Không phải là dân nghệ thuật, có lẽ bạn cũng từng nghe danh bức tranh Mona Lisa hay còn gọi là La Gioconde của danh họa Leonardo da Vinci. Bức tranh này đạt rất nhiều kỷ lục trên thế giới. Một trong những con số khiến chúng ta phải thẫn thờ đó là…thời gian chờ và đợi để được tận mắt chiêm ngưỡng nó.
Muốn được nhìn thấy nó, bạn phải mua vé vào bảo tàng Louvre ở Paris. Sau đó chờ rất lâu để xếp hàng. Tới được chỗ bức tranh, bạn chỉ có… 30 giây để nhìn ngắm nó trước khi bị đẩy đi mất, lấy chỗ cho nhóm khách tiếp theo.
Chưa kể, tranh Mona Lisa nhỏ chút xíu, được bảo vệ trong một chiếc lồng kính chống đạn dày cui. Nếu không được nhìn ngắm nó từ chính diện, tấm kính có thể phản ánh sáng, khiến bạn lóa mắt và không nhìn rõ.
Nếu yêu thích bức tranh này, bây giờ, bạn không còn quá khổ cực. Dự án Google Arts & Culture đã sao chép nó lên thư viện số hóa của mình. Ngồi ở nhà, bạn có thể ung dung, thoải mái ngắm tranh mà không bị phiền hà.
Nàng Mona Lisa là ai?
Trong tiếng Anh, tên bức tranh này là Mona Lisa. Nhưng ở tiếng Ý thì nó lại được đề danh là La Gioconda (hoặc La Gioconde trong tiếng Pháp). Sự rối rắm giữa hai cái tên này đến từ ghi chép lịch sử không đồng nhất.
Các lịch sử gia cho rằng rằng đây là bức họa chân dung của bà Lisa Gheradini, vợ Francesco del Giocondo, một thương nhân buôn vải thời Phục Hưng. Vì vậy, La Gioconda có thể xem như cách gọi trân trọng cho tên của bà. Nó cũng là một cách chơi chữ dựa trên họ Giocondo. Vì “gioconda”, trong tiếng Ý cổ, có nghĩa là “sự vui vẻ, hạnh phúc”. La Gioconda có thể hàm ý người phụ nữ hạnh phúc.
Còn cái tên Mona Lisa đến từ đâu? Từ sổ ghi chép của một nhà lịch sử hội họa thời Phục Hưng tên là Giorgio Vasari. Ông ghi, “Leonardo đã nhận vẽ chân dung Mona Lisa, vợ Francesco del Giocondo”. “Mona”, trong tiếng Ý, có nghĩa là “quý bà”. Lisa là tên riêng của bà ấy. Vì thế, bức tranh này còn có thể là Quý bà Lisa.
Vì sao Mona Lisa là bức họa nổi tiếng?
Mona Lisa là một trong những bức tranh đắt giá nhất thế giới. Theo sách kỷ lục Guinness, giá trị tiền bảo hiểm mất cắp của nó là 100 triệu đô-la Mỹ năm 1962 – tương đương với 700 triệu đô bây giờ. Vì sao nó lại được đánh giá cao như vậy?
Đầu tiên là lịch sử của nó.
Ra đời thập niên đầu tiên của những năm 1500, nó là một trong những bức tranh thời Phực Hưng còn khá nguyên vẹn, hoàn hảo. Giá trị của chúng nằm ở chỗ cho phép chúng ta hiểu về văn hóa xưa cũ.
Ví dụ như, nàng Mona Lisa không có lông mày. Nhiều nhà sử gia tuyên bố, đấy là vì thời xưa, phụ nữ nhổ sạch cả lông mày vì cho rằng nó không sạch sẽ. Nhưng rồi, năm 2007, kỹ sư Pascal Cotte cho biết: Bản scan cho thấy thực ra nàng Mona Lisa có lông mày đủ cả chứ. Nhưng những đường nét mảnh mai này đã phai mờ theo thời gian, khiến thiên hạ cứ gọi nàng là người đàn bà không lông mày!
Thứ nhì, vì nó là một tác phẩm của Leonardo da Vinci.
Ông được xem như một thiên tài, danh họa nổi tiếng nhất nhì thời Phục Hưng. Leonardo da Vinci đã sáng chế ra cách vẽ tranh chân dung trên nền phong cảnh, thay vì trong nhà tối. Ý tưởng này của ông sáng tạo ra một đường lối mới cho hội họa Phục Hưng, tách biệt ra khỏi thời kỳ Baroque trước đấy.
Cuối cùng, có lẽ vì nó từng bị…đánh cắp.
Thực chất thì mãi đến những năm 1860, giới trí thức mới bắt đầu để ý đến bức tranh này, ca tụng nó là một tác phẩm đỉnh cao của phong cách hội họa Phục Hưng. Còn công chúng chỉ biết đến nó bắt đầu từ năm 1911 vì vụ trộm động trời.
Tờ Times ghi lại: Ngày 21/08/1911, bức tranh bị không cánh mà bay khỏi điện Louvre. Giới chức trách của Louvre bấy giờ còn không nhận ra được là nó biến mất. Sau một hồi hỗn loạn, với các bộ phận hỏi nhau qua lại liệu có ai đã mang nó đi chụp ảnh hay không, thì Louvre đóng cửa hẳn một tuần để dò xét vụ trộm.
Những người bị tình nghi ăn cắp tranh gồm có nhà thơ và bình phẩm tranh Guillaume Apollinaire, cùng bạn của anh, Pablo Picasso, một nghệ sỹ mới nổi và khá nghèo.
Nhưng rồi kẻ cắp thật bị bắt. Không ai khác ngoài nhân viên của Louvre, Vincenzo Peruggia.
Vincenzo Peruggia là một người Ý. Anh ta tin rằng, một siêu phẩm của nền văn hóa Ý nên được trả về với mẫu quốc. Trong suốt 2 năm, anh ta giấu bức Mona Lisa ở nhà riêng. Giai đoạn ấy, anh ta liên tiếp tìm cách đưa bức Mona Lisa về Ý. Vincenzo bị tóm cổ khi tìm cách bán bức Mona Lisa cho giám đốc viện bảo tàng Uffizi Gallery ở Florence, Ý.
Để kết thúc vụ việc hữu nghị, bức tranh Mona Lisa được trưng bày tại bảo tàng Uffizi hai tuần trước khi trả về Paris, ngày 4/1/1914. Còn Vincenzo Peruggia ngồi tù 6 tháng, đồng thời được báo chí Ý ca tụng là một anh hùng vì thể diện quốc gia!
Vì vụ ăn cắp này, bức tranh trở nên nổi tiếng. Ngày điện Louvre đón nó về, Mona Lisa trở thành một biểu tượng của viện bảo tàng này. Và trở thành một trong những bức tranh dễ nhận diện nhất toàn cầu.
>>> Xem kỹ bức tranh La Gioconde: Mona Lisa tại website Google Arts & Culture.
Harper’s Bazaar Việt Nam