“Tạm biệt” mùi hôi chân thành công với 5 mẹo đơn giản

Vì sao bàn chân có mùi? Tìm hiểu ngay nguyên nhân và giải pháp đánh bật mùi hôi tại nhà.

Làm thế nào để khử mùi hôi chân?

Cách khử mùi hôi chân hiệu quả tại nhà là gì? Ảnh: Pexels

Còn gì chóng mặt hơn khi bạn nhận thấy chân có mùi khó chịu. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, đừng lo lắng. Mặc dù bệnh lý hôi chân là vấn đề rất phổ biến nhưng có thể điều trị dễ dàng và nhanh chóng. Dưới đây là các mẹo khắc phục mùi hôi chân hiệu quả bạn có thể tham khảo.

Hiểu nguyên nhân gây ra mùi hôi ở chân để giúp khử mùi hiệu quả

Do mồ hôi tích tụ

Bàn chân là nơi có nhiều tuyến mồ hôi hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Mồ hôi được tiết ra suốt cả ngày nhằm giúp làm mát cho đôi chân và giữ ẩm cho da.

Thông thường, cơ thể của thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai, người bị căng thẳng hoặc mắc một bệnh lý nào đó có xu hướng đổ mồ hôi nhiều. Sự tích tụ của mồ hôi trên da có thể gây ra bệnh nhiễm trùng bromodosis, hay gọi đơn giản là bàn chân có mùi hôi.

Do vi khuẩn

Mùi hôi chân cũng có thể được hình thành nên do vi khuẩn sống trên làn da chân. Khi vi khuẩn trên chân tương tác với mồ hôi, nó tạo ra một loại axít gây mùi khó chịu.

Do nấm

Nấm ưa thích môi trường ấm và ẩm ướt. Mồ hôi chân thấm ướt vớ/tất và bị trùm trong đôi giày bít mũi nóng hầm tạo nên điều kiện sinh trưởng tốt cho nấm. Bệnh hôi chân do nấm được gọi là nấm bàn chân (athlete’s foot).

Do các bệnh lý khác

Có thể thấy, ở cả ba lý do kể trên, vệ sinh kém là nguyên nhân gây nên mùi hôi chân. Rửa chân không thường xuyên hoặc không thay tất ít nhất một lần mỗi ngày có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển. Điều này có thể khiến mùi hôi chân trở nên trầm trọng hơn. Do đó đa phần những cách khử mùi hôi chân khi đi giày là vệ sinh bàn chân.

Tuy nhiên, mùi hôi chân còn có thể phát sinh như triệu chứng của các bệnh lý. Đó có thể là tăng tiết mồ hôi (hyperhydrosis), tiểu đường (không khiến chân đổ mồ hôi nhưng có thể khiến bàn chân dễ tổn thương, từ đó bốc mùi khó chịu)…

Cách khử mùi hôi chân hiệu quả tại nhà

Giữ đôi chân luôn sạch sẽ để khử mùi hôi chân.

Giữ vệ sinh cho đôi chân là cách khử mùi hôi chân tại nhà đơn giản và hiệu quả. Ảnh: Pexels

1. Rửa chân sạch sẽ và lau chân khô

Chủ yếu mùi hôi ở chân đến từ vệ sinh kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi nảy nở. Giữ cho đôi chân sạch sẽ là bước đầu tiên để khử mùi hôi chân hiệu quả tại nhà, lại là cách thức không hề phức tạp.

Chủ yếu, bạn cần rửa sạch và lau khô chân để ngăn chặn mùi hôi tối thiểu một lần/ngày. Hãy làm sạch các kẽ ngón chân, sau đó lau thật khô không để đọng lại nước. Quan trọng, bạn phải lau khô ngay cả những kẽ móng chân, vì chúng có thể gây ra vi khuẩn và mùi hôi.

2. Tẩy da chết là cách khử mùi hôi chân không phải ai cũng biết

Cách khử mùi hôi chân - tẩy tế bào chết.

Ảnh: Pexels

Bạn có biết: Phần da chết, khi tiếp xúc với mồ hôi và môi trường ẩm ướt, trở nên mềm đi, tạo nên nơi trú ẩn tuyệt hảo cho vi khuẩn và nấm mốc? Do đó, cách khử mùi hôi chân tại nhà hiệu quả là tẩy tế bào chết cho đôi bàn chân khoảng 1–2 lần/tuần.

Bắt đầu với đôi bàn chân khô, bạn dùng giũa để mài bỏ lớp da chết từ quanh móng chân đến lòng bàn chân, gót chân. Sau khi đã loại bỏ một số tế bào chết, hãy dùng bàn chải chà chân nhẹ nhàng, đánh bay các tế bào chết còn sót lại trên da một lần nữa.

