Chống lão hóa cho chân là mẹo kéo dài tuổi thọ cho cơ thể

Bạn đã biết cách chăm sóc đôi bàn chân? Bạn có biết ở mỗi độ tuổi, da chân cần có các mẹo nhỏ dưỡng và điều trị khác nhau?

Bạn đã nhớ chống lão hóa cho chân? Bí quyết chăm sóc chân cho tuổi 20–40

Ảnh: Instagram Jessica Amornkuldilok

Chúng ta đã thảo luận nhiều về việc chăm sóc da mặt, da cổ, da tay. Nhưng da chân lại là điểm ít ai để ý đến. Khi mặc quần tây, đầm maxi thì đúng là đôi chân được giấu kín. Nhưng đến mùa tiệc tùng, những chiếc đầm cocktail ngắn có thể tố cáo tuổi tác thật của bạn khi lộ đôi chân ít được chăm sóc.

Bàn chân là một trong hai trụ cột nâng đỡ cơ thể. Đồng thời là nơi tập trung các huyệt đạo ảnh hưởng quan trọng đến nội tạng cơ thể. Sau một ngày dài, đôi chân bạn phải đi lại quá nhiều và bó chặt trong đôi giày nóng bức khiến chân trở nên mỏi mệt. Về lâu dài, chân sẽ nhanh lão hóa, sần sùi. Chân đau khiến chúng ta đi lại sai tư thế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chung của cơ thể.

Harper’s Bazaar Việt Nam mách bạn cách chăm sóc đôi chân theo từng lứa tuổi. Đồng thời, tham khảo mẹo chọn giày cao gót để không gây hại đến sức khỏe.

Lứa tuổi 20

Đây là lứa tuổi đẹp nhất của người con gái. Làn da chân căng mịn, sức đề kháng của da tốt. Bạn chỉ cần thoa kem chống nắng mỗi ngày nếu mang giày hở mũi. Điều này giúp hạn chế da chân bị khô, hình thành đốm nâu và nám về lâu dài.

Buổi tối khi đi làm về, bạn có thể ngâm chân với nước ấm pha muối hoặc bột baking soda. Massage cũng giúp đôi chân bớt căng mỏi và tăng cường tuần hoàn máu. Đừng quên thoa kem dưỡng và tẩy tế bào chết cho chân 1 lần/tuần.

Lứa tuổi 30

Bàn chân từ từ mất đi lớp mỡ đệm, da chân trở nên khô, nứt và bị chai. Các chị em nào thường xuyên đi giày cao gót quá cao cũng dễ bị đau mỏi chân.

Trước tiên, bạn cần cung cấp độ ẩm cho da chân bằng cách sử dụng kem dưỡng da đều đặn mỗi tối. Hạn chế đi chân trần trong nhà, khiến bàn chân dễ khô và thô ráp. Nên chọn loại dép đi trong nhà bằng bông mềm.

Một tháng/lần, bạn có thể dùng mặt nạ ủ chân lột da chết. Sản phẩm này sẽ giúp làm bong đi lớp da chân siêu sần sùi và thô ráp.

Mặt nạ dưỡng chân dạng bao (trái) và kem (phải)

Lứa tuổi 40

Nếu ở tuổi 20 và 30 bạn đã quên không dùng kem chống nắng cho chân mỗi ngày, thì đến tuổi 40, làn da chân sẽ bắt đầu trở nên nhăn nheo, xuất hiện đốm nâu. Đồng thời, các chị em thường xuyên sơn móng chân sẽ phát hiện móng chân trở nên yếu, giòn và dễ gãy hơn.

Điều đầu tiên nên làm là hạn chế sơn móng chân với các màu đậm như xanh navy, đỏ, đen. Những màu này rất dễ gây vàng móng. Tiếp theo, bạn hãy chăm sóc cho móng chân với các sản phẩm có chiết xuất vitamin E, dầu cây trà.

Lúc này, bạn có thể tăng cường ra salon hàng tháng để được xoa bóp và đắp chân bằng paraffin. Đây là một trị liệu nóng giúp làm phục hồi độ mềm mại của da tay chân.

Ảnh: Instagram Jessica Amornkuldilok

Để chăm sóc bàn chân tốt nhất, hãy chọn giày cao gót phù hợp

Khi mua giày cao gót, bạn nên đi thử nhiều vòng trong cửa hàng. Bạn xỏ giày, giữ đầu gối thẳng, sau đó nhón lên các ngón chân sao cho gót giày cách đất 2,5cm. Nếu bạn không làm được điều này nghĩa là đôi giày quá cao so với bạn. Lúc đó, nên chọn đôi khác thấp hơn.

Thời gian thử giày tốt nhất là vào cuối ngày. Bàn chân lúc đó “nở” to nhất, nên cho ra size giày chuẩn nhất.

Nên chọn giày có gót to, vững, hơn là các loại giày stiletto gót nhọn thanh mảnh. Phần đế giày tạo độ chắc chắn cho đôi chân, khiến bạn khó vấp ngã, trẹo chân khi bước đi.

Cuối cùng, hãy hạn chế thời gian phải đứng trên giày cao gót. Cơ thể con người có 206 khúc xương, trong đó hết 52 nằm ở vùng chân cẳng. Giày cao gót, tuy tạo dáng đứng đẹp, nhưng cũng ảnh hưởng đến cách đi lại của chúng ta. Về lâu dài, ngoài việc đau bàn chân thì bạn còn có thể gặp tác hại ở cột sống, hông, hay đầu gối. Hãy ưu tiên sử dụng các đôi giày êm chân, có công nghệ nâng đỡ bàn chân như giày thể thao hoặc giày FitFlop.

Những đôi giày không quá cao, có đế rộng là lựa chọn tốt nhất. Ảnh: Christian Vierig/Getty Images

>>> Xem thêm: 5 CÁCH THANH TẨY CƠ THỂ CẦU MAY NĂM MỚI

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm