Từ thời Ai Cập cổ đại đến thời Trung cổ, những đôi giày có đế cao lần lượt ra đời nhưng chủ yếu phục vụ cho những mục đích tầm thường như giúp chủ nhân tránh bùn hay mảnh vỡ trên đường, giữ chắc bàn đạp khi cưỡi ngựa… Cho đến những năm 1500, nhờ có Catherine de Medici, hoàng hậu của vua Henry II (Pháp), phong trào đi giày cao gót với mục đích làm đẹp mới bắt đầu dấy lên trong giới thượng lưu.
Từ đó đến nay, giày cao gót tiếp tục khẳng định chỗ đứng không thể thay thế của mình trong thời trang. Các bậc thầy sáng tạo không ngừng mang đến vô vàn kiểu giày độc đáo, ấn tượng cho phái đẹp khắp thế giới. Những xu hướng giày nổi bật cho mỗi mùa đều được các tạp chí thời trang cập nhật.
Tuy nhiên, khi chọn giày chúng ta cũng phải lưu ý đến đôi chân của mình. Đôi giày của bạn phải nâng niu gót sen để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân bạn.
5 cách chọn giày “chuẩn không cần chỉnh”
1) Đặt chân lên tờ giấy trắng rồi dùng bút chì vẽ một đường viền quanh sát bàn chân. Đặc biệt chú ý phần đầu và phần gót. Sau đó, dùng thước đo độ dài của bàn chân thông qua hình vẽ này. Từ số đo chiều dài đó, bạn sẽ biết size giày của mình là bao nhiêu. Bạn nên cộng thêm 0,5cm vào chiều dài bàn chân để có kết quả cuối cùng vì đôi chân cũng cần một ít không gian để thở và hoạt động.
2) Đo chiều ngang bàn chân. Khi mua giày, bạn chỉ chú tâm vào độ dài của giày có vừa hay không quên rằng chiều ngang cũng quan trọng không kém. Về cơ bản, giày của mỗi hãng có độ dài, rộng và hẹp khác nhau. Người có bàn chân rộng khi mua giày hở mũi hay giày mũi nhọn cần chú ý để mũi chân không bị bó chặt.
3) Làm ướt chân sau đó giẫm lên tờ giấy trắng rồi bước ra. Nếu toàn bộ bàn chân hiện lên trên mặt giấy, chân bạn thuộc loại phẳng. Chân này không thích hợp với giày cao gót vì lòng bàn chân không có độ cong tự nhiên. Miễn cưỡng đi giày cao gót sẽ ảnh hưởng xấu đến xương bàn chân.
4) Nếu dấu chân của bạn in lên giấy chỉ có thể thấy đường viền chân, chứng tỏ lòng bàn chân rất cong. Điều này có nghĩa bạn vô tư với giày cao gót nhưng lại gặp chút vấn đề với giày bít mũi do độ cong lớn khiến thành giày không ôm hết hai má bàn chân. Người có dạng chân này nên thử nhiều loại giày hơn.
5) Nếu độ cong của lòng bàn chân bình thường, bạn có thể mua giày rất dễ dàng. Tuy nhiên khi đi bộ đường dài, bạn đừng nên dùng loại giày gót nhọn và mảnh, vì khi đó đầu ngón chân sẽ bị đè xuống, gây tổn thương đến móng chân.