NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI CỦA KARL LAGERFELD, NHÀ THIẾT KẾ TÀI DANH

Ngày 19-2-2019, nhà thiết kế vĩ đại nhất thế kỷ 21 qua đời. Khi còn sống, không chỉ định hình. Lagerfeld còn là đại diện cho ngành công nghiệp thời trang suốt nửa thế kỷ. Hãy tưởng nhớ ông bằng cách cùng nhìn lại cuộc đời của Karl Lagerfeld, thầy phù thuỷ tóc bạc.

Cuộc đời của Karl Lagerfeld 01

Ngày 19-2-2019 Karl Lagerfeld qua đời, thọ 85 tuổi.

Karl Lagerfeld là giám đốc sáng tạo của hai nhà mốt lớn: Chanel và Fendi và thương hiệu riêng cùng tên. Trong hai show diễn haute couture của Chanel vừa qua, Lagerfeld vắng mặt vì sức yếu. Nhưng ông vẫn miệt mài làm việc cho sưu tập ready-to-wear Thu Đông 2019 của Fendi. “Thiết kế là hơi thở của tôi. Làm sao tôi có thể sống được nếu không thở?” ông từng khẳng định. Ngày 19 tháng 2 năm 2019, ông từ bỏ cõi đời này. Hãy cùng Harper’s Bazaar nhìn lại cuộc đời của Karl Lagerfeld, nhà thiết kế tài danh.

Làm việc không ngưng nghỉ

Ở tuổi 80, khi hầu hết các đồng nghiệp nghỉ hưu, ông thiết kế trung bình 14 bộ sưu tập mới mỗi năm. Couture. Ready-to-wear. Không tính tới các dự án đặc biệt khác. “Ý tưởng đến khi bạn làm việc”, ông nói trong hậu trường trước show diễn Fendi ở tuổi 83. Ông tuyên bố sẽ không nghỉ hưu: “Cớ sao tôi phải ngừng làm việc? Nếu làm vậy, tôi sẽ chết và mọi thứ sẽ chấm dứt”. Và ông đã làm việc đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình. Làm sao có thể thương khóc cho đủ về mất mát to lớn này? Bởi không chỉ định hình. Lagerfeld còn là đại diện cho ngành công nghiệp thời trang suốt nửa thế kỷ qua.

Thuở đầu tiên của nhà thiết kế

  • Lagerfeld, người Đức, bắt đầu sự nghiệp vào năm 1955. Ông là trợ lý của Pierre Balmain. Đó là phần thưởng cho chiến thắng ở hạng mục áo choàng, cuộc thi thiết kế International Wool Secretariat. Kể từ đó, cuộc đời của Karl Lagerfeld là chuỗi nối tiếp những sáng tạo.
Cuộc đời của Karl Lagerfeld 10

Chiếc áo khoác vàng bằng len, thiết kế chiến thắng của Karl Lagerfeld tại cuộc thi International Wool Secretariat

Cuộc đời của Karl Lagerfeld 04

Lagerfeld 21 tuổi bên cạnh thiết kế thắng giải tại Cuộc thi International Wool Secretariat. Giải thưởng mang lại cho anh vị trí trợ lý của Pierre Balmain

  • Ông gia nhập thương hiệu Pháp Jean Patou năm 1958. Năm năm tiếp theo, ông thiết kế 10 bộ sưu tập haute couture dưới cái tên “Roland Karl”.
  • Năm 1964, Lagerfeld làm freelancer cho thương hiệu Chloé của Pháp. Ông bắt đầu với vài mẫu thiết kế mỗi mùa, sau đó là cả bộ sưu tập. Ông đưa ra định nghĩa Prêt-à-Porter (ready-to-wear), thứ vẫn còn xa lạ với công chúng vào thời điểm đó. Năm 1984, ông chấm dứt 19 năm làm việc cùng nhà mốt này với bộ sưu tập ready-to-wear Xuân Hè.
  • Vào những năm 70, ông hợp tác với thương hiệu haute couture La Mã Curiel. Ông đồng thời giữ vai trò giám đốc sáng tạo của Fendi. Nhiệm vụ của Karl Lagerfeld là làm mới lại thương hiệu già cỗi này. Ngay phút đầu tiên đảm nhận thử thách, ông lập tức thiết lập giọng điệu mới cho hãng: vui vẻ và xấc xược. Điều này tương phản với việc làm lông thú truyền thống. Để mang lại hương vị trẻ trung, nổi loạn, khẩu hiệu Fendi Fur Fun ra đời.

Fendi Fur Fun

Mục tiêu đầu tiên chính là tăng độ nhận diện của Fendi đối với khán giả toàn cầu. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhà Fendi, Lagerfeld đã lấy một mảnh giấy và vẽ ra logo double F huyền thoại. Ông hồi tưởng trong phim tài liệu Karl Lagerfeld Sketches His Life của Loic Prigent năm 2013: “Tôi đã vẽ nó trong ba giây và nó trở thành từ viết tắt của nhà Fendi”. Từ khoảnh khắc đó, thương hiệu Fendi bắt đầu cuộc sống mới, đúng 40 năm sau khi nhà mốt được thành lập.

Cuộc đời của Karl Lagerfeld 02

Bản phác thảo một thiết kế của Karl Lagerfeld cho show diễn Fendi 1979-1980

Logo của Lagerfeld không chỉ là một logo. Nó còn mang hàm ý từ vựng và sáng tạo. Đó là câu thần chú và con đường mà Lagerfeld đã hình dung cho Fendi: Fur Fun. Với logo mới mang tầm nhìn lớn, Fendi xác định lại chiến lược sáng tạo của mình. Thương hiệu bây giờ đại diện cho tay nghề thủ công tinh xảo thể hiện qua sự vui tươi độc đáo. Nó đã có tác dụng. Tinh thần của công ty đã thay đổi hoàn toàn. Sự đổi mới được đặt lên hàng đầu, xuyên suốt bằng nguồn năng lượng nhẹ nhàng, vui vẻ và năng động.

Xu hướng logomania

Fendi được hưởng lợi rất nhiều từ xu hướng logomania trong những năm 1980 và 1990. Karl Lagerfeld tận dụng logo mà ông đã tạo ra để đảm bảo Fendi có được độ nhận diện cao như Louis Vuitton và Gucci. Trong thập kỷ đó, logo Fendi có thể được tìm thấy trên tất cả mọi thứ, từ quần áo và phụ kiện đến túi xách và giày dép và thậm chí là đồ nội thất. Ngày nay, chiếc xe đẩy Fendi có logo này trị giá khoảng 1.500 đô la Mỹ. Double F đã trở thành một biểu tượng của phong cách. Đó là huy hiệu của một đế chế giúp giữ cho tinh thần Fendi trường tồn. Logo này nổi tiếng đến mức người ta làm giả logo với font chữ Helvetica của Fendi trên khắp thế giới.

Hơi thở mới cho Chanel

Năm 1983, Alain Wertheimer, đồng sở hữu của Chanel đã đề nghị Lagerfeld mang đến hơi thở mới cho nhà mốt này. Thương hiệu mang tính biểu tượng của Pháp đã chìm vào giấc ngủ kể từ khi Coco Chanel qua đời ở tuổi 87 vào năm 1971.

Cuộc đời của Karl Lagerfeld 03

Coco Chanel, tác phẩm của Karl Lagerfeld

“Bạn biết đấy, khi tôi được mời vào làm tại đây, Chanel không phải là xu hướng”, ông hồi tưởng trong phim tài liệu của CNN Fashion: Backstage Pass From Paris. “Wertheimer bảo tôi: ‘Tôi không tự hào về doanh nghiệp này. Nếu anh có thể làm điều gì đấy. Tuyệt. Nhưng nếu anh không làm được, tôi sẽ bán nó đi”.

Ông ra mắt bộ sưu tập đầu tiên cho thương hiệu di sản Pháp này vào mùa thu 1983.

Hồi sinh Chanel

Lagerfeld nhanh chóng hồi sinh Chanel, cải tiến các thiết kế biểu tượng như tweed skirtsuit, little black dress, và quilted handbag. Ông phát triển các bộ sưu tập Cruise và đưa chúng ra khắp thế giới. Ông cũng sáng tạo ra các bộ sưu tập mới, như Métiers d’art vào năm 2002. Lagerfeld còn tung ra các dòng phụ kiện. Nhiều thiết kế đã trở thành biểu tượng, như túi Boy Chanel vào năm 2011. Năm 2016, ông tung ra chiếc túi Chanel’s Gabrielle.

Lagerfeld vẫn tôn vinh các đặc trưng của Chanel, nhưng ông đồng thời đập chúng đi và xây dựng lại để đạt tới tầm vóc lớn hơn. Bộ sưu tập hip-hop mùa thu năm 91 là tiêu biểu.

Cuộc đời của Karl Lagerfeld 08

Inès de la Fressange, người mẫu độc quyền của Chanel, tạo dáng trong căn hộ Chanel.

“Thời trang mà không có sự dí dỏm là thảm họa”

Ông mang sự tươi vui vào thương hiệu, nhưng bộ quần áo vải tuýt đặc trưng của Chanel vẫn luôn có mặt trong mọi show diễn. Điều kỳ diệu trong các bộ sưu tập của ông là cho dù các thiết kế thay đổi liên tục từ mùa này sang mùa khác, chúng đều nồng đượm hơi thở của Chanel.

Nói cách khác, Lagerfeld là một người am hiểu văn hóa pop, nhưng không bao giờ quên những giá trị biểu trưng của cuộc cách mạng Coco: độc lập, tự do và hiện đại.

Ông cũng khôn ngoan tạo ra các yếu tố thương mại, như logo với hai chữ cái “CC” lồng vào nhau. “Tôi có thể làm được một cái gì đó vì Wertheimer đã để tôi toàn quyền quyết định. Thương hiệu đã sẵn có một hình ảnh riêng. Tôi chỉ nâng cấp nó theo hướng mà tôi muốn. Những gì tôi làm, Coco Chanel sẽ không bao giờ làm. Thậm chí bà có lẽ sẽ ghét chúng”.

Cuộc đời của Karl Lagerfeld 06

Cindy Crawford, Tatjana Patitz, Helena Christensen, Linda Evangelista, Claudia Schiffer, Naomi Campbell, Karen Mulder và Stephanie Seymour trong một chiến dịch của Chanel. Ảnh chụp bởi Peter Lindbergh tại Brooklyn năm 1991.

Những sàn diễn ấn tượng

Lagerfeld còn gây ấn tượng với những công trình xa hoa trang trí sàn diễn. Các công trình này đã tạo ấn tượng lớn khi trình diễn các bộ sưu tập Chanel mỗi năm.

Người ta đã từng thấy các người mẫu sải bước đi quanh một con tàu tên lửa hay một Tháp Eiffel thu nhỏ. Có lần ông dựng cả một siêu thị chứa đầy các thực phẩm mang mác Chanel. Sau show diễn, ông mời khán giả vào lấy thực phẩm mang về! Florence Welch đã hát trên vỏ sò trong show diễn mùa xuân 2012. Đáng nhớ nhất là tảng băng khổng lồ mà Chanel đã nhập về từ tận bán đảo Scandinavia cho show diễn mùa thu năm 2010.

Chanel, Fendi và thương hiệu riêng cùng tên – có nghĩa là ông phải nghĩ ra rất nhiều ý tưởng khác nhau mỗi năm. Ông dí dỏm: “Tôi mắc bệnh Alzheimer trong công việc và tôi cố tình bị bệnh quên. Tôi nghĩ rằng, đó là một điều rất tốt vì ngày nay có quá nhiều người ghi nhớ những gì họ đã làm. Hãy quên tất cả đi và bắt đầu lại!”

Cuộc đời của Karl Lagerfeld 05

Karl Lagerfeld cùng cô mèo cưng Choupette

Năm 1984, ông cho ra mắt thương hiệu riêng của mình, Karl Lagerfeld, sau đó đổi thành Lagerfeld Gallery.

Nhiếp ảnh với Karl Largerfeld

Khi nhìn lại cuộc đời của Karl Lagerfeld, chúng ta không khỏi khâm phục năng lực làm việc của ông.

Bên cạnh thời trang, ông còn nhiều đam mê. Một trong số đó là nhiếp ảnh. Ông bắt đầu phát triển sự nghiệp thứ hai với tư cách là một nhiếp ảnh gia thương mại. Lagerfeld đã đích thân chụp ảnh cho các chiến dịch quảng cáo và cho các tạp chí thời trang thế giới.

Niềm yêu thích với sách và nghệ thuật

Bên cạnh đó, ông còn xuất bản sách. Nhà thiết kế sở hữu một nhà xuất bản riêng, 7L, và một thư viện cá nhân nổi tiếng với hơn 300.000 đầu sách.

Một niềm vui khác trong cuộc đời ông là vẽ. Ông là một trong những người vẽ phác thảo tài năng nhất của ngành thời trang. Các bức vẽ của ông đã thu được hàng ngàn đô la đấu giá trong những năm qua.

Năm 2008, Karl Lagerfeld bắt đầu đạo diễn các bộ phim và thực hiện một bộ phim ngắn được trình chiếu trước show diễn “Paris-Moscow” Métiers d’art tại Théâtre du Ranelagh ở Paris. Nhiều bộ phim ra đời sau đó với sự góp mặt của các đại sứ và bạn bè của nhà Chanel.

Vào năm 2004, Lagerfeld là nhà thiết kế đầu tiên hợp tác với đế chế fast-fashion H&M. Quyết định này khiến nhiều thương hiệu khác hoài nghi. Tuy nhiên chẳng mấy chốc họ cũng bắt chước ông. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về lý do thành công, ông trả lời: “Tôi là một thương hiệu biết đi. Tên tôi là Labelfeld, không phải Lagerfeld”.

Cuộc đời của Karl Lagerfeld 07

Karl Largenfeld cùng Linda Evangelista, “cô dâu” trong show diễn couture mùa thu 2003 của ông. Ảnh chụp bởi Jean-Paul Goude

Khó ai thay thế được Karl Lagerfeld

Thật khó để chấp nhận rằng chúng ta sẽ không còn nhìn thấy ông. Hình ảnh thầy phù thuỷ tóc đuôi ngựa bạc buộc thấp, kính mát khổ lớn, cùng bộ vest đen, sơ-mi trắng quá đỗi thân thương. Ông không bao giờ còn bước ra chào sau mỗi show diễn Chanel nữa. Chanel đã chính thức thông báo Giám đốc sáng tạo mới của hãng là Virginie Viard. Bà là cánh tay phải của Lagerfeld suốt 30 năm. Bà cũng xuất hiện thay ông tại show diễn Chanel Couture tháng 1 vừa qua. Đón chào bà, nhưng chúng ta vẫn phải thốt lên: Khó ai có thể thay thế được Karl Lagerfeld.

Bài: Khánh An
Harper’s Bazaar Vietnam

Mới nhất về Karl Lagerfeld

Xem thêm

Nhân vật

NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI CỦA KARL LAGERFELD, NHÀ THIẾT KẾ TÀI DANH
Karl Lagerfeld
  • Tên đầy đủ: Karl Otto Lagerfeld
Năm sinh : Ngày sinh: 10-9-1933. Ngày mất: 19-2-2019
Nơi sinh : Người Đức, sống ở Paris
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Giám đốc sáng tạo, nhà thiết kế thời trang, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và nhà biếm họa