Cách tham quan 5 cung điện nổi tiếng ở Seoul miễn phí

Tham quan những cung điện Hàn Quốc nổi tiếng là cách tuyệt vời để khám phá văn hoá, lịch sử, nghệ thuật,… tại Xứ Kim Chi.

Tham quan các cung điện nổi tiếng ở Seoul, Hàn Quốc miễn phí khi bạn mặc hanbok. Ảnh: Instagram @vera_fferreira

Hàn Quốc đã trải qua nhiều thời đại và các triều đại lịch sử như triều đại Gojoseon, Goryeo, và Joseon. Đến nay, nhiều cung điện cổ kính từ các triều đại xưa vẫn còn tồn tại và đang được bảo tồn, trở thành những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng khi đến Hàn Quốc. Mỗi cung điện là một chứng nhân lịch sử hình thành và phát triển của xứ sở Kim Chi.

Khi những triều đại xưa được đưa lên phim ảnh Hàn Quốc, các cung điện tại quốc gia này được khách du lịch quan tâm và muốn ghé thăm khi tới xứ sở Kim Chi đi du lịch. Đặc biệt, nếu bạn mặc Hanbok – quốc phục truyền thống của người Hàn Quốc – bạn sẽ được vào cửa miễn phí các cung điện lớn ở Seoul!

Trong bài viết này, hãy cùng Harper’s Bazaar khám phá các cung điện đẹp nhất ở Seoul, Hàn Quốc bạn nhất định phải ghé thăm.

1. Cung điện Gyeongbokgung – Cảnh Phúc Cung cổ nhất ở Seoul

Ảnh: Instagram: @i_seoul_korea

Đây là cung điện cổ nhất và lớn nhất trong Ngũ đại cung điện ở Seoul, được xây dựng từ Triều đại Joseon (1392-1910). Việc xây dựng cung điện bắt đầu vào năm 1394 và kết thúc vào năm 1395. Tên của nó có nghĩa là “cung điện được ban phước lớn”, do đó Gyeongbokgung còn được gọi là Cảnh Phúc Cung. Ngoài ra nó còn được biết đến như Cung điện phía Bắc ở Seoul.

Vào đầu triều đại Joseon, cung điện Gyeongbokgung rất quan trọng đối với nhà vua vì nơi đây là nơi đặt các văn phòng chính phủ lớn. Vị trí của nó, với mặt tiền có dòng nước chảy và mặt sau là ngọn núi Bugaksan, được coi là rất tốt lành trong phong thủy.

Ảnh: Instagram @travelturtlemag

Ngay khi bước vào Cảnh Phúc Cung, bạn sẽ nhìn thấy đầu tiên là Tòa nhà Geonjeongjeon, nơi tổ chức lễ đăng quang và các sự kiện quan trọng khác của nhà nước. Phía sau hội trường là nơi ở của hoàng gia, Hội trường nơi nhà vua xử lý các công việc quốc gia và nhiều tòa nhà khác như phòng tiệc và một số gian hàng.

Tuy nhiên, cũng vì ý nghĩa quan trọng mà cung điện này đã trải qua nhiều gian truân. Đầu tiên, nó bị hỏa hoạn thiêu rụi trong Chiến tranh Imjin (1592–1598) và bị bỏ hoang trong suốt hai thế kỷ. Mãi đến thế kỷ 19, toàn bộ 7.700 phòng của cung điện mới được khôi phục dưới sự lãnh đạo của Nhiếp chính vương Heungseon. Qua đến thế kỷ 20, nó lại bị phá hủy khi Đế quốc Nhật xâm chiếm Hàn Quốc, và chỉ được trùng tu trong thập niên 1990.

Cung điện Gyeongbokgung chính là nơi mà Gucci đã tổ chức show diễn mùa Cruise 2024, tôn vinh sự giao thoa của văn hóa Hàn Quốc và Ý.

2. Cung điện Changdeokgung – Cung Xương Đức với khu vườn bí mật

Ảnh: Instagram: @i_seoul_korea

Cung điện Changdeokgung là một trong những cung điện lớn nhất Hàn Quốc. Cung điện được xây dựng vào thế kỷ XV dưới triều đại Joseon, thời vua Taejong với ý nghĩa tên gọi là Cung Xương Đức.

Khác với kiến trúc điển hình của các cung điện xưa, Cung điện Changdeokgung nằm bên chân núi Bukhan, được thiết kế ôm sát theo địa hình với kết cấu không gian phóng khoáng. Nổi tiếng là cung điện hài hòa nhất với thiên nhiên xung quanh, kiến trúc cung Changdeok hạn chế tối đa các tác động lên tự nhiên, làm nổi bật quan niệm coi trọng sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ của người xưa.

Ảnh: Instagram: @i_seoul_korea

Có một nơi bạn nhất định phải ghé thăm khi đến Cung điện Changdeokgung đó là Khu vườn Bí mật Biwon. Đây là phần tuyệt vời nhất của cung điện, đặc biệt nếu bạn đến đây vào mùa thu. Hậu viên này là nơi để vua và hoàng gia thư giãn, làm thơ và ngắm cảnh, nơi đây có một cây đại thụ hơn 300 năm tuổi, bên cạnh cây xanh tươi tốt, lá vàng rơi xuống ao và những gian đình nhìn ra bờ hồ rất đẹp.

Bạn sẽ phải trả thêm tiền để vào tham quan khu vườn này, nhưng yên tâm là nó hoàn toàn xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra.

Ảnh: @chlove_u

Trong tháng Ba năm 2024, nội thất của điện Injeongjeon, gian chính của Cung điện Changdeokgung sẽ mở cửa cho công chúng.

Điện Injeongjeon, được mệnh danh là báu vật quốc gia, là nơi quan trọng tổ chức các nghi lễ chính thức như lễ đăng quang của nhà vua, lời chào của thần dân và tiệc chiêu đãi các sứ thần nước ngoài.

Bên ngoài có vẻ như có hai tầng, nhưng bên trong là một cấu trúc nguyên tầng với phần trên và phần dưới mở. Bên trong, bạn có thể thấy chỗ ngồi của nhà vua, mặt trời và mặt trăng tượng trưng cho mọi thứ được cai trị bởi nhà vua và “Ilwolobongdo” miêu tả năm đỉnh.

Sau khi Vua Sunjong chuyển đến Cung điện Changdeokgung vào năm 1907, Injeongjeon đã được cải tạo và các yếu tố hiện đại như đèn điện, cửa sổ kính và rèm được bổ sung, mang đến cái nhìn thoáng qua về cung điện trong thời kỳ chuyển tiếp.

Ảnh: @chlove_u

Chương trình tham quan nội bộ của Injeongjeon, các sảnh của cung điện sẽ được thực hiện vào thứ Tư và thứ Năm hàng tuần. Thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần là “Nhìn sâu hơn về Cung điện Changdeokgung, Đền Gwolnaegaksa”, đó là chuyến tham quan Đền Gwolnaegaksa, không gian văn phòng dành cho các quan chức trong cung điện.

3. Cung điện Deoksugung – Cung Khánh Vân đẹp hơn khi về đêm

Ảnh: Instagram: @i_seoul_korea

Trong thời kỳ Joseon, Cung điện Deoksugung, hay còn gọi là Cung Khánh Vân, được sử dụng làm nơi ở của hoàng gia tại Seoul cho đến cuối thế kỷ XIX. Cố cung còn có một tên gọi khác là Gyeongun.

So với cấu trúc ban đầu, Deoksugung hiện tại chỉ bằng 1/3 diện tích. Nguyên nhân là cung điện đã bị hư hại nghiêm trọng trong cuộc chiến tranh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là cung điện nhỏ nhất nhưng độc đáo nhất.

Các điện ở Deoksugung được xây theo nhiều phong cách khác nhau bằng gỗ và vữa. Một số được xây bằng đá mô phỏng kiến trúc cung điện châu Âu. Không giống như các Đại cung điện khác, khu vườn và đài phun nước của Deoksugung mang phong cách phương Tây. Bên ngoài Deoksugung là con đường men theo bức tường đá bao quanh cung điện.

Ảnh: @chlove_u

Bạn nên đến đây sau khi mặt trời lặn khi ở Deoksugung đã lên đèn, khung cảnh sẽ đẹp hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, khi đến thăm cung điện ở Seoul này, bạn có thể thưởng thức âm nhạc truyền thống Hàn Quốc trong khi tận hưởng bầu không khí yên tĩnh của một cung điện cổ. Đây là chương trình được bắt đầu lần đầu tiên vào năm 2023 với sự kết hợp của Văn phòng Quản lý Cung điện Deoksugung của Trụ sở Di tích Cung điện và Trung tâm Gugak Quốc gia.

Ảnh: @chlove_u

Năm nay, nó được tổ chức tại Seokjojeon, một tòa nhà theo phong cách phương Tây của Hàn Quốc, cho phép bạn tham gia trải nghiệm các sản phẩm của gia đình hoàng gia.  Bạn sẽ được thưởng thức các màn trình diễn âm nhạc truyền thống như “Suryongeum”, “Sewol”, “Daegeumsanjo”, hay “jeongak” và các hình thức âm nhạc dân gian khác.

4. Ngắm trăng tròn tại Cung điện Changgyeonggung – Xương Khánh Cung

Ảnh: Instagram @rjkoehler74

Cung điện Changgyeonggung, hay Cung Xương Khánh, là một cung điện ở Seoul được vua Sejong (trị vì từ 1418-1450) xây dựng cho cha mình. Từ năm 1483-1484, các tòa nhà trong cung điện được mở rộng thêm bởi vua Seongjong (trị vì từ 1469-1494). Cũng trong thời gian này, nơi ở của hoàng gia được đổi tên thành Cung điện Changgyeonggung.

Tương tự như những cung điện khác ở Hàn Quốc nói chung và Seoul nói riêng, Changgyeonggung cũng mang lối kiến trúc độc đáo. Lối vào chính của cung điện hướng về phía Đông. Khi đi qua cổng, đứng trên cầu Okcheongjo, bạn sẽ nhìn thấy toàn cảnh Cung điện Changgyeonggung.

Ảnh: Instagram @bhanggyeonggung_palace

Tuy không rộng lớn như những cung điện khác nhưng nó lại có vẻ đẹp và câu chuyện riêng. Tham quan và nghe thuyết minh về cung điện (sẽ được miễn phí nếu bạn đến đúng giờ tham quan ngày hôm đó) hoặc có thể tự mình khám phá theo bảng hướng dẫn cũng rất thú vị.

Placenta Chamber là một trong những phần độc đáo của Changgyeonggung. Tương truyền rằng, nhau thai và dây rốn của những đứa trẻ được sinh ra trong hoàng tộc Joseon sẽ được cất một chiếc lọ rồi chôn tại khu vực này.

Ảnh: Instagram @bhanggyeonggung_palace

Cung điện này rất ấn tượng vào ban ngày nhưng huyền ảo hơn khi bạn bắt đầu hành trình dưới ánh trăng. Nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy, bạn có thể tham gia tour du lịch vòng quanh cung điện mở vào ngày rằm hàng tháng. Sau đó bạn có thể đi dạo trong cung điện cũng như dành thời gian tìm hiểu về các sự kiện lịch sử ở Hàn Quốc.

Để chào mừng trăng tròn trong năm 2024, Văn phòng Quản lý Cung điện Changgyeonggung thuộc Trụ sở Di tích Cung điện thuộc Cục Quản lý Di sản Văn hóa sẽ tổ chức sự kiện trăng tròn xung quanh Punggidae và nhà kính của Cung điện Changgyeonggung với chủ đề “trăng tròn nhìn từ Cung điện Changgyeonggung.” Một mô hình lớn về trăng tròn đã được lắp đặt xung quanh Punggidae, giúp du khách lưu giữ những kỷ niệm qua những bức ảnh. Vào ngày rằm sẽ diễn ra sự kiện du khách có thể quan sát trăng tròn, sao Mộc và các chòm sao khác trong khu vực Nhà kính Daehan từ 7 giờ đến 8 giờ 30 tối.

5. Cung điện Gyeonghuigung – Khánh Hi Cung

Ảnh: Instagram @shorty_thewanderer

Cung điện Gyeonghuigung ban đầu được gọi là Cung điện phía Tây ở Seoul. Vào năm Gwanghaegun thứ 8 (1616), cung điện này được sử dụng làm nơi ở của nhà vua. Cuối cùng đến năm 1760 thì đổi tên thành Gyeonghuigung như hiện tại.

Cung điện này đã bị hư hại nặng nề theo thời gian. Cụ thể, vào thế kỷ 19, đa phần các tòa nhà bị thiêu rụi bởi hỏa hoạn. Sau đó khi Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, tất cả các tòa nhà còn lại trên địa điểm này đều bị phá bỏ.

Quá trình tái gầy dựng cung điện Gyeonghuigung bắt đầu vào những năm 1990. Tuy nhiên do đã rơi vào nhiều thập kỷ bị lãng quên, chính phủ Hàn Quốc chỉ có thể trùng tu khoảng 33% diện tích của Cung điện cũ.

Ảnh: Instagram @shorty_thewanderer

Dẫu vậy, bạn vẫn đừng nên bỏ qua cung điện Gyeonghuigung khi đến Seoul thăm thú. Không gian được trùng tu vô cùng xinh đẹp. Ngoài ra trong khuôn viên cung điện cũng có hai bảo tàng, Bảo tàng lịch sử và Bảo tàng nghệ thuật SeMA.

Cách tham quan 5 cung điện nổi tiếng ở Seoul miễn phí

Ảnh: Instagram @viewtiful_korea

Cho cả 5 cung điện cổ ở Seoul, bạn có thể tham quan bằng cách trả tiền vé vào cửa bình thường, hoặc mặc hanbok để được vào cửa miễn phí.

Trên thực tế, giá thuê hanbok đắt gấp 2, 3 lần so với việc chỉ mua vé vào cửa các cung điện này. Tuy nhiên, với những người muốn lưu lại những tấm ảnh đẹp khi đến Seoul đi du lịch thì việc thuê hanbok vào cung điện chụp hình quả là “một mũi tên trúng hai con chim”.

Ngoài ra, nếu bạn có bạn bè người Hàn Quốc thì có thể hỏi mượn họ hanbok cho chuyến đi, cũng là một cách tiết kiệm chi phí khác.

CÓ THỂ BẠN THÍCH:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm