Chính sách “thịnh vượng chung” của Trung Quốc khiến giới thời trang xa xỉ lo âu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đưa ra đường hướng phát triển mới, với những chính sách có khả năng ảnh hưởng đến doanh thu của các thương hiệu xa xỉ

doanh thu Hermès nửa đầu năm 2021 đạt hơn 4,2 triệu Euro

Doanh thu Hermès nửa đầu năm 2021 đạt hơn 4,2 triệu Euro. Tuy nhiên sự tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới có thể sẽ bị kiềm soát bởi chính sách “thịnh vượng chung” của Tập Cận Bình. Ảnh: Hermès

Các thương hiệu xa xỉ đã có một năm phát triển cực kỳ khả quan nhờ đại dịch toàn cầu. Nhiều người khá giả không thể đi du lịch vì các quốc gia bế quan tỏa quản, không thể đi ăn hàng quán do giãn cách xã hội, làm giàu nhanh nhờ thị trường chứng khoán hồi phục, đã tích góp kha khá tiền mặt trong năm 2020 và đầu 2021. Ngân sách chi tiêu của họ được đầu tư cho địa hạt khác: Thời trang và mỹ phẩm xa xỉ.

Rất nhiều các thương hiệu, trong báo cáo tài chính, cho biết doanh số năm 2021 ước tính sẽ vượt mức 2019 trước đại dịch. Tình hình nói chung rất khả quan. Cho đến khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tuyên bố sẽ ban hành chính sách cải cách kinh tế “thịnh vượng chung”. Giới đầu tư thời trang e ngại chính sách này sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức mua vật phẩm xa xỉ, khiến cổ phiếu các thương hiệu tụt giảm mạnh.

Trung Quốc, quốc gia có lượng tỉ phú chỉ xếp sau Mỹ

Nhóm TFBOYS với Dịch Dương Thiên Tỉ, Vương Tuấn Khải và Vương Nguyên. Ước tính các thành viên có khối lượng tài sản ròng trị giá 4 tỉ đô-la Mỹ. Năm 2020, Trung Quốc có 60 tỉ phú chưa vượt ngưỡng 40 tuổi. Ảnh: Studio TFBOYS

Làm sao Trung Quốc lại trở thành một trong những thị trường sánh ngang Bắc Mỹ, châu Âu về mặt tiêu thụ? Tất cả là nhờ chính sách “hãy để một số người làm giàu trước” của Đặng Tiểu Bình. Để giúp Trung Quốc thoát nghèo, khi mở cửa quốc gia, Đặng Tiểu Bình đã áp dụng nhiều chính sách cải cách kinh tế mang tư tưởng chủ nghĩa tư bản. Các chính sách này đã giúp tạo nên một tầng lớp tỉ phú dễ dàng chi tiêu hàng nghìn đô-la Mỹ để sở hữu những món đồ đắt đỏ.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình lại cho biết đã đến lúc chấm dứt chủ trương của Đặng Tiểu Bình. Thay vào đó, ông sẽ ban hành chính sách “thịnh vượng chung”. Ông cam kết sẽ có sự điều chỉnh đối với những cá thể có thu nhập quá mức, tái phân phối tiền tài, từ đó trả lại nhiều hơn cho xã hội với mục tiêu giảm bất bình đẳng xã hội.

Có thể hiểu hành động của Tập Cận Bình. Trong năm 2020, Trung Quốc có thêm 239 tỉ phú nữa. Forbes ước tính, đến nay, Trung Quốc đã có 626 tỉ phú, chỉ sau Mỹ với 724 tỉ phú. Sự bất bình đẳng xã hội dễ dẫn đến sự bất mãn ở tầng lớp nghèo hơn, từ đó có thể gây bạo loạn nếu không được điều chỉnh kịp thời.

Giới thời trang e ngại những mặt tối của chính sách “thịnh vượng chung”

Ferrari là một trong số những thương hiệu có cổ phiếu sụt giảm hậu thông tin chính sách “thịnh vượng chung” được tuyên bố. Ảnh: Show diễn Ferrari Xuân Hè 2022.

Khi chính sách “thịnh vượng chung” được tuyên bố, những nhà đầu tư vào thương hiệu xa xỉ đã lo sợ rằng giới xa xỉ phẩm đã lọt tầm ngắm của Đảng cộng sản Trung Quốc, sau những tập đoàn công nghệ và giáo dục tại quốc gia này. Nếu Tập Cận Bình ban hành các cải cách cực đoan cho chính sách “thịnh vượng chung”, giới giàu có tại Trung Quốc sẽ khó lòng chi tiêu thả ga như trước.

Ngay lập tức, giá trị cổ phiếu của các thương hiệu xa xỉ rớt giá. Cổ phiếu tập đoàn Kering, chủ sở hữu Gucci và Balenciaga, rớt 17%. Tập đoàn Richemont, sở hữu Cartier và Piaget, thì rớt 14%. LVMH và Hermès rớt lần lượt là 13% và 8%. Cổ phiếu từ những công ty sản xuất siêu xe cũng rớt nhanh, ví dụ Porsche giảm 10% và Ferrari 6%.

Sự phản ứng cực đoan của thị trường chứng khoán nói lên nỗi lo âu đối với chính sách “thịnh vượng chung” này.

Vốn, sự tái phân phối sự giàu có là điều tốt. Chính sách này sẽ củng cố tầng lớp trung lưu, cải thiện sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới. Càng có nhiều người thoát nghèo sẽ càng tạo ra nhiều khách hàng tiềm năng cho giới xa xỉ phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Naoto Saito, nhà nghiên cứu thị trường và chuyên gia về kinh tế Trung Quốc từ viện nghiên cứu Daiwa, điều này chỉ có thể xảy ra với điều kiện chính phủ Trung Quốc thực sự mong muốn xóa nghèo. “Vì các chính sách gần đây dường như nhằm củng cố quyền lực của chính phủ nhiều hơn là cải thiện kinh tế”, ông nói. Ví dụ điển hình là sau khi giới giáo dục tư nhân bị nhắm đến, chi phí ăn học tại quốc gia này đã đội lên gấp nhiều lần, hoàn toàn không có lợi cho người dân.

Chưa rõ liệu những cải cách sẽ được chia ra theo từng giai đoạn, hay ngay lập tức được áp dụng. Chỉ biết rằng, các thương hiệu thời trang sẽ phải mau chóng điều chỉnh chiến lược để không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

>>> Xem thêm: SAU SCANDAL NGÔ DIỆC PHÀM, BULGARI THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC CHỌN ĐẠI SỨ Ở TRUNG QUỐC

Trích dẫn Nikkei Asia, New York Times
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm