoa cho những sáng tạo của mình. Điều này đã gây phẫn nộ ở London. Do đó, bộ sưu tập đã phải trình diễn một cách bí mật cho nữ hoàng Elizabeth và các thành viên trong hoàng tộc xem tại Đại sứ quán Pháp ở London.
Mặc dù bị Hội đồng Thương mại Anh lên án, New Look vẫn được chào đón và phổ biến rộng rãi, đặc biệt là sau khi công chúa Margaret diện nó, khoe ra vẻ đẹp nữ tính và tươi trẻ của mình.
Haute Couture đi tìm thị trường mới
Việc sản xuất thời trang cao cấp haute couture có ảnh hưởng thiết yếu đến uy tín và kinh tế của cả Anh lẫn Pháp. Trong khi các nhà mốt vẫn duy trì việc phục vụ riêng cho các khách hàng giàu có, họ bắt đầu hướng đến việc khai thác các thị trường mới. Những hãng thời trang bắt đầu sản xuất thêm nước hoa, mở boutique và cho phép gia công hàng loạt các thiết kế ở những nước nhỏ hơn, mà tiên phong là nhà mốt Christian Dior.
Ban đầu, khi Christian Dior khởi xướng việc gia công hàng loạt các thiết kế, ông đã bị Hội đồng couture Pháp chỉ trích. Tuy nhiên, đến khi danh tiếng của Dior lan rộng ra thị trường quốc tế, doanh thu tăng vọt thì các nhà mốt khác cũng không thể làm ngơ. Đến cuối thập niên 1950, các nhà couture hàng đầu ở Paris đều trở thành những thương hiệu toàn cầu.
Sự ra đi đột ngột của Christian Dior năm 1957 đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ vàng son của haute couture. Sự thay đổi kinh tế xã hội đã biến thời trang trở nên đại chúng hơn, tiếp cận đến số đông người tiêu dùng hơn. Nhu cầu dành cho thời trang cao cấp đã không còn mạnh mẽ như trước nhưng haute couture vẫn là một di sản của nghệ thuật và thủ công tinh xảo của các nhà mốt Pháp.
>>> Xem thêm: 3 NHÀ THIẾT KẾ CÓ ẢNH HƯỞNG SÂU SẮC ĐẾN THỜI TRANG HAUTE COUTURE
Theo: Victoria & Albert Museum
Harper’s Bazaar Việt Nam