Trong phim Thục Cẩm Nhân Gia, Đàm Tùng Vận vào vai nữ chính Quý Anh Anh mạnh mẽ vượt chông gai để kinh doanh tơ lụa và gấm Thục (Thục Cẩm).
Quá trình kinh doanh của Quý Anh Anh không dễ dàng chút nào. Thời nhà Đường, gái chưa chồng tham gia kinh doanh và đứng cửa hàng bị gọi là không đoan chính. Chưa kể, lúc Quý Anh Anh lập nghiệp thì Quý gia không còn sung túc, thậm chí nợ rất nhiều tiền bạc. Muốn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nữ chính phải làm gì? Những ai đang có ý định khởi nghiệp kinh doanh có thể học nhiều mẹo khôn ngoan từ nhân vật Quý Anh Anh.
7 bí quyết kinh doanh của nữ chính phim Thục Cẩm Nhân Gia ai cũng có thể áp dụng
1. Hiểu người hiểu ta, trăm trận trăm thắng.
Quý Anh Anh là người thông minh, nhưng cô cũng ham học. Cô thích quan sát những người xung quanh và từ đó đưa ra quyết định hành xử.
Ví dụ, trong tập 1, Quý gia bị Vương chưởng quỹ ép giá mua tơ. Bởi Hoa gia là chủ nợ lớn nhất của Quý gia, nhiều lần lấy lý do trả nợ để ép giá tơ của Quý gia, hành vi này đã khiến Quý Anh Anh tức giận tột độ. Nếu đối phương không tuân thủ quy tắc, thì đừng trách cô ấy dùng thủ đoạn trả đũa. Quý Anh Anh liền đóng cửa thả chó, khiến chưởng quỹ Hoa hoảng sợ đến mức phải không còn tâm trí nào ép giá mua tơ nữa.
Đến khi Quý Anh Anh muốn lập hội lập phường, cô đã lừa vị quốc công gia của thành Ích Châu vào tròng “Hội trưởng danh dự Hội Nhuộm Tơ”. Anh chàng này tính cách háo thắng nhưng nội tâm lương thiện, một khi đã yêu thích ai thì sẽ hết lòng giúp sức. Từ kẻ ăn chơi trác táng, chẳng có thành tựu gì, hắn bỗng chốc có được một danh phận vang dội, lập tức ngoan ngoãn phối hợp diễn xuất và hỗ trợ cô.
Tóm lại: Tìm hiểu trước tính cách và sở thích của đối tác có thể giúp bạn đàm phán thành công. Mưu mẹo này có thể được áp dụng trong bất kỳ tình huống nào, đối với cả đối tác hay kẻ cạnh tranh.
2. Kinh doanh phải có đồng minh tốt, bởi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Ngành gấm tại thành Ích Châu bị thống trị bởi Hoa gia, Vương gia và Triệu gia. Trong số những gia đình này, Quý gia đặc biệt có hiềm khích với Hoa gia. Nhưng hai anh em Quý gia cũng hiểu rằng rất khó để một mình lật đổ sự thống trị của họ. Hoa gia có thể chèn ép các phường nhuộm nhỏ hơn vì họ đã gầy dựng tiếng tăm như một phường dệt tơ nổi tiếng.
Do đó, Quý Anh Anh vận động những đồng bạn có tài nhuộm tơ khác, kêu gọi họ cùng chung sức. Mỗi người với một sở trường, một màu tơ độc đáo, cùng nhập bọn sẽ có thể tạo ra một phường nhuộm đủ lớn để đối đầu với Hoa gia.
3. Tuy nhiên, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào kẻ khác.
Có đồng minh tốt là điều cần thiết, nhưng khi kinh doanh, bạn phải sở hữu một điều gì đó độc nhất vô nhị, cho dù đó là sản phẩm (sợi tơ Thục đỏ), kỹ năng (dệt gấm), công nghệ (chế tác ra màu nhuộm độc đáo), v.v. “Con người có thể đón nhận sự giúp đỡ của người khác, nhưng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào điều đó”, Quý Anh Anh đã nói điều đó.
Nữ chính Thục Cẩm Nhân Gia đã nhận ra điều này sau khi bố cô bị sát hại. Quý gia từng là nhà của Vua Gấm ở Ích Châu, nhưng ngay khi ông qua đời thì gia đình cũng bị rẻ rúng và xem thường. Từ lúc đó, cô gái nhỏ đã biết phải tự lực cánh sinh chứ không thể nhờ vả vào lòng thương hại của người khác ở mọi sự, không chỉ riêng trong kinh doanh.
4. Kinh doanh phải biết quảng cáo.
Bộ phim Thục Cẩm Nhân Gia cho thấy rằng từ thời cổ đại, người xưa đã biết rằng phải quảng cáo cho sản phẩm chứ không thể cứ ra mắt sản phẩm rồi hy vọng khách hàng sẽ đến. Sở dĩ Quý Anh Anh thành công trong kinh doanh vì cô hiểu được tầm quan trọng của quảng cáo. Xuyên suốt phim Thục Cẩm Nhân Gia, bạn sẽ thấy nhiều phương thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ rất linh hoạt của cô.
Ví dụ, thay vì chỉ bán tơ, cô sẽ dệt tơ thành hà bao (túi tiền) với những câu chúc cầu may. Hoặc, khi bị Triệu thái lão ra đề phải giúp nhà họ Triệu bán hết phần tơ cũ trong nhà kho, cô đã nghĩ ra giải pháp là bán túi mù may mắn. Trong những hộp, có hộp đựng tơ giá rẻ, có hộp đựng hà bao được may tinh xảo. Ý tưởng của cô thu hút nhiều người quan tâm vì mang đến cảm giác hồi hộp và kích thích không khác gì đánh bài. Nhận thêm sự trợ giúp của công tử thứ hai nhà họ Triệu, sự kiện mở hộp mù của Quý Anh Anh diễn ra rất thành công, và sợi tơ cũ cũng đã được bán hết sạch.
5. Phim Thục Cẩm Nhân Gia cho thấy khi kinh doanh phải biết linh hoạt ứng xử.
Trong phim Thục Cẩm Nhân Gia, anh trai và Mẹ của Quý Anh Anh đại biểu cho suy nghĩ cũ về làm kinh doanh: chỉ làm gì mình đã quen làm, hành xử đoan chính, và phải chiều lòng khách hàng trên hết cho dù bản thân nhận về phần thiệt. Ngọc Nương đã nói rằng
Trong khi đó, Quý Anh Anh và người bố quá cố đại diện cho trường phái tân tiến. Họ liên tiếp nghĩ ra những cách phát triển màu sắc mới trong tơ nhuộm, phương thức mới để quảng bá sản phẩm. Họ cũng theo phương châm “chỉ nói lý với kẻ nói lý”, có nghĩa là hãy dồn năng lượng đối đáp người làm điều tốt với mình và từ chối không tiếp đón người có ý đồ xấu. Ngày nay, rất nhiều hộ làm kinh doanh cũng treo biển “có quyền đuổi khách khi muốn”, phản ánh suy nghĩ tân tiến của nữ chính Thục Cẩm Nhân Gia.
6. Và khi cần liều lĩnh thì phải liều, vì thời cơ thoảng qua trong chớp mắt.
Trong phim Thục Cẩm Nhân Gia, tôi rất tâm đắc câu nói của Quý Anh Anh: “Bao năm qua ta luôn chờ một thời cơ. Nguy cơ cũng là cơ hội.” Người quá cẩn trọng, như anh trai của Quý Anh Anh, sẽ không dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Ngược lại, Quý Anh Anh ngày một phát đạt vì cô luôn biết nắm bắt thời cơ. Cho dù đó là khiêu khích Cẩm quan để nhận được cơ hội mở suối Hoa Khê để được giặt tơ, chấp nhận lời thách bán tơ hỏng từ nhà họ Trịnh chỉ để nhận cơ hội tham gia đấu Phương Phi, dám thách thức Trịnh bá mẫu,… Mỗi bước đi của Quý Anh Anh đều là sự liều lĩnh.
Trên hết, sự liều lĩnh đến từ việc Quý Anh Anh dám đứng ra kinh doanh. Ở thời nhà Đường, tuy luật lệ cho phụ nữ đã rất cởi mở, nhưng chỉ có phụ nữ đã có