CALIFORNIA VỪA CHÍNH THỨC CẤM BUÔN BÁN SẢN PHẨM THỜI TRANG LÔNG THÚ

Luật cấm buôn bán lông thú sẽ bắt đầu có hiệu nghiệm từ năm 2023

Thứ Sáu vừa qua, thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, vừa ký quyết định ban hành luật cấm buôn bán sản phẩm thời trang lông thú khắp toàn bang California. Luật sẽ bắt đầu có hiệu nghiệm từ năm 2023. Riêng hai thành phố San Francisco và Los Angeles đã ban hành cấm vận từ sớm hơn. San Francisco sẽ bắt đầu từ 2020; Los Angeles từ 2021.

Luật sẽ nghiêm cấm mua bán, may quần áo, giày dép và túi xách làm từ lông thú. Những vật liệu không bị cấm gồm da thuộc; sản phẩm từ lông chó/mèo; da cừu/bò/dê và hươu nai.

Luật cấm này là một vố đau cho ngành công nghiệp thời trang lông thú trị giá hàng tỷ đô-la Mỹ. Từ các thương hiệu thời trang, cửa hàng bán lẻ, cho đến nhà may, cũng như các trang trại nuôi thú lấy lông (như chồn, thỏ, cáo…). Trong vòng 3 năm, trước 2023, họ sẽ phải bán hết toàn bộ hàng tồn kho tại California, hoặc chuyển bán đến các bang hay quốc gia khác.

Những thương hiệu thời trang xa xỉ như Versace, Gucci và Giorgio Armani đã quyết định ngưng sử dụng lông thú trong thời trang. Còn tại tuần lễ thời trang London Xuân Hè 2020, Stella McCartney vừa cho ra mắt một BST sử dụng lông thú giả làm từ nhựa tái chế.

“Họ sẽ còn muốn cấm gì khác?”

Trong khi các hội yêu động vật hoan hô điều luật mới, Hiệp hội Thông tin về Lông thú (Fur Information Council of America) không đồng tình. Keith Kaplan, đại diện cho Hiệp hội Thông tin về Lông thú cảnh báo: “Lông thú chỉ là bước đầu tiên. Họ sẽ muốn quản lý tất cả những gì chúng ta ăn và mặc”.

Ông cũng cho rằng lông thú giả không phải là một chất liệu tốt cho môi trường. Vì lông thú giả được làm từ polyester, một sợi gốc nhựa, chúng không phân hủy và có thể làm ô nhiễm nguồn nước. Khi giặt, những sợi polyester trong lông thú giả sẽ trôi theo nguồn nước và hóa thành hạt vi nhựa li ti. Trong khi đó, lông thú thật là sợi protein và phân hủy tự nhiên. Ngoài ra, áo lông thú chất lượng cao, khi được bảo quản tốt, có thể giữ nguyên chất lượng trong hàng chục năm. Giá trị bền vững vượt trội so với áo giả da chất lượng kém.

Họ dự kiến sẽ kiện ngược bang California lên toà án tối cao Hoa Kỳ.

Ông Benjamin Lin đang hoàn tất sửa sang lại chiếc áo khoác từ da báo đốm. Với tuổi thọ 60 năm, chiếc áo này vẫn bền và ấm như ngày đầu. Ông Benjamin Lin đã có nhiều năm may sửa đồ lông thú tại cửa hàng B.B. Hawk ở San Francisco, California. Ảnh: AP Photo/Eric Risberg

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm