Bên trong cuộc chiến mua sắm haute couture của giới siêu giàu

Từ chiếc đầm haute couture hơn trăm ngàn Euro, đến champagne và caviar trong phòng thử đồ. Mời bạn đi mua sắm haute couture tại tuần lễ thời trang Paris với một vị khách VIP.

Theo chân mua sắm haute couture cùng quý cô Christine Chiu. Ảnh: INGRID FRAHM/GETTY IMAGES

Tôi bước vào tổng cục thời trang của Dior vào một buổi sáng Paris. Tuy mới tờ mờ sáng nhưng cả tòa nhà đã rất bận rộn. Ở một góc, mấy ông thợ làm bánh đang sắp xếp croissant mới nướng nóng hổi. Ở góc khác, thợ cắm hoa đang bày biện góc tự-làm-bó-hoa-à-la-couture với hoa hồng, mẫu đơn và cẩm chướng. Bên cạnh là góc chụp ảnh thời trang. Ngay chính giữa căn phòng là một chiếc bàn tiệc dài. Trên bàn được bày biện chén dĩa mang biểu tượng của Dior.

Tôi đang theo chân quý cô Christine Chiu; một nữ doanh nhân thành đạt người Mỹ gốc Đài Loan; người sở hữu viện thẩm mỹ Beverly Hills Plastic Surgery tại Los Angeles, Mỹ. Hôm nay, Christine đến tổng cục Dior mong muốn chọn ra một bộ cánh haute couture mới nhất. Nhân viên sale của Dior đã sắp xếp sẵn phòng riêng để Christine có thể lựa chọn và thử đồ trong 90 phút.

“Chỉ 30 phút thôi”, cô nói. Show diễn của Chanel sắp bắt đầu nên Christine còn phải về khách sạn chuẩn bị.

Nhân viên Dior dẫn đường cho chúng tôi để bắt đầu cuộc hành trình đi săn haute couture. Họ đã cho Christine xem qua toàn bộ look book của bộ sưu tập Dior haute couture mùa Thu Đông 2019. Cô chấm khoảng 4, 5 mẫu. Trước khi đến phòng thử đồ, chúng tôi được mời đi xem qua bộ sưu tập trang sức cao cấp (haute joaillerie) của nhà mốt Pháp. Căn phòng tối đã được chia ra thành từng khu riêng biệt theo màu sắc; xanh của ngọc lục bảo; đỏ của hồng ngọc, v.v. Những món trang sức được bày biện trên nền nhung cẩn thận.

Hệt như Astrid trong phim Con nhà siêu giàu châu Á, Christine Chiu nhanh tay lựa 4 món. Hai chiếc nhẫn và hai đôi bông tai. Mỗi món trang sức có giá trị dao động từ 160,000 đến 200,000 Euro. “Chúng chắc sẽ hợp với mấy mẫu haute couture tôi đã chấm”, Christine giải thích về lựa chọn của mình.

Trước khi đến thử đồ ở Dior, Christine Chiu đã xem qua toàn bộ look book mới nhất. Cô chấm bộ bodysuit đính ren (mẫu 6), đầm đính da thuộc (mẫu 9), và hai chiếc đầm ren (mẫu 35 và 44). Ảnh: Getty Images

Những quy tắc ngầm trong việc mua sắm haute couture

Việc mua sắm trang phục haute couture bây giờ như một cuộc chiến, theo lời Christine. Mỗi nhà mốt có một quy định rõ ràng khi bán ra trang phục haute couture. Và tất nhiên những quy định này chẳng hề giống nhau.

Có những thương hiệu giới hạn chỉ bán một chiếc đầm haute couture tại một quốc gia. Những vị khách như Christine, khi sàn diễn runway vừa chấm dứt, phải thông báo ngay với bên sale của nhà mốt về chiếc đầm họ muốn sở hữu. Nếu Christine chậm tay, chiếc váy sẽ thuộc về một khách hàng người Mỹ khác. Tuy nhiên, cái lợi của việc có hai passport Mỹ – Đài Loan là Christine vẫn có thể mua chiếc đầm này với cương vị một vị khách người Đài Loan. Tuy nhiên, cô cũng chỉ có thể mặc chiếc đầm đó tại các sự kiện ở Đài Loan.

Ngoài ra, tại Hollywood, các ngôi sao hạng A luôn có đặc quyền ưu tiên xuất hiện trong trang phục haute couture. Cho dù họ không thật sự mua nó. Ví dụ, khi Céline Dion xuất hiện tại show Alexandre Vauthier tại tuần lễ thời trang Paris, thương hiệu đã thông báo với Christine để cô không mặc trùng trang phục với Céline Dion. “Đây là điều tối kỵ nhất đấy,”, Christine nói.

Chiếc đầm Alexandre Vauthier mà Christine Chiu sở hữu sẽ được Celine Dion mặc đến tuần lễ thời trang. Nhà mốt đã báo trước cho vị khách VIP này để cô chọn trang phục khác.

Tại show diễn Dior haute couture, chiếc váy cuối cùng đặc biệt hấp dẫn Christine.

Đây là chiếc váy hình toà nhà 30 Rue Montaigne trứ danh của nhà mốt. “Nó có được bán không? Bao nhiêu? Tôi muốn nó!” cô hào hứng.

Ngay sau khi show diễn kết thúc, Christine được mời vào phòng thay đồ để thử hết những mẫu ưa thích. Tuy cô rất gầy và hầu như mặc vừa tất cả các trang phục từ trên sàn diễn runway, Dior vẫn rất cẩn thận. Túc trực là một thợ may lành nghề của Dior. Sau 30 phút thử trang phục, chỉnh sửa số đo, và chi trả một khoản không nhỏ, Christine từ giã Dior. Chúng tôi bắt taxi để chạy gấp về khách sạn Plaza Athénée, để sửa soạn đi ngắm Chanel.

Chiếc đầm hình toà nhà, mẫu số 65 trong BST Haute Couture Thu Đông 2019 của Dior khiến Christine Chiu mê đắm.

Sửa soạn đi show haute couture như giới thượng lưu

Khi giới siêu giàu đi dự sàn diễn thời trang, họ không chỉ thay đổi trang phục, mà còn chỉnh sửa kiểu tóc và makeup cho phù hợp.

Trong căn phòng xa hoa tại khách sạn Plaza Athénée của Christine, cô cho tôi xem chiếc vali Louis Vuitton monogram nhỏ luôn xách theo bên người. Nó chứa toàn bộ nữ trang của cô. Và Christine Chiu luôn sợ nó bị ăn cắp.

“Lỡ ai đó đặt bom ở show diễn thì sao? Em có thể tưởng tượng được không? An ninh ở một số show thật sự quá lỏng lẻo đó.” Christine Chiu giải thích về nỗi sợ của mình.

Cách diễn viên hài người Pháp lọt qua bảo vệ để phá bĩnh show Chanel là một ví dụ điển hình cho việc các show diễn thời trang không phải lúc nào cũng an toàn. Chính vì vậy mà Christine Chiu luôn đặt dịch vụ hộ tống cô qua cửa hải quan; và có xe limo riêng, mặc dù các thương hiệu có đề nghị đưa đón cô.

Nỗi sợ của Christine Chiu không phải vô cớ. Tại buổi tiệc trưa do Piaget tổ chức, cô nghe các bạn thì thầm to nhỏ về một vụ cướp trang sức trắng trợn cách đây không lâu. “Hình như là có nội gián,” mấy người bạn của cô kháo nhau. Vụ Kim Kardashian bị chĩa súng ngay trong phòng khách sạn không phải là trường hợp cá biệt. Những quý cô này luôn e ngại mình sẽ là người kế tiếp.