Đối với những người có lớp da chết dày và khó loại bỏ, hãy ngâm chân trong nước ấm và muối tắm một hoặc hai lần trong tuần, mỗi lần ngâm chân khoảng 10 phút. Biện pháp này sẽ giúp các lớp da chết mềm hẳn đi, giúp bạn dễ dàng loại tẩy tế bào chết.

3. Cách khử mùi hôi chân khi đi giày là chọn vớ thấm hút mồ hôi tốt

Điều này đặc biệt quan trọng với những người hay mang giày thể thao. Bạn nên chọn loại vớ có tính năng thấm hút mồ hôi (moisture wicking).

Để giữ vệ sinh sạch sẽ, bạn nên thay tất/vớ mỗi ngày. Đối với những người bị ra mồ hôi nhiều, có công việc đứng hoặc vận động liên tục nhiều tiếng đồng hồ, hoặc làm việc trong môi trường ngoài trời nóng nực, bạn có thể mang theo tất/vớ dự bị để thay ngay khi cảm thấy bàn chân bắt đầu bốc mùi.

4. Thay đổi giày và vệ sinh đôi giày đều đặn

Thay đổi giày thường xuyên.

Ảnh: Pexels

Bạn hẳn có một đôi giày yêu thích và sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên thói quen này cũng khiến đôi giày mau cũ và trở thành ổ vi khuẩn khi liên tục tiếp xúc với bàn chân nhiều mồ hôi.

Tốt nhất, bạn nên có khoảng 2-3 đôi giày để thay qua đổi lại mỗi ngày. Như vậy, đôi giày đang bị ẩm ướt do mồ hôi có đủ thời gian để khô trước khi được mang trở lại. Ngoài ra, muốn giúp giày nhanh khô và không tích tụ mồ hôi, bạn có thể tháo rời phần lót bên trong để phơi. Bởi giày ướt dễ phát sinh vi khuẩn gây mùi. Đây là cách khử mùi hôi chân khi đi giày đơn giản đến khó tin.

Thói quen này cũng rất tốt cho sức khỏe đôi chân. Ngoài giày thể thao, các đôi giày khác (cao gót, đế xuồng, dép lê…) thường ép bàn chân vào một tư thế nhất định và đa số không có sự nâng đỡ lòng bàn chân tương tự giày thể thao. Khi các cơ của chân không được hoạt động đồng đều, dễ làm mất cân đối về tư thế và biến dạng, có hại đến sống lưng.

Cuối cùng, nếu giày quá dơ và không bay mùi hôi thì bạn nên giặt giày. Không có thời gian thì bạn hãy đưa giày đến spa.

>>> XEM THÊM: CÁCH GIẶT RỬA GIÀY THỂ THAO CAO CẤP ĐÚNG CÁCH

5. Dùng sản phẩm khử mùi hôi chân

Áp dụng sản phẩm tạo hương thơm.

Ảnh: Pexels

Đối với những người bị đổ mồ hôi chân hoặc bị bệnh tăng tiết mồ hôi, bạn có thể sử dụng các sản phẩm giúp thấm hút mồ hôi. Xịt chống mồ hôi (antiperspirant) có thể là một biện pháp thích hợp để ngăn ngừa bàn chân đổ mồ hôi.

Bạn cũng có thể đổ phấn rôm sảy em bé, bột bắp hoặc baking soda vào giày thể thao và để qua đêm. Những loại bột này có thể hút mồ hôi thừa trong giày. Mùi của phấn rôm sảy em bé cũng át đi mùi hôi khó chịu trong giày.

Thậm chí, những ai bị đổ mồ hôi chân cũng có thể rắc một lớp bột mỏng lên chân trước khi mang vớ để tăng cường hiệu quả thấm hút mồ hôi. Lưu ý là bạn chỉ nên rắc một lớp bột mỏng. Vì rắc quá tay sẽ gây phản tác dụng, tạo nên lớp bột dày cộm và khó chịu khi đi lại.

Cách khử mùi hôi chân khi đi giày cho người bị bệnh

Vệ sinh sạch sẽ, cách khử mùi hôi chân.

Ảnh: Pexels

Các phương pháp khử mùi hôi chân tại nhà thông thường kể trên không giúp làm thuyên giảm tình trạng nhiễm bromodosis (hôi chân), tăng tiết mồ hôi (hyperhydrosis) hay nấm bàn chân (athlete’s foot). Việc xịt chống mồ hôi lên bàn chân chỉ là cách tạm thời, chứ không chữa trị tận gốc. Do đó, bạn hãy dành thời gian đi gặp bác sĩ. Họ có thể kê đơn thuốc chống mồ hôi và xà phòng rửa chân mạnh hơn, đồng thời có thể đưa ra lời khuyên về các phương pháp điều trị phù hợp.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm