
Bella Hadid là một trong những người nổi tiếng có niềm đam mê với bộ môn thể thao cưỡi ngựa. Bộ môn này có những điểm hấp dẫn nào để cô nàng luyện tập thường xuyên như vậy? Ảnh: @bellahadid
Điểm danh những ngôi sao rất yêu thích bộ môn thể thao cưỡi ngựa
Bộ môn thể thao cưỡi ngựa gần đây nhận được sự quan tâm của khán giả Hàn nhờ Shin Min Ah. Nữ diễn viên vừa mở một trang blog trực tuyến hồi đầu năm để cập nhật về cuộc sống thường ngày, thu hút gần 100.000 người theo dõi sau ít tháng.
Mới đây, cô vừa có bài đăng về chuyến dạo chơi và mua sắm của mình trong những ngày tuyết chưa tan. Cạnh nhan sắc tuổi 40 đẹp không tì vết, điều khiến khán giả thích thú chính là hình ảnh Min Ah trên lưng ngựa. Cô thành công giới thiệu bộ môn thể thao này đến người theo dõi và khiến họ tò mò muốn tìm hiểu: Điều gì khiến nữ diễn viên trải nghiệm cưỡi ngựa?

Shin Min Ah cập nhật ảnh trải nghiệm cưỡi ngựa trên blog. Ảnh: Naver @blogbymina
Shin Min Ah không phải là người đầu tiên trải nghiệm bộ môn thể thao cưỡi ngựa và chia sẻ đến những người theo dõi của mình. Hai thành viên Girls’ Generation là Tiffany Young và Kwon Yuri cũng đã thể hiện niềm yêu thích với bộ môn này và thường xuyên chia sẻ quá trình luyện tập trên mạng xã hội.

Tiffany và Sooyoung, hai thành viên SNSD, trong chuyến trải nghiệm cưỡi ngựa. Sooyoung trải nghiệm bộ môn này dưới lời mời của Tiffany. Ảnh: @soofanyarchive
Đặc biệt, Yuri – nữ thần tượng nổi tiếng với thân hình săn chắc đáng ghen tị – đã bắt đầu chia sẻ về đam mê cưỡi ngựa từ năm 2011. Cô có một nhóm bạn chung có sở thích, bao gồm nữ thần tượng Kahi (After Schools). Nhiều lần Yuri đã vận dụng kỹ năng của mình trên show thực tế như trong tập 2 của Dating Alone (2015), hay đưa lên phim ảnh như vai diễn trong phim cổ trang Bossam: Steal the Fate (2021).

Yuri có một hội bạn cùng chia sẻ sở thích cưỡi ngựa, bao gồm Kahi (After School). Hình ảnh trên được cô cập nhật năm 2016. Ảnh: @yulyulk

Yuri trổ tài cưỡi ngựa trong Bossom: Steal The Fate (2021). Ảnh: MBN
Tiffany Young thì không chỉ coi việc cưỡi ngựa là để rèn luyện sức khỏe, mà còn là nơi để cô thể hiện phong cách thời trang của bản thân. Năm 2021, khi khoe ảnh cưỡi ngựa, Tiffany như đang xuất hiện trong những bộ phim dài tập về giới thượng lưu. Kết quả là người hâm mộ liên tục săn tìm trang phục giống nữ thần tượng.

Ảnh: @xolovestephi
Ở trời Tây, Bella Hadid cũng là một ngôi sao có sở thích cưỡi ngựa. “Người mẫu của năm” còn mang cả phong cách cưỡi ngựa xuống phố với trang phục Westerncore đậm chất cao bồi, với những chiếc quần jeans cạp trễ, áo da. Tủ đồ của nàng mẫu chịu ảnh hưởng từ chính tình yêu của cô cho mã thuật.

Bella Hadid thi đấu Rodeo tại Colorado. Ảnh: Paula Mayer
Đối với Bella, cưỡi ngựa không đơn thuần là một sở thích mà còn là bộ môn cô theo đuổi nghiêm túc. Cô đã học cưỡi ngựa từ bé và luyện tập thường xuyên. Dù năm 2016, cô phải tạm nghỉ để điều trị bệnh Lyme, nhưng Bella không từ bỏ mà quay trở lại với môn thể thao vào năm 2023. Tên trang cá nhân của Bella, bạn sẽ thấy cô tham gia môn Rodeo, thiên về trình diễn những kỹ năng của cao bồi, cùng những chú ngựa cưng của mình. Bella nhiều lần có những chia sẻ dài rằng cưỡi ngựa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần của cô, giúp cô tìm thấy sự bình yên giữa lịch trình bận rộn.

Bella Hadid nhận giải tân binh của năm từ cuộc thi Rodeo NCHA. Ảnh: @bellahadid
Có thể thấy, cưỡi ngựa thu hút phái nữ vì nhiều lý do. Một phần vì đây là cơ hội để họ thử nghiệm những bản phối trang phục ấn tượng, nghe qua tưởng là một nguyên nhân không hề quan trọng, nhưng chính yếu tố về gu thẩm mỹ trong thể thao đã góp phần làm bùng nổ trào lưu Pickleball năm 2024. Trên hết, bộ môn này mang lại những giá trị bền vững cho sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cưỡi ngựa giúp ích như thế nào cho sức khỏe của bạn?
Thoạt nhìn, cưỡi ngựa trông có vẻ nhẹ nhàng hơn hẳn với các môn thể thao khác, bởi việc bạn cần làm chỉ là ngồi trên ngựa, điều khiển chúng và giữ cho bản thân mình không bị ngã. Vậy nhưng, khi có luyện tập rồi mới có thể cảm nhận được chỉ riêng việc “ngồi im” trên ngựa đã là điều khó nhằn.
Những người mới tiếp xúc với bộ môn này, chia sẻ khắp các diễn đàn như Quora, Reddit về việc họ luôn đổ được lượng mồ hôi lớn, cảm nhận được sự vận động liên tục của cơ đùi, hông và cơ bụng hơn mức họ tưởng tượng rất nhiều. Không nhất thiết phải điều khiển những chú ngựa phi nước đại, cần nhiều sức mới gọi là luyện tập. Chỉ cần những bước đi bộ ngắn hoặc phi nước kiệu cũng đã giúp cải thiện đáng kể sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, hay cụ thể hơn, cưỡi ngựa được ghi nhận giúp cải thiện thể lực, thăng bằng, mức độ linh hoạt, sức khỏe tim mạnh lẫn sức khỏe tâm lý.
Những lợi ích về sức khỏe thể chất tốt cho nữ giới

Ảnh: @yulyulk
Trước nhất, cưỡi ngựa giúp cải thiện thăng bằng, vì người cưỡi ngựa phải điều chỉnh động tác theo nhịp chuyển động của ngựa, đa phần là nhịp nhấp nhô lên xuống trong nước kiệu hoặc nước trung, làm sao để không bị ngã. Để làm được điều này, bạn phải luyện tập tư thế đúng, thường là dáng thẳng lưng kể cả khi thả lỏng lúc ngựa đi bộ.
Có hai tác dụng lớn từ việc này: Một là cải thiện tư thế đứng, ngồi đẹp hơn. Hai là nhờ có thăng bằng tốt hơn mà còn người sẽ giảm khả năng bị té ngã – điều vô cùng quan trọng và đôi khi là vấn đề sống còn với người trong giai đoạn tuổi trung niên trở đi như Shin Min Ah.
Bên cạnh đó, khi cưỡi ngựa, với những dáng đi có cường độ từ nước kiệu trở lên, người cưỡi phải biết cách siết cơ thân, đùi, nên môn thể thao này còn giúp tăng cường sức mạnh cơ lõi (core) lẫn cơ chân. Các hoạt động cưỡi động vật, bơi lội đều đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh từ phần cơ lõi (core) – hệ thống cơ ở vùng trung tâm cơ thể (bụng, lưng dưới), với tác dụng giữ cho cột sống ổn định và cơ thể thẳng.
Khi có phần cơ này khỏe, bạn sẽ có được sự phụ trợ cho rất nhiều hoạt động khác. Chẳng hạn như với các vũ công, tập phần core này tối quan trọng để bản thân kiểm soát động tác vũ đạo chắc và dứt khoát hơn. Các bộ môn như yoga, pilates cũng dễ dàng hơn nếu có phần lõi khỏe. YooA, thành viên nhảy chính của nhóm Oh My Girl, cũng chia sẻ rằng cô từng học cưỡi ngựa.
Một điều tối quan trọng khác khi cưỡi ngựa là bạn buộc phải điều chỉnh nhịp thở, từ đó giúp cải thiện chức năng tim phổi. Ngoài ra, bạn còn phải điều khiển và hợp tác với chú ngựa vượt chướng ngại, giúp bạn tăng khả năng linh hoạt, phán đoán.
Những tác động tích cực về sức khỏe tinh thần

Ảnh: @xolovestephi
Cạnh sức khỏe thể chất, riêng việc tiếp xúc với ngựa nói riêng hay động vật nói chung cũng đã có tác động đến với tinh thần của con người (cùng lý do vì sao con người thường có vật nuôi). Tồn tại các liệu pháp chữa bệnh tâm lý như hippotherapy, sử dụng ngựa để hỗ trợ cải thiện chức năng thần kinh – vận động, cảm giác và nhận thức trong các chương trình phục hồi chức năng.
Còn với những người không mắc bệnh lý, cưỡi ngựa cũng có thể giúp bạn giảm áp lực bằng cách điều hướng sự tập trung của bạn khỏi những lo lắng về công việc. Nguyên do sâu xa là ngựa phản ứng với những tiếp xúc nhỏ nhất, xem chúng là tín hiệu điều khiển, chỉ một cú chạm khẽ vào dây cương bằng một ngón tay, di chuyển chân lùi về sau yên một chút đều có thể được ngựa hiểu là bạn đang giao tiếp và điều khiển chúng. Vì vậy mà cưỡi ngựa cần sự tập trung tuyệt đối để đi đúng hướng, đảm bảo kiểm soát và ăn ý với ngựa, giúp con người tạm quên đi những áp lực công việc.
Thêm vào đó, cưỡi ngựa thường diễn ra ở không gian lớn, khoáng đạt giúp con người giải tỏa được căng thẳng, kết hợp với một chút “nature therapy” – trị liệu bằng cách hòa mình với thiên nhiên.
Nên luyện tập cưỡi ngựa với cường độ như thế nào?

Ảnh: Getty
Cường độ luyện tập lý tưởng là từ 2 đến 3 lần/tuần, 30 phút/lần đối với dáng đi nước kiệu, nước trung. Bạn có thể điều chỉnh tần suất giảm đi nếu thực hiện phi nước đại. Việc luyện tập với ngựa luôn cần có người huấn luyện và giám sát để tránh té ngã và chấn thương, nên tại Việt Nam, một buổi luyện tập khoảng 45 phút sẽ có mức giá khoảng 500.000 đồng.
Nếu không thể luyện tập với tần suất trên, bạn có thể thỉnh thoảng đổi gió khỏi các bài tập gym, yoga, pilates thường ngày, bởi việc tương tác và điều khiển động vật đã mang đến nhiều sự thích thú và mới lạ. Ngoài ra, những người cưỡi ngựa còn có các bài tập khởi động riêng, tập trung vào sự linh hoạt và dẻo dai (điều tối quan trọng ngay từ bước leo lên, leo xuống chú ngựa) mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện hàng ngày.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
ELLA (S.H.E) TUỔI 44 CHIA SẺ CÁCH GIẢM CÂN KHÔNG TĂNG CÂN TRỞ LẠI
THÓI QUEN BẢO DƯỠNG NHAN SẮC Ở ĐỘ TUỔI 38 CỦA LƯU THI THI
VÌ SAO BỘ MÔN CƯỠI NGỰA GẮN LIỀN VỚI THỜI TRANG CAO CẤP?
Harper’s Bazaar Việt Nam