Những cuộc biểu tình ở Hồng Kông vẫn kéo dài. Tuy được mạng xã hội tung hê, ví von tựa như sự đấu tranh giữa “kẻ tí hon” (cư dân Hồng Kông ủng hộ chế độ dân chủ) và “gã khổng lồ” (chính phủ Trung Quốc). Nhưng thực chất nó không mang lại lợi ích cho ai, đặc biệt là những người đang biểu tình.
Cập nhật tình hình biểu tình ở Hồng Kông
Hồng Kông là một quốc đảo đặc biệt. Sau 150 năm trực thuộc Anh Quốc, người dân nơi đây có điều kiện kinh tế, trí thức, học vấn cao. Khi được chính phủ Anh trả về cho Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông vẫn giữ vững vị thế của mình. Nhất là vì Trung Quốc phải chấp nhận chế độ “Một quốc gia, Hai xã hội” trong 50 năm. Cho phép quốc đảo có hệ thống tiền tệ và luật pháp riêng, tách biệt khỏi Đại Lục.
Tuy nhiên, người dân Hồng Kông ngày càng cảm thấy áp lực. Kỳ hạn 50 năm của chế độ “Một quốc gia, Hai xã hội” chưa đến, nhưng chính phủ Trung Quốc đã có nhiều động thái mạnh tay trong việc thay đổi luật pháp tại quốc đảo. Chưa kể, sự phân chia giàu, nghèo trong xã hội Hồng Kông khiến nhiều người dân có một cuộc sống rất tạm bợ và bấp bênh. Họ không thể mua nhà cửa, đi du lịch hay sở hữu những món đồ đắt tiền được trưng bày trên các con đường nơi họ sống và làm việc.
Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một cuộc biểu tình dai dẳng. Một cuộc biểu tình chứng minh cho sự bất an của người dân Hồng Kông.
Sự việc thêm trầm trọng khi sân bay quốc tế Hồng Kông ngưng trệ hoạt động. Hàng loạt chuyến bay bị hủy bỏ, hay trễ nải đến cả 10 tiếng đồng hồ. Cho dù tòa án Hồng Kông đã yêu cầu người biểu tình rời khỏi sân bay; và các hoạt động hồi phục quy trình vốn có; sự việc này đã khiến tiếng tăm của Hồng Kông trên thương trường quốc tế thêm tệ hại.
Từng nắm giữ 5% doanh thu toàn cầu của giới thời trang xa xỉ
Muốn bán được thời trang cao cấp, các thương hiệu phải có cửa hàng tại những thành phố lớn. Top 10 kinh đô thời trang thế giới, như Paris; New York; London… mang lại 1/5 lượng hàng xa xỉ được bán ra mỗi năm.
Cách đây không lâu, Hồng Kông là một trung tâm như vậy. Quốc đảo nhỏ này chiếm 5% tổng doanh thu bán hàng xa xỉ toàn cầu. Sánh ngang với Paris. Tuy nhiên, năm nay, chắc chắn con số này sẽ thay đổi.
Nhiều người so sánh bạo loạn tại Hồng Kông với biểu tình áo vàng tại Pháp. Cuộc bạo loạn làm rúng động Paris ngay cuối năm 2018, đúng vào mùa mua sắm cao điểm. Nghiên cứu từ công ty tư vấn tài chính RBC Capital Markets cho thấy, doanh thu tại Pháp đã giảm 10% vì bạo loạn. Hồng Kông cũng đang nằm trong tình trạng tương tự.
Hiệp hội Bán lẻ Hồng Kông ước tính: thay vì có sự tăng trưởng thì cuối năm 2019, ngành bán lẻ sẽ giảm hơn 10%.
Khác với cuộc biểu tình áo vàng tại Paris, những người tham gia biểu tình tại Hồng Kông ôn hòa hơn. Họ không đập phá các cửa hàng cao cấp. Tuy nhiên, họ bao vây đường phố trung tâm, nơi các thương hiệu quốc tế thuê mặt bằng. Các cửa hàng không thể mở cửa kinh doanh. Cũng như không ai có tâm trạng đi mua sắm.
Những thương hiệu bị ảnh hưởng nặng nhấtTheo thông số từ ngân hàng UBS, tập đoàn Richemont bị ảnh hưởng nặng nhất. Vì 11% tổng doanh thu toàn cầu của tập đoàn đến từ Hồng Kông. Tiếp đó là tập đoàn Swatch, sở hữu các thương hiệu như Blancpain, Omega, Breguet và Harry Winston (10%). Và Burberry (9%). Những cái tên khác bao gồm Hermès, Moncler, Prada, Tod’s, Ferragamo. Cùng những thương hiệu trực thuộc tập đoàn Kering và LVMH. |
Khi Hồng Kông đối đầu với Đại Lục
Đây không phải lần đầu tiên dân Hồng Kông xuống đường biểu tình chống đối chính phủ Trung Quốc. Chúng ta hẳn còn nhớ “cách mạng ô dù” của năm 2014. Lúc ấy, tuy kinh tế Hồng Kông đình trệ khoảng 3 tháng, nhưng nó đã mau chóng khởi sắc lại. Nhiều người hy vọng tình hình hiện tại cũng sẽ cải thiện như vậy.
Tuy nhiên, năm 2019, bối cảnh Hồng Kông khác vô cùng. Vì số lượng du khách từ Đại Lục đến Hồng Kông mua sắm ngày càng giảm.
Năm ngoái, sức mua sắm từ khách du lịch mang lại 80% doanh thu ngành hàng xa xỉ tại Hồng Kông. Trong số đó, rất nhiều du khách đến từ Đại Lục. Không thể phủ nhận, tuy người dân Hồng Kông bất mãn với chính phủ Trung Quốc, nhưng họ phụ thuộc khá nhiều vào doanh thu đến từ khách Đại Lục. Mối quan hệ phức tạp này càng thêm phức tạp vì cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
(1) Du khách Đại Lục bất mãn với thái độ của người Hồng Kông
Khi bạo loạn ở Hồng Kông diễn ra, các tờ báo Trung Quốc đã nhanh chóng hô hào thái độ “ghét bỏ” Đại Lục của người Hồng Kông. Động thái này khiến dân Đại Lục tức giận. Họ cho rằng người Hồng Kông “cứ ảo tưởng mình là người Anh” và “không chấp nhận sự thật”.
(2) Quốc đảo này đã trở nên “nhàm chán” trong mắt khách du lịch Đại Lục
Sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu dẫn đến việc mở cửa nhiều đường bay mới. Hành khách nay có thêm rất nhiều lựa chọn để đi du lịch. Nào là đi nắm quang cực ở Phần Lan. Đi lặn biển ở đảo Galapagos. Hay thám hiểm Nam Cực. Hồng Kông vô hình chung bị xem là một nơi du lịch cũ kỹ.
(3) Mua sắm tại Hồng Kông trở nên đắt đỏ
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang tụt giá, vì cuộc chiến tranh xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này vô hình chung khiến cho giá cả hàng hóa tại Hồng Kông trở nên khá đắt đỏ. Vì đồng đô-la Hồng Kông được neo theo đồng đô-la Mỹ.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng đã ký kết để giảm thuế nhập khẩu hàng xa xỉ vào Đại Lục. Các thương hiệu cũng thiết kế nên nhiều bộ sưu tập độc quyền cho Đại Lục. Như vậy, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng có nhiều lựa chọn mua sắm mà không cần đến Hồng Kông.
Liệu Hồng Kông có tìm lại được vị thế?
Điều quan trọng là Hồng Kông phải nhanh chóng tìm cách kết thúc bạo loạn, để tạo sự an tâm cho khách đến đây. Nếu sự việc kéo dài quá lâu, các công ty sẽ buộc phải tìm một địa điểm khác để đặt trụ sở, nhằm hoạt động yên ổn hơn.
Nếu không cẩn thận, Hồng Kông sẽ mất đi các nhà đầu tư về Thượng Hải và Thâm Quyến, nơi đang được chính phủ Trung Quốc xây dựng thành địa điểm sống sang trọng. Và mất đi sức hấp dẫn với khách du lịch, những người góp phần tạo nên nền kinh tế cho quốc đảo này.
Theo BOF
Harper’s Bazaar Việt Nam