Christine Chiu trong trang phục Jean Paul Gaultier. Ảnh: Getty Images

An ninh không phải là vấn đề duy nhất Christine quan ngại. Việc chuẩn bị trang phục cũng quan trọng không kém.

“Haute Couture như một dự án mất cả năm để chuẩn bị”, cô giải thích. “Bạn phải đi thử đồ và chỉnh sửa cả triệu lần để có được bộ cánh ưng ý nhất. Sau đó mới có thể “lên đồ” ở show.”.

Năm ngoái, lúc mùa haute couture đang diễn ra, Christine Chiu đang mang thai. Chính vì vậy, cô không thể chuẩn bị chu đáo cho năm nay như mong muốn. “Tôi biết là suy nghĩ này nghe có vẻ nông cạn”, cô nhún vai. Nhưng đây là một quy tắc ngầm của tuần lễ thời trang haute couture.

Nếu giới thượng lưu đến show haute couture mà không có trang phục…

…thì nhà mốt phải luôn sẵn sàng có một vài bộ cánh cho họ thử ngay.

Như Christine đã nói, năm 2018 cô không hề đi shopping mấy vì đang mang thai. Chính vì vậy, cô không có bộ trang phục haute couture nào từ Valentino. Và nhà mốt đã mời Christine đến cửa hàng để xem qua các sample đang có sẵn.

Nhân viên Valentino mau chóng đưa chúng tôi đến một căn phòng riêng tư. Tại đây đã có 3 bộ cánh treo sẵn cho Christine lựa chọn. Chúng đến từ bộ sưu tập Valentino Haute Couture Thu Đông 2018. Đi kèm là hình ảnh trang phục trên sàn diễn, để cô có thể thấy cách chúng xuất hiện trên người mặc.

Christine hỏi ý kiến tôi, và tôi không ngần ngại đề nghị. Dù sao, tôi cũng là biên tập viên thời trang. Tôi thích nhất chiếc đầm lụa tơ tằm xanh biển với chi tiết thêu màu vàng đồng. Những nhân viên Valentino trong phòng cũng đồng ý. Và Christine mua ngay trang phục ấy. Thợ may lập tức lên line cho váy ngắn lại để phù hợp với vóc dáng nhỏ bé của cô. Trong lúc đó, Christine trò chuyện với nhân viên bán hàng để tìm hiểu về ý nghĩa của bộ trang phục. “Chiếc váy này đến từ BST lấy cảm hứng từ Picasso”, nhân viên Valentino trả lời.

Christine Chiu chọn bộ cánh số 58 trong BST Valentino Haute Couture Thu Đông 2018. Ảnh: Getty Images

Sau khi chiếc váy đã được sửa xong, Christine Chiu đưa họ chiếc thẻ tín dụng để thanh toán. Vì đây là hàng mẫu sample đã được mặc trên sàn diễn, Christine sẽ được giảm giá. Tuy nhiên, cũng vì nó là hàng haute couture nên mức giảm giá cũng không quá nhiều.

Khi trên đường về khách sạn, tôi trò chuyện với Christine về sự quyết đoán khi shopping của cô. Cô dường như không câu nệ mức giá khá cao của trang phục haute couture. “Chị có đề ra hạn mức nào cho bản thân trong mùa tuần lễ thời trang không?”, tôi hỏi. Và Christine lắc đầu, “Không, nhưng tôi cần phải từ tốn để xem hết những mẫu mã trong mùa này”.

Khi khách hàng là thượng đế, nhưng thượng đế cũng tôn trọng bạn

Trong số những show diễn sắp tới, đâu là show cô mong đợi nhất, tôi hỏi Christine. “Chắc chắn là Armani Privé và Alexandre Vauthier. Armani đã đầu tư rất nhiều cho mối quan hệ của tôi, nên tôi cũng ưu tiên cho họ”. Cô tiết lộ, chính Armani đã tổ chức tiệc Baby Shower cho mình năm ngoái lúc mang thai. Họ còn làm rất nhiều trang phục bầu riêng cho Christine. Còn Alexandre Vauthier thì phù hợp với sở thích cá nhân. “Thiết kế của Vauthier trẻ và sexy. Tôi thấy mình gợi cảm hơn trong trang phục của họ,” cô trả lời.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là sự trân trọng của Christine dành cho các nhà mốt. Cô kể với tôi sự đau đầu về đêm diễn sắp tới. Show diễn thời trang cuối ngày là của Givenchy. Họ cũng mời Christine dự tiệc lúc 8 giờ tối. Nhưng Christine đã hẹn ăn tối cùng Armani Privé lúc 7 giờ rồi. Cô không thể diện trang phục Givenchy đi qua Armani, hay ngược lại. Và cô cũng không muốn quay về khách sạn sắm sửa, vì như vậy sẽ trễ mất.

“Rất thiếu tôn trọng các nhà mốt nếu bạn trễ giờ”, Christine bảo tôi. Vì vậy, cô quyết định sẽ thay đồ trong xe limo giữa các buổi tiệc.

Để trân trọng nhà mốt, Christine Chiu đã chọn giải pháp thay đồ trong xe giữa các show diễn thời trang và tiệc tối. Trái: đầm Givenchy. Phải: đầm Armani Privé. Ảnh: Getty Images.

Christine rủ tôi đi ăn tiệc tối cùng. Bình thường, cô luôn đi với chồng. Nhưng cho tuần lễ thời trang haute couture này, tôi là khách mời danh dự của cô. Vì vậy việc đi tiệc cùng là điều hiển nhiên, theo cách lý giải của Christine.

Tôi chợt nhận ra mình không có trang phục gì đủ trang trọng để mặc đi tiệc. Khi tôi khéo từ chối, Christine khoát tay, “Sao em không mặc chiếc đầm Givenchy của tôi?”. Tất nhiên tôi không thể mặc vừa chiếc đầm nhỏ xíu của cô. Nhưng sự rộng lượng của Christine làm tôi bất ngờ.

Chọn mua haute couture cũng như đầu tư cho nghệ thuật

Với lượng quần áo Christine mua mỗi tuần lễ thời trang haute couture, liệu cô có đủ chỗ sắp xếp chúng trong nhà? Chắc chắn rồi.

“Khi mua nhà tại Beverly Hills, chúng tôi đã tân trang lại toàn bộ. Trong đó, phòng chứa quần áo là phòng to nhất. Và chúng được giữ lạnh để bảo quản trang phục tốt nhất.”. Christine Chiu cũng nói thêm, “Tuy nhiên, các nhà mốt cũng nhận giữ lại trang phục haute couture cho khách hàng. Họ sẽ giặt hấp hay sửa những phần đính kết bị lơi lỏng. Có thể xem như đưa trang phục đi spa vậy.”

Vậy đâu là sức hấp dẫn của một bộ cánh haute couture đối với Christine? “Tôi đã nhận look book từ thương hiệu trước. Như vậy, tôi đã có thể nhắm mình sẽ chọn mẫu nào. Tôi cố gắng để những trang phục mình mua không giống nhau. Ngoài ra, giá cũng quan trọng. Nếu nó lên tới cả triệu Euro thì tôi phải suy nghĩ lại.”. Christine cũng quan tâm về sự ra đời của trang phục. “Tôi nghĩ về chất liệu, về công phu làm ra nó, về tay nghề của thợ may. Nhưng tất nhiên, có những mẫu tôi vừa nhìn là mê. Những mẫu ấy, tôi bắt buộc phải có.”.

Cô cho rằng việc sắm sửa haute couture cũng như đầu tư cho nghệ thuật. Christine luôn chọn những trang phục độc đáo nhất, khiến người ta phải nhớ nhất. Trong khi đó, chồng cô lại muốn cô ưu tiên đầu tư cho trang sức hơn, vì chúng giữ giá trị lâu hơn trang phục.

Sự thay đổi của ngành haute couture

Quý cô Christine Chiu là người sành haute couture. Cô đã mua sắm haute couture gần một thập kỷ. Và đôi khi, cô không thích sự thay đổi của ngành haute couture. Trước đây, cảm giác mua sắm lãng mạn hơn nhiều, theo lời Christine.

“Bây giờ mua sắm như tranh đấu ấy. Ngày xưa thì khác, không cảm giác bị ép buộc vậy đâu. Các nhà thiết kế hay giám đốc sáng tạo luôn có mặt khi tôi lựa đồ. Họ nói về cảm hứng, họ chia sẻ những mẫu họ yêu thích nhất. Họ cũng tư vấn là tôi nên mua gì cho hợp vóc dáng, thị hiếu. Đôi khi họ còn mang cả quyển sách đầy hình vẽ nháp trong giai đoạn lên ý tưởng, để tôi có thể hiểu rõ hơn về bộ sưu tập. Tôi thật sự rất nhớ thời gian ấy.” Christine kể về giai đoạn những nhà thiết kế sẽ tự mời một số ít khách haute couture đi ăn trưa. Bây giờ thì không còn nữa. Tuy vậy, cô vẫn trung thành đi dự tuần lễ thời trang haute couture hàng năm.

Vấn đề còn lại liên quan đến những luật lệ mới trong thời trang. Ví dụ, cách đây nhiều năm, thời trang lông thú tượng trưng cho xa xỉ và truyền thống. Còn bây giờ, Christine Chiu phải suy nghĩ kỹ trước khi chọn mua áo khoác lông chồn. “Tôi có thể mặc nó ở đâu nhỉ?” Cô suy ngẫm. Dù sao, Los Angeles cũng là xứ nóng. Chưa kể, California còn là bang đi đầu trong việc cấm buôn bán trang phục lông thú. “Dân yêu động vật ở đấy lồng lộn lắm em à, phải cẩn thận.”

Christine Chiu đã thử hai mẫu áo khoác lông thú từ Fendi tại tuần lễ thời trang. Tuy nhiên, cô đắn đo trước khi mua chúng. Ảnh: Getty Images

Kết thúc tuần lễ thời trang haute couture với Christine Chiu

Buổi shopping cuối của Christine là với nhà mốt Fendi ở Rome, Ý. Họ đưa chúng tôi đến phòng thay đồ cá nhân, được trang hoàng như một căn penthouse. Có sofa nhung thật êm, ghế ottoman gác chân, và bàn đá cẩm thạch. Đi kèm là một chai champagne, thức ăn nhẹ, cùng bát trứng cá caviar. “Chắc phải cả ngàn đô-la Mỹ tiền trứng cá ở đây quá,” Christine ăn một miếng thật vui vẻ. Cô cũng cho biết, đây là lý do cô yêu Fendi và mua sắm với thương hiệu nhiều hơn, vì họ cũng nuông chiều cô mỗi khi shopping.

Tuy Christine còn ở Rome lâu dài, đã đến lúc tôi phải về. “Tôi còn gặp em nữa không?” Cô nói khi ôm chầm lấy tôi. Tôi quả quyết: Bây giờ có internet và điện thoại, cô cứ nhắn tôi mỗi khi muốn tham khảo thêm ý kiến.

Sau khi chia tay Christine, tôi dành buổi chiều cho bản thân. Nhàn nhã dạo quanh Rome, hưởng thụ kem gelato kiểu Ý, và chụp hình selfie tại những địa điểm nổi tiếng. Cuối ngày, khi về đến khách sạn, lễ tân trao cho tôi một chiếc túi in dòng chữ Fendi to đùng. Đi kèm là tấm thiệp viết tay từ Christine:

“Em yêu,

Rome sẽ đẹp hơn nếu em dạo nó trong những đôi bốt này.

Cảm ơn em vì đã chia sẻ Paris và Rome cùng chị.

xx Christine”

***

Theo lời kể của Chrissy Rutherford, biên tập Harper’s Bazaar Mỹ
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm