Bạn “thấy gì” khi soi gương?

Có ai không muốn thấy hình ảnh đẹp của mình khi soi gương? Tuy nhiên, ám ảnh hay chấp nhận những gì thấy trong gương, phải chăng là tùy cách nhìn?

Bà hoàng hậu độc ác trong chuyện cổ tích Bạch Tuyết và bảy chú lùn là một người nghiện soi gương. Mỗi khi bà hỏi: “Gương kia ngự ở trên tường, Nước ta ai đẹp được dường như ta?”, gương thần đã đem đến điều bà muốn nghe, rằng bà là người đẹp nhất.

Đó là một tâm lý rất thường tình của phụ nữ. Có ai không muốn thấy hình ảnh đẹp của mình! Theo một nghiên cứu tại Anh, phụ nữ dành đến 120 giờ mỗi năm để ngắm nghía mình trong gương. Theo đó, lượng son các quý cô ở Anh dùng trong một ngày có thể vẽ một đường thẳng từ London đến New York.
Thế nhưng, mối quan hệ giữa chiếc gương và chủ nhân của nó chẳng đơn giản như vậy.

Chiếc gương không phải là “bà chủ” của bạn

Mâu thuẫn xảy ra khi một ngày nọ, quý cô soi gương và phát hiện trên mặt mình đã xuất hiện nếp nhăn, da dẻ bắt đầu sạm đi và vô số những dấu hiệu lão hóa khác. Khi nhìn vào gương, lúc ấy, tất cả chỉ là những ám ảnh và hoang mang. Không ít người đã chọn cách từ bỏ chiếc gương để tìm lại sự tự tin vốn có.

Kjerstin Gruys, 29 tuổi, nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại San Francisco, Mỹ, đã quyết định loại tất cả gương ra khỏi cuộc sống trong một năm. Quyết định này được cô đưa ra khi chuẩn bị làm đám cưới. Sau một năm thử nghiệm, Kjerstin đã chia sẻ rằng cảm giác thiếu vắng chiếc gương ban đầu đã tan biến. Thay vào đó là sự tự tin và hoàn toàn tự do. Cô không phải lo lắng liệu hôm nay mình có ổn không. Tất cả những gì cô quan tâm là bản thân mình cảm thấy thế nào chứ không phải mình trông ra sao. Kjerstin Gruys nói: “Bởi vì chúng ta có nhiều thứ hơn là vẻ bề ngoài để chứng minh cho thế giới”.

Một nghiên cứu khác của Đại học Staffordshire, Anh, cũng thú vị không kém. Họ tổ chức một buổi tập thể dục trong những căn phòng đầy gương nhưng đã được phủ khăn che kín. Kết quả là buổi tập thu được kết quả tốt hơn hẳn. Mọi người cảm thấy thoải mái hơn trong lúc tập mà không có cảm giác bị dò xét. Trong một thử nghiệm khác, nhà văn nữ người Mỹ tên Autumn Whitefield–Madrano đã quyết định không soi gương nữa. Nhìn lại quá trình “cai gương” đó, cô bảo mình hoàn toàn được giải phóng khỏi tâm trạng hỗn loạn mà chiếc gương đem lại. Autumn chia sẻ: “99% những lần soi gương, chúng toàn cho chúng ta biết những điều mà chúng ta chẳng muốn biết”.

Bạn biết không, bản thân tôi một thời cũng hạn chế sử dụng gương, đặc biệt là những chiếc gương cầm tay. Đơn giản vì chúng đóng khung gương mặt tôi lại và tôi chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết vặt vãnh. Điều này khiến tôi lo lắng. Trong khi đó, lẽ ra tôi phải nghĩ rằng nếu đặt trong tổng thể với mái tóc, trang phục, dáng điệu của mình, “chuyện nhỏ” của gương mặt hoàn toàn chẳng đáng là bao. Từ đó, tôi không nhìn chằm chằm vào những chiếc gương nữa mà chỉ “soi vừa đủ” để xem mình có ổn không. Tôi không nghĩ rằng trước khi đi gặp một đối tác quan trọng, gặp gỡ bạn bè hay đơn giản là đến công ty, ngồi vào chiếc ghế sếp mà không soi gương là một ý hay.
Bạn vẫn nên soi gương, nhưng đừng để nó trở thành bà chủ của bạn!

Nhận diện và xây dựng hình ảnh bản thân

Nghĩ một cách khác, nhìn vào hình ảnh mình phản chiếu trong gương là cách để bạn nhận diện rõ bản thân. Vì thế, việc trốn chạy những chiếc gương chỉ là cách phủ nhận và tránh né sự thật mà thôi. Thay vào đó, bạn nên chấp nhận những gì nhìn thấy trong gương và tìm cách để tranh đấu với chúng. Tuy nhiên, bạn không cần phải cố gắng vượt qua suy nghĩ tiêu cực bằng mọi cách. Đôi khi, hãy để nó chiến thắng và tò mò về những gì mình thấy. Nhờ đó, bạn có thể nuôi dưỡng một thái độ biết chấp nhận thực tế để chung sống hoà bình với nó.

Tôi rất thích một câu nói của Richard Bach: “Nhìn vào gương và hãy khẳng định một điều, những gì chúng ta thấy không cho thấy chúng ta là ai”. Tất cả những gì bạn thấy, từ nếp nhăn, vòng bụng quá khổ, làn da kém sắc xuân không đủ để nói lên bạn là ai. Bạn biết không, khi đi làm, ngồi cạnh tôi là những cô gái tuổi đôi mươi căng tràn sức sống và rất xinh đẹp, trẻ trung. Có thể bạn không tin nhưng tôi phớt lờ tất cả. Tôi chỉ mỉm cười và nghĩ, tôi hơn các cô gái trẻ nếp nhăn nhưng đồng thời cũng hơn họ những trải nghiệm và sự thâm trầm. Mỗi dấu hiệu lão hóa xuất hiện là lúc tôi nhận ra mình học hỏi được nhiều hơn từ cuộc sống. Và nhờ thế, tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi nhìn mình trong gương, đôi khi còn điên rồ nghĩ rằng: “Hẳn các cô gái trẻ sẽ ganh tỵ với những nếp nhăn vô cùng giá trị của mình”.

Bette Davis, nữ diễn viên điện ảnh và kịch nghệ của Mỹ nổi tiếng một thời từng nói: “Những diễn viên giỏi mà tôi làm việc chung thường tập diễn trước gương, còn bạn hãy tập diễn ngoài đời”. Nhìn vào gương là cách để bạn tự huấn luyện mình để có một nụ cười đẹp, một phong thái lịch lãm hay đơn giản là bạn ngồi thế nào để trông ấn tượng hơn.

Cuối cùng, đối diện với thực tế còn là cách rèn luyện cho bạn tính tranh đấu, một phẩm chất cần thiết của phụ nữ hiện đại. Nhìn hình ảnh của mình qua gương không đơn giản chỉ để thấy mình trong sự phản chiếu. Nhận diện rõ bản thân sẽ giúp bạn tìm được cách tối ưu hóa lợi thế của mình và làm hạn chế điểm yếu. Bạn sẽ trở nên mạnh nhất khi bạn chiến thắng bản thân. Như thế, bạn có thể nhận ra cách xây dựng hình ảnh của bản thân theo cách lành mạnh và có ích, giúp bạn tự tin hơn. Khi ấy, bạn không chỉ đẹp hơn trong gương, mà còn sẽ “đẹp hơn trong mắt ai”.

Bài: Vân Giang. Ảnh: Corbis

Xem thêm