Bạo loạn tại mỹ: Vì sao các cửa hàng thời trang luôn bị cướp bóc

Vụ bạo loạn tại Mỹ vì cái chết của George Floyd gây rúng động giới bán lẻ, vì hàng loạt các cửa hàng thời trang cao cấp bị đập phá, ăn cướp và thất thoát hàng hoá trị giá hàng chục nghìn đô-la Mỹ.

Cửa hàng Dolce & Gabbana ở Miami, Florida

Mỹ vừa trải qua một tuần đầy biến động vì cái chết của anh George Floyd. Hàng chục ngàn người đổ xuống đường biểu tình, đòi quyền bình đẳng sắc tộc cho cộng đồng người da đen, cũng như yêu cầu cải cách lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một số kẻ nhân cơ hội này làm loạn, đập phá và ăn cắp từ các cửa hàng ở khu vực biểu tình, từ Los Angeles, San Francisco, New York đến Miami…

Hiện tại cảnh sát đã bắt đầu bắt tay vào việc truy tìm và phạt tù những kẻ cướp này. Theo lực lượng cảnh sát New York, có hàng trăm kẻ trộm cướp đã bị bắt trong tuần vừa qua. Thông tin cho thấy họ tập trung vào ăn cắp từ những cửa hàng thời trang với những món hàng hiệu lên đến hàng trăm nghìn đô-la Mỹ.

Nặng nề nhất là vụ mất cắp tại cửa hàng lông thú Henry Cowit. Một băng nhóm 15 đến 20 người đã trộm đi nhiều sản phẩm lông thú trị giá 750,000 đô-la Mỹ. Dường như nhóm này là băng đảng có tổ chức quy mô. Hiện tại cảnh sát vẫn đang truy nã chúng.

Nhiều đối tượng khác lại bị bắt rất nhanh vì khoe khoang những món đồ mình đã nẫng được.

Julian Cepeda, 21 tuổi, bị bắt ngay khi đang mải mê lùng sục cửa hàng Dolce & Gabbana. Anh ta đã kịp khoác lên mình một chiếc áo sweatshirt 1,200 đô-la Mỹ của Dolce & Gabbana, tay cầm mắt kính Chanel.

Ashford Adedeji, 21 tuổi, thì lại chạy rông ngoài đường với hàng loạt đôi giày. Từ giày cao gót nữ của Gucci, hàng loạt đôi giày thể thao Dolce & Gabbana, và tai nghe Beats.

Hanaya Jones, 20 tuổi, thì bị phát hiện khi tháo chạy khỏi cửa hàng Dior. Trong tay cô ta ôm hàng loạt mẫu túi xách của Dior, trị giá lên đến 9,000 đô-la Mỹ.

Một người phụ nữ 26 tuổi, Keona James, bị phát hiện ngay khi chạy ra khỏi cửa hàng Victoria’s Secret với hàng loạt món đồ nội y còn đính khóa an toàn.

Vì sao hành vi trộm cắp luôn đi kèm với biểu tình và bạo loạn?

Biểu tình ôn hòa tại New York vì George Floyd. Ảnh: Taidgh Barron/NY Post

Mỗi khi một nhóm người tức giận xuống đường, việc phá hoại tài sản là điều không thể tránh khỏi. Nhiều chuyên gia xã hội học, cũng như lãnh đạo các thương hiệu, đồng tình rằng việc bị mất cắp sản phẩm không bao giờ có thể đánh đồng với việc mất đi một mạng sống con người quý giá. Tuy nhiên, lý do dẫn đến hành vi này lại khá phức tạp.

Đầu tiên, người trộm cắp và người biểu tình có thể không phải là cùng đối tượng.

Nhà xã hội học Dana Fisher ở trường đại học Maryland, sau 20 năm nghiên cứu các vụ biểu tình, cho biết: người biểu tình ôn hoà sẽ hầu như không bao giờ phóng hỏa hay đập phá. Còn người đã có tâm trạng muốn đập phá, sẽ nhân cơ hội này mà bùng phát.

Người muốn đập phá cũng chưa chắc muốn đi ăn cướp, ăn trộm.

Đối tượng vô cùng phẫn nộ trước nguồn căn sự việc sẽ thường muốn phá hủy một toà nhà hay tượng đài mang tính chất biểu tượng. Ví dụ như toà thị chính, đồn và xe cảnh sát, hay thậm chí là toà nhà CNN. Hành động này biểu lộ sự phẫn nộ của họ trước những thế lực được cho là đang đàn áp họ.

Nhiều người đi ăn trộm, ăn cướp xem đây là sự phân phối lại tài sản, từ tầng lớp giàu có hơn đến tầng lớp nghèo hơn.

Những người nổi dậy thường là tầng lớp bần cùng nhất. Họ xem những cửa hàng như một đối tượng làm giàu trên xương máu của họ. Chính vì vậy, những cửa hàng càng được xem là phục vụ đối tượng thượng lưu trở thành mục tiêu bị đập phá dữ dội nhất. Trong trường hợp này là các cửa hàng thời trang xa xỉ, các nhà hàng hay khách sạn năm sao.

Trong trường hợp bạo loạn tại Mỹ vì cái chết của George Floyd, tình hình đập phá càng thêm trầm trọng vì cả xã hội Mỹ đã bị giãn cách trong một thời gian dài. Cảm giác chồn chân trong nhà trở thành một động cơ khiến nhiều người bùng phát.

Các cửa hàng thời trang cao cấp nhanh chóng chặn cửa để chống lại nạn trộm cắp giữa cơn bạo loạn tại Mỹ. Ảnh: Kali Hays/WWD

Người khác lại cho rằng việc ăn cướp, ăn trộm là hành vi đáng được tuyên dương khi phỉ nhổ vào tầng lớp thống trị.

Chúng ta phải đối mặt với sự thật: Có tiền là có quyền. Những người đi biểu tình thường ở tầng lớp thấp, nghèo nhất toàn xã hội. Họ bất mãn vì cảm giác bất lực trước cuộc sống cơ cực của mình. Việc đập phá, cướp bóc các cửa hàng cao cấp khiến họ cảm thấy mình như Robin Hood thời hiện đại.

Một vài nhóm người biểu tình ủng hộ việc đập phá như cách thúc đẩy việc thay đổi xã hội.

Việc biểu tình ôn hoà đôi khi không mang lại những thay đổi lớn lao. Chỉ có việc phá hủy các toà nhà và cửa hàng mới cho thấy rằng họ đã quá phẫn nộ và yêu cầu bộ máy chính quyền phải thay đổi ngay.

“Biểu tình ôn hoà, không ai quan tâm. Nhưng một khi đốt cháy nhà thuốc CVS thì cả thế giới phải để mắt tới”, theo anh Lorenzo Boyd, giám đốc viện nghiên cứu chính sách tại Đại học New Haven.

Và cuối cùng, là nhóm hôi của.

Họ chẳng thật sự quan tâm đến mục đích thay đổi xã hội của người biểu tình. Mà họ chỉ nhân cơ hội này vơ vét của cải, làm giàu cho bản thân.

Theo NY Post, The Atlantic
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm