TIA THỦY NGUYỄN: MIỄN SAO TÔI VẪN THẤY MÌNH TRẺ

Nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn, người nghệ sỹ đương đại luôn tràn đầy năng lượng và sự tự tin toát ra từ bên trong. Với chị cuộc sống là sự cống hiến không giới hạn.

Nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn

Tác phẩm Scarlet Mist – Sương mù đỏ thẫm của nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn vừa được đấu giá thành công tại sự kiện (Red) Auction. Red là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm kêu gọi gây quỹ đóng góp cho những nạn nhân HIV/AIDS thông qua Global Fund. Chị là họa sỹ Việt Nam đầu tiên có tác phẩm được đấu giá tại Red. Ngoài việc hợp tác cùng Red, Tia-Thuỷ Nguyễn còn ấp ủ tham vọng đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam lên một vị trí mới.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, Tia-Thủy Nguyễn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Mỹ thuật tại Kiev, Ukraine. Hiện nay, chị là một họa sỹ, nhà thiết kế với thương hiệu Thủy Design House, và là người đồng sáng lập trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory. Đồng thời chị vẫn vẹn toàn vai trò làm vợ làm mẹ. Hãy cùng Harper’s Bazaar lắng nghe bí quyết của người phụ nữ đa tài này.

BAZAAR: Có vẻ như chị luôn giữ được sự trẻ trung?

THỦY NGUYỄN: Tôi nghĩ sức trẻ là năng lượng từ bên trong, không phải ở diện mạo mà trẻ từ trong tâm trí, thứ không thể “fake” được. Từ đó giúp tôi nắm bắt được những xu hướng đang trẻ hóa ngoài kia, hiểu được những câu chuyện của người trẻ bây giờ. Thậm chí, việc phải học, phải hiểu những đứa con của mình, cũng khiến tôi trẻ ra.

Ngoài ra, sự cống hiến cũng là một liều thuốc chống lão hóa. Tôi luôn thấy mình trẻ trung trong công việc để cống hiến nhiều hơn. Tôi muốn làm được nhiều thứ hơn, không những vượt qua giới hạn cá nhân, gia đình mình, mà cho cả cộng đồng nữa. Sức khỏe cũng góp phần quan trọng trong thanh xuân của tâm hồn. Với tôi, sự trẻ trung không nằm ở phần nhìn.

BAZAAR: Có phải người phụ nữ hiện đại ngày càng chịu nhiều áp lực hơn?

THỦY NGUYỄN: Phụ nữ hiện đại tự đặt cho mình quá nhiều áp lực: gia đình, công việc, ngoại hình, sức khỏe, cảm hứng… nói chung rất nhiều. Có những người tiếp nhận một cách rất bình thường, nhưng số khác lại xem đó là gánh nặng và tự làm cho mình cằn cỗi. Phụ nữ Việt Nam ngày nay đã bước ra nước ngoài nhiều. Từ sự học hỏi, tiếp xúc với thế giới khác, họ cởi mở, thay đổi nên luôn trẻ trung, năng động bất chấp tuổi tác. Trong khi nhiều người cổ hủ, giữ khăng khăng những quy chuẩn cũ sẽ già cỗi với xã hội đương thời.

“Cảm hứng cũng là sự học hỏi, trau dồi chứ không phải tự đến rồi tự đi. Tôi vẫn phải cân đo đong đếm cảm hứng của mình”

BAZAAR: Là một người thành công, chị có thể chia sẻ cách để chị giữ được sự cân bằng trong nhịp sống quá bận rộn?

Thủy Nguyễn: Nếu bạn đã chọn là phụ nữ hiện đại, chắc chắn bạn phải gánh vác. Mọi thứ đều có sự đánh đổi, tuy nhiên, tùy lẽ sống mỗi người đặt ra. Cuộc sống mình cống hiến, nhưng phải mang lại hạnh phúc, và “enjoy”.

Nếu ai đó nói rằng, tôi có gánh nặng, tôi sẽ không đồng ý. Đương nhiên, ai cũng muốn mọi thứ đều vẹn toàn. Có người biết sắp xếp thì 24 giờ thì thành 48 giờ. Người không biết sắp xếp thì bao nhiêu thời gian cũng thành vô nghĩa. Tất cả đều là sự tập luyện. Cách để dung hòa, buông bỏ cái gì cũng là kỹ năng sống. Phụ nữ ai cũng mang vác gánh nặng trên vai, nhưng mỗi người sẽ theo một cách khác nhau. Tôi enjoy thì dù vác nặng, tôi vẫn lướt rất nhanh. Nhưng có người không có nổi một bước. Phải biết buông bỏ, lựa chọn cái gì vừa sức.

Cách của tôi là không làm việc sau 4 giờ chiều, công việc phải bớt đi thì tôi mới vẹn toàn được gia đình. Tôi điều hành cả trăm nhân viên, làm sao không gánh nặng. Ai cũng phải mang vác nhiều trọng trách trên vai, nhưng vác cái gì là lựa chọn của bạn.

BAZAAR: Chị có đứa con nào mang thiên hướng ngành nghề giống chị chưa?

THỦY NGUYỄN: Tôi không quan niệm là con cái theo mình hay không. Chẳng quan trọng ngành nghề nào, miễn con tôi cảm thấy hạnh phúc.

BAZAAR: Con đường từ nghệ sỹ thành doanh nhân của chị có lẽ không đơn giản?

THỦY NGUYỄN: Đương nhiên là rất khó khăn, vì tôi là tay ngang. Với nghệ thuật, tôi chỉ cần trái tim và óc sáng tạo. Với kinh doanh bao gồm: xuất nhập, pháp lý, nhân sự… những quy trình đó tất cả đều phải học. Tuy nhiên, cái này bổ trợ cho cái kia. Ngày xưa, khi làm nghệ sỹ, tôi chỉ quan tâm đến việc vẽ tranh sao cho đẹp, bán tranh như thế nào tôi không cần biết. Sau này, kinh doanh giúp tôi học cách làm việc với 100 con người.

Từ đó, tôi học cách kết nối các nghệ sỹ, làm thế nào để PR cho họ, mang tên tuổi họ ra nước ngoài. Tranh của tôi muốn ra nước ngoài phải qua nhiều công đoạn, chứ không đơn giản là gửi tranh đi là xong. Ngược lại tôi phải đàm phán hợp đồng với rất nhiều bên. Tất cả đều là kỹ năng sống, cho tôi hiểu biết nhiều hơn, giúp tôi cân bằng mọi khía cạnh cuộc sống.

“Kỹ năng sống cho tôi hiểu biết nhiều hơn, giúp tôi cân bằng mọi khía cạnh trong cuộc sống”

Nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn
BAZAAR: Sao chị chọn hình tượng đám mây trong Scarlet Mist ?

THỦY NGUYỄN: Đối với mỹ thuật, đầu tiên bạn phải cảm nhận, tiếp theo đó mới là chất liệu, kỹ thuật và cách chuyển tải. Ý tưởng đầu tiên của tôi là sự mơ hồ, giữa sự sống và cái chết, giữa hiểu biết và không hiểu biết. Trong khi đó, đám mây vốn dĩ không có điểm đi, không có điểm dừng, vừa hòa tan, lại vừa hội tụ. Chính vì mây lơ đãng nên vừa lãng mạn vừa nguy hiểm, có thể hội tụ cả chất độc. Màu đỏ rất đẹp, nhưng mây đỏ trong tự nhiên lại vô cùng nguy hiểm, bởi nó cấu tạo từ những chất hóa học từ mặt đất bay lên.

Trong mỹ thuật, mây phải màu xanh hoặc trắng. Màu đỏ cũng là yếu tố sáng tạo về thị giác, cảm xúc và cả báo động. Vậy thực trạng tiềm ẩn của HIV có nguy hiểm hay không? Điều đó khiến tôi suy nghĩ. (Red) Campaign là tổ chức phòng chống AIDS. Tác phẩm Scarlet Mist của tôi đã may mắn được gọi tên ở nước ngoài, một sự đóng góp cho chiến dịch HIV toàn cầu.

BAZAAR: Công nghệ hiện đại bây giờ có thể khiến ai cũng có thể có một tác phẩm nghệ thuật bằng ứng dụng điện thoại, người nghệ sỹ như chị có cảm thấy thiệt thòi không?

THỦY NGUYỄN: Đó là nghệ thuật đương đại. Ngày xưa công cụ ít, họa sỹ phải phác họa bằng tay, rồi tô màu, phóng to thành bức tranh khổ lớn. Giờ đây chúng ta vẽ graphic tiện hơn nhiều.

Với ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, không nhất thiết bạn phải tự làm, mà dùng những công cụ hiện đại thể hiện ý tưởng, câu chuyện. Nếu đến The Factory của tôi, trung tâm nghệ thuật đương đại duy nhất ở Sài Gòn, bạn sẽ thấy rất nhiều ngôn ngữ khác nhau như nghệ thuật sắp đặt, video art… Nghệ sỹ không còn đơn lẻ, tự tay làm tất cả các khâu mà có ê kíp, máy móc hỗ trợ… Tất cả chỉ là kỹ thuật trong ngôn ngữ đương đại, nhưng ý tưởng là gì, cách để hiện thực hóa ý tưởng mới quan trọng. Công cụ giúp ta có thể chỉnh sửa, cắt ghép miễn đừng sao chép của người khác. Xã hội phát triển nhanh hơn, ngôn ngữ nó khác hơn nhưng thông tin cốt lõi không hề thay đổi.

Ngay cả ở lĩnh vực giáo dục, học sinh hiện nay cũng không cần học bài. Nhà trường cho phép mở tài liệu, tra Google nhưng mỗi người có một đáp án khác nhau. Nghệ thuật cũng vậy, ai cũng có công cụ giống nhau nhưng tác phẩm lại không hề giống nhau.

BAZAAR: Có vẻ thiết kế của chị mang tính hướng nội?

THỦY NGUYỄN: Tôi thích mang hồn Việt vào tác phẩm của mình. Có lẽ tôi là người hay hoài niệm. Dù học tập ở nước ngoài, tôi luôn đau đáu nhớ quê hương. Văn hóa Việt với tôi là sự ám ảnh, đến độ món Tây tôi cũng chẳng biết nấu.

BAZAAR: Cảm hứng của chị lấy từ đâu?

Nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn

Họa sỹ Thủy Nguyễn bên những tác phẩm hội họa của mình.

THỦY NGUYỄN: Cảm hứng cũng là sự học hỏi, trau dồi chứ không phải tự đến rồi tự đi. Tôi vẫn phải cân đong đo đếm cảm hứng của mình. Tôi vẫn còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố trong cuộc sống, công việc. Cảm hứng đến mình lại phải quyết định có thực hiện hay không hay quay lại câu chuyện “buông bỏ”. Cảm hứng của tôi thường mang hơi hướm rất Việt Nam. Những điều bình dị hằng ngày, những hồi ức, thậm chí là những di sản tôi muốn bảo tồn cho thế hệ sau. Tranh Đông Hồ, Hàng Trống, họa tiết nào, màu sắc nào của Việt Nam cần gìn giữ và phát triển… là những ví dụ. Cảm hứng là sự nhắc lại những gì vốn có của bản thân, chỉ chờ đợi cơ hội tuôn ra thật dạt dào.

Nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn

Bức tranh Sương mù đỏ thẫm (Scarlet Mist) được bán đấu giá khoảng 2,3 tỷ VND đồng trong chiến dịch (Red) Campaign.

BAZAAR: Chất liệu và màu sắc trong tranh sương mù đỏ thẫm là gì?

THỦY NGUYỄN: Một chút bí mật nghề nghịệp. Tuy nhiên tôi có tìm hiểu những chất hóa học để tạo đám mây màu đỏ trong tự nhiên. Sau đó, tôi có cho một ít vào để tăng hiệu ứng trong tranh. Bức tranh không đơn thuần vẽ bằng sơn dầu mà là chất liệu tổng hợp trên toan.

BÀI: XUÂN HÀ.
ẢNH: NVCC.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm