Chúng tôi gặp nhau ngay cầu thang phòng hội nghị cạnh văn phòng của Miuccia Prada rồi ăn trưa cùng nhau với chút rượu được dọn ra. Dù đã biết Miuccia 20 năm nay nhưng chúng tôi không thật sự thân nhau. Tôi từng đến thăm nhà cô ấy một lần, một căn hộ trên gác xép, chung tòa nhà nơi cô ấy lớn lên, để viết về những sở thích nghệ thuật của hai vợ chồng cô ấy. Đằng sau những buổi trình diễn mang đến những bộ cánh hào nhoáng, Miuccia cũng bình thường giống như bao người.
Chiến thuật của Prada
Với một chút trầm tư trên khuôn mặt, người đàn bà quyền lực nhất nhì giới thời trang thế giới tâm sự: “Có lẽ tôi nên thay đổi cuộc sống của mình. Có nhiều người cảm thấy hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi, còn người khác lại chẳng bao giờ hứng thú với bất kỳ thứ gì, hoặc luôn cảm thấy không bao giờ đủ. Họ thuộc týp người cực kỳ tham vọng và tôi nằm trong số này. Điều đó làm cho cuộc sống của tôi phức tạp nhưng lại tràn trề năng lượng. Tuy nhiên, nhiều lúc tôi cho rằng: sống đơn giản cũng có thể hạnh phúc chứ”.
Nhếch nụ cười mỉa mai, Miuccia tiếp tục: “Tôi thấy giới thượng lưu ngày càng thích những trò giải trí. Này, đừng vui với những trò ấy nữa, làm ơn
sống đơn giản chút đi!”. Miuccia có đang nói thật không nhỉ? Có thể là có, mà cũng có thể là không. Tôi chỉ biết rằng, cách nói chuyện giống như lấy ra từ tâm can của Miuccia rất lợi hại. Cô ấy lại còn biết cách chạm đến trái tim của kẻ khác mà không phải nhà thiết kế nào cũng làm được. Miuccia có biệt tài làm cho mọi người hoặc là rất yêu, hoặc là rất ghét những bộ sưu tập của mình. Một chiến thuật tinh ranh đấy chứ!
Miuccia ngồi trước mặt tôi đây đầy khiêm tốn, chính xác là cô ấy không muốn thể hiện mình thông minh cho người khác thấy. Tuy nhiên, tôi có thể cảm nhận tốc độ suy nghĩ cực nhanh của người phụ nữ này. Miuccia lắng nghe bằng cả đôi mắt, đôi tai và luôn khiến kẻ đối diện có cảm giác mình nằm trong tầm mắt sắc lẹm của cô ấy.
Khi dùng bữa trưa cùng tôi, Miuccia nói: “Tôi nhận ra mình không còn kiên nhẫn điều khiển đôi tay này nữa. Nó không bắt kịp nhịp suy nghĩ của tôi. Nếu có một ý tưởng mà không thể viết lại trong vòng một giây thì tôi không đủ nhẫn nại làm lại điều đó nữa”. Cô ấy cũng bổ sung: “Ngày xưa, thực sự có nhiều người đánh giá thấp về tôi nhưng tôi là người cấp tiến. Kể từ năm 16 tuổi, tôi đã rất muốn mình phải luôn tiên phong, phải thật khác biệt”.
Nhà thiết kế không quan tâm đến xu hướng chung của thị trường
Vào giữa những năm 1970, sau khi nhận bằng tiến sĩ khoa học chính trị và một khoảng thời gian học kịch câm, Miuccia tiếp quản cửa hàng thuộc da của gia đình ở Milan. Thời trang Milan giai đoạn đó không quyến rũ như hiện nay, Giorgio Armani và Gianni Versace cũng chưa xuất hiện.
Miuccia ghét thời trang, hay nói đúng hơn, ghét những quy luật áp đặt lên nó thời kỳ này bởi các nhà thiết kế. Phản pháo lại điều đó, Miuccia quyết định mặc đồng phục cũ và quần áo trẻ em để rảo bước ra phố.
Năm 1977, Miuccia gặp đức phu quân Patrizio Bertelli ở một hội chợ thương mại. Anh ấy có một nhà máy ở Tuscany. Bertelli là người đàn ông cứng
đầu và kiêu ngạo nhất mà Miuccia từng gặp. Họ yêu rồi cưới vào năm 1987 và bên nhau cho đến nay. Bertelli chính là người đã thúc giục Miuccia thiết kế giày và trang phục. Nếu Miuccia không làm, anh sẽ thuê người khác làm. Vốn không muốn chồng hả hê với chuyện đi thuê người khác, Miuccia đã tự thiết kế hết những thứ ấy. Một người bạn thân của vợ chồng Miuccia chia sẻ: “Miuccia rất duy tâm và lãng mạn. Chồng cô ấy lại là người có thể đáp ứng nhu cầu chỉ trong hai giây, biến mọi thứ thành hiện thực. Đó là một sự kết hợp tuyệt vời, vợ sáng tạo ra khái niệm, còn chồng là người thực hiện”.
Miuccia đáp trả giới thời trang cao cấp những năm 1990 bằng một bộ sưu tập được các nhà thiết kế khác đánh giá là “xấu xí và buồn tẻ”. Tuy nhiên, đó là cách mà Miuccia bác bỏ hệ thống trình diễn nhất quán và lặp đi lặp lại của Milan thời điểm đó. Miuccia thách thức khái niệm ấy bằng cách thay đổi hướng đi của Prada liên tục theo mùa. Kết quả là, động thái này có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng. Không giống như hầu hết các đối thủ cạnh tranh, Miuccia không chịu ở yên với một cách trình diễn hạn hẹp, cô tự do khám phá và thay đổi suy nghĩ của mình.
Theo tôi, hai con chim tự do nhất trong giới thời trang chính là hai người phụ nữ Miuccia Prada và Rei Kawakubo của hãng Comme des Garçons. Anh Germano Celant, giám đốc của tập đoàn Prada hiện tại đã lý giải: “Vì họ là những nghệ sĩ không quan tâm thị trường trồi sụt thế nào. Là người nghệ sĩ, bạn phải học được một điều là càng tự do sáng tạo thì càng bán được nhiều sản phẩm. Thời trang đừng nên rõ ràng mạch lạc, tạo thành một phong cách nhất quán. Đó là điều mà Miuccia hay Rei luôn cố gắng thay đổi qua mỗi bộ sưu tập”.
Chuyển ngữ: Khanh nguyễn (lược dịch từ bài bài viết của Cathy Horyn). Ảnh: Reuters
Harper’s Bazaar