Mùa Đông là dịp tuyệt vời để chúng ta biến “đường phố thành sàn diễn” với những đôi bốt hay áo len. Tuy nhiên, thời tiết se lạnh cũng mang đến nhiều vấn đề khác. Một trong số đó là đôi môi khô, nứt nẻ. Để khắc phục tình trạng này, bạn đừng bỏ lỡ bí quyết dưỡng môi cho những ngày lạnh lẽo.
Nguyên nhân gây khô môi
Thói quen liếm môi: Việc liếm môi thường xuyên sẽ khiến cho đôi môi trở nên khô ráp. Bởi trong nước bọt có chứa các enzym làm khô và kích ứng môi. Khi tiếp xúc với không khí, chúng dễ gây tình trạng khô môi, nứt nẻ.
Tắm nước nóng thường xuyên: Mùa Đông, chúng ta thường có xu hướng tắm bằng nước nóng. Thế nhưng, nước nóng dễ làm trôi đi các lớp dầu bảo vệ và làm mất độ ẩm da. Nếu thường xuyên tiếp xúc với nước nóng, bờ môi sẽ bị khô, đóng vảy và rạn nứt. Thay vào đó, bạn hãy chọn nước ấm nhẹ khi tắm để tránh làm khô da và môi.
Dùng son dưỡng kém chất lượng: Ai cũng biết rằng, sử dụng son dưỡng là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ môi. Thế nhưng không phải sản phẩm nào cũng mang lại kết quả như mong đợi. Bạn cần tránh xa các loại son dưỡng chứa chất làm khô và hương liệu nhân tạo. Hãy lựa chọn kỹ lưỡng các dòng son đảm bảo có thành phần dưỡng ẩm tự nhiên.
Tín đồ của những thỏi son lì: Hầu hết các tín đồ làm đẹp luôn có ít nhất một thỏi son lì trong bộ trang điểm của mình. Son lì thường chứa nhiều sáp và bột màu, để giúp màu son đậm và lâu trôi. Tuy nhiên, chất son khô lì dễ làm lộ khuyết điểm trên môi và khiến môi nứt nẻ hơn. Nếu thường xuyên sử dụng son lì, bạn sẽ phải đối mặt với đôi môi khô kém sức sống.
Thiếu nước: Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể, có vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất,… Đồng thời nước sẽ giúp cân bằng cơ thể, giữ ẩm cho làn da, mang đến bờ môi căng mọng. Do đó, việc mất nước không chỉ khiến cơ thể nhanh bị lão hóa, mà còn gây ra tình trạng môi khô, bong tróc.
Cách trị khô môi mùa lạnh
Sử dụng son dưỡng chất lượng cao
Không khí càng khô, càng khiến cơ thể và đôi môi mất nước. Để bổ sung độ ẩm nhanh chóng, cách tốt nhất là bạn sử dụng sản phẩm dưỡng môi mỗi ngày. Không chỉ mùa đông, mà bất cứ khi nào bạn cảm thấy khô môi thì nên thoa son dưỡng.
Ngoài son dưỡng, bạn cũng có thể thử: gel lô hội hoặc glycerin, bổ sung độ ẩm và tạo cảm giác mát mẻ cho làn môi; dầu dưỡng môi, có thể bổ sung chất béo cho làn môi; mật ong, như một lớp son bóng tự nhiên lại có tính chất kháng khuẩn ngăn ngừa khả năng viêm nhiễm khi môi nứt nẻ.
Ngoài ra, hãy chọn loại son có chứa chỉ số chống nắng để ngăn ngừa lão hóa, bảo vệ môi dưới ánh sáng hàng ngày.
>>> TÌM HIỂU VÌ SAO DẦU DƯỠNG MÔI (LIP OIL) LÀ SẢN PHẨM CHĂM SÓC MÔI ƯU VIỆT NHẤT, VÀ TOP 5 CÂY LIP OIL CAO CẤP
Đắp mặt nạ ngủ cho môi
Mất nước là một trong những nguyên nhân gây khô môi phổ biến, đặc biệt trong thời tiết lạnh. Lúc này, chìa khoá khắc phục môi khô là đắp mặt nạ ngủ. Mặc dù có tác dụng như son dưỡng, nhưng mặt nạ ngủ thẩm thấu tốt và lâu trôi hơn. Một số sản phẩm còn cải thiện tình trạng môi thâm, mang lại đôi môi căng bóng, hồng hào vào buổi sáng hôm sau.
>>> THAM KHẢO: MẶT NẠ MÔI LANEIGE 3G, 8G, 20G GIÁ BAO NHIÊU?
Tẩy tế bào chết cho môi đều đặn
Dưỡng môi cũng tựa như dưỡng da. Dù bạn chăm chỉ dùng son dưỡng hay đắp mặt nạ ngủ, thì môi vẫn sẽ khô ráp nếu không tẩy tế bào chết đều đặn. Do đó, cách trị khô môi hiệu quả là đầu tư các sản phẩm tẩy tế bào chết nhẹ nhàng.
Ngoài ra, áp dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết tự nhiên cũng là ý tưởng tuyệt vời. Công thức tẩy tế bào chết cho đôi môi: 1 thìa cà phê đường, 1 thìa mật ong, 1 thìa nước cốt chanh. Trộn đều và thoa hỗn hợp lên môi, giữ nguyên trong 5 phút, sau đó rửa sạch. Tẩy tế bào chết mỗi tuần để có đôi môi mềm, căng mọng như một trái đào.
>>> NHẬN BIẾT NHỮNG DẤU HIỆU LÃO HÓA MÔI VÀ CÁCH NGĂN NGỪA
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam