Hội thảo Harper’s Bazaar kết nối các nhà thiết kế, thương hiệu Việt cùng đơn vị sản xuất chất liệu vải bền vững
Đa phần các nhà thiết kế trẻ của Việt Nam gặp khó khăn ở khâu tìm nguyên liệu. Từ thuở còn là sinh viên, các bạn đã quen việc ra chợ vải tìm mua những chất liệu có sẵn trên thị trường. Mà những chất liệu này đa phần được nhập từ Trung Quốc, cũng chẳng có thông tin về thành phần sợi (composition).
Trong đại dịch COVID-19, nhiều thương hiệu Việt điêu đứng khi các quốc gia đóng cửa biên giới. Các chợ khó khăn để nhập vải từ Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng may mặc của các thương hiệu vừa và nhỏ.
Trong khi đó, chính Việt Nam lại có rất nhiều nhà máy sản xuất vải chất lượng cao. Nhưng họ vốn chỉ tập trung vào việc xuất khẩu. Trong đại dịch, họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm được đầu ra cho các sản phẩm của mình.
Nhận thấy nhu cầu giữa đôi bên, Harper’s Bazaar tổ chức hội thảo Chất liệu tự nhiên cho thời trang và nội thất trong khuôn khổ Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam (AVIFW) Xuân Hè 2022, với hy vọng sẽ giới thiệu được các nhà thiết kế trẻ đến những đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu cao cấp, thân thiện với môi trường, có nguồn gốc minh bạch, giúp ngành thời trang Việt phát triển bền vững.
Hội thảo diễn ra vào 9:00 sáng ngày 25/05/2022 tại khách sạn Sofitel Saigon Plaza – thuộc top 20 khách sạn 5 sao sang trọng bậc nhất tại TP.HCM. Sofitel cũng là nhà tài trợ cho chương trình hội thảo lần này.
Bên cạnh đó, yếu tố phát triển bền vững cũng được nhấn mạnh tại hội thảo. Tại mở màn, chị Trần Nguyễn Thiên Hương – người sáng lập và CEO công ty truyền thông Hoa Mặt Trời, Tổng Biên tập Harper’s Bazaar Việt Nam, đã chia sẻ bức thư của nhà thiết kế Công Trí về vấn đề phát triển bền vững:
“Trong bối cảnh hôm nay, việc nhìn nhận đúng vai trò của phát triển bền vững trong thời trang là cần thiết. Đây không phải là xu hướng nhất thời mà nên được nhìn nhận như một hướng đi tương lai của ngành. Trong đó, chất liệu đóng vai trò nền tảng, cốt lõi của sự bền vững. Việc hướng đến chất liệu thân thiện với môi trường cùng xây dựng chu trình xanh trong sản xuất là rất quan trọng”.
Những chất liệu vải thân thiện với môi trường đã và đang được sản xuất tại Việt Nam
Lụa tơ tằm từ Bảo Lộc
Lụa tơ tằm là nguồn nguyên liệu tự nhiên, có truyền thống lâu đời tại Việt Nam, phản ánh ý nghĩa truyền thống, văn hoá của người Việt. Hiện nay, lụa tơ tằm chủ yếu được sản xuất ở tỉnh Lâm Đồng, và một trong những nhà máy lớn nhất là Hà Bảo Silk ở thành phố Bảo Lộc.
Giám đốc Hà Bảo Silk, chị Hà Thị Hoa cho biết: “Thủ phủ của lụa tơ tằm nằm ở Bảo Lộc, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số. Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các nhà thiết kế, đưa lụa tơ tằm phát triển hơn tại Việt Nam, đồng thời vẫn đảm bảo thu nhập cho đời sống của đồng bào”.
Mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái do được dệt từ sợi protein có lợi cho sức khoẻ, lụa tơ tằm được ví như lớp da thứ hai bảo vệ làn da của chúng ta. Do đó, lụa tơ tằm đặc biệt phù hợp trong thời trang và đời sống. Khả năng phân hủy thiên nhiên cũng là ưu điểm thân thiện với môi trường của sợi này.
Ngày nay, lụa tơ tằm Việt có rất nhiều kiểu dệt, có phương thức pha sợi để làm giảm giá thành và dễ bảo quản hơn, cũng có thể được in theo yêu cầu thiết kế vải đa dạng của các nhà thiết kế.
Vải tái chế từ bã cà phê, vải sợi hàu
Chất liệu vải tái chế cũng là cách chúng ta tiếp cận với thời trang bền vững. Tại Việt Nam nay đã có công ty Cổ phần Kết Nối Thời Trang FASLINK JSC. thành công trong việc sản xuất vải tái chế từ vải sợi cà phê và vải sợi hàu.
Vải cà phê được làm từ bã cà phê kết hợp với nhựa tái chế. “Đặc tính nổi trội của vải sợi cà phê là khả năng khử mùi cơ thể cả ngày, thấm hút cao, đặc biệt có thể chống nắng và nhanh khô. Vải mềm mượt, an toàn cho da, thường được may đồ thể thao và đồ lót”, theo chị Trần Hoàng Phú Xuân – Giám đốc công ty kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Đan thêu TP.HCM.
Còn vải vỏ hàu kết hợp nhựa PET tái chế và bột vỏ hàu ứng dụng công nghệ Nano hóa. Chất liệu vải vỏ hàu có đặc tính chống tĩnh điện, chống nắng, nhanh khô. Vải vỏ hàu góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tái sử dụng nhiều lần.
Vải sợi sen
Công ty Cổ phần Kết Nối Thời Trang FASLINK JSC. cũng thành công dệt nên vải sợi sen để tăng cường kinh tế từ cây nông nghiệp này.
Hàng trăm nghìn thân sen và lá sen bị đào thải sau mỗi mùa vụ thu hoạch. Tước sợi từ nguồn thực vật này rồi dệt sợi, FASLINK JSC thành công chế tạo nên vải bền vững, 100% thuần chay, thân thiện với môi trường. Chất liệu vải này còn có đặc tính chống nắng, thúc đẩy ion âm có lợi cho sức khỏe.
Vải thổ cẩm
Chúng ta thường có thói quen nhắc đến thổ cẩm như một sản phẩm văn hóa địa phương. Nhưng Harper’s Bazaar mong muốn bạn hãy nhìn nhận thổ cẩm như một chất liệu vải (“thổ cẩm” có nghĩa là “thước vải quý dệt bởi người dân tộc”). Có như vậy thì chất liệu vải thổ cẩm mới có thể được ứng dụng trong thời trang hiện đại, lan tỏa bền vững và mang lại kinh tế cho đồng bào dân tộc.
Hội thảo Chất liệu tự nhiên cho thời trang và nội thất đặc biệt trình bày thông tin về thổ cẩm Điện Biên, được chia sẻ bởi chị Trần Thị Quỳnh Hương – Phó Tổng biên tập Harper’s Bazaar Việt Nam.
Tại Điện Biên có rất nhiều dân tộc đang dệt thổ cẩm, như người Thái, Lào, H’Mông… Tuy nhiên, nổi bật là bản dệt Na Sang II của người dân tộc thiểu số Lào, do chị Lò Thị Viên lĩnh xướng. Đơn vị này có khả năng cung cấp vải thổ cẩm dệt chất lượng cao, màu sắc đa dạng và số lượng ổn định đáp ứng đơn hàng thương mại.
Tại hội thảo, chị Lò Thị Viên cũng trình bày đôi chút về quá trình dệt thổ cẩm của người dân tộc Lào tại Điện Biên.
12 KIỂU DỆT LỤA TƠ TẰM PHỔ BIẾN, CÓ THỂ SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM
THỔ CẨM: TINH HOA CỦA NGÀNH DỆT MAY THỦ CÔNG ĐẤT VIỆT
TOM FORD PLASTIC INNOVATION PRIZE: CUỘC THI TÌM CHẤT LIỆU THAY THẾ NHỰA
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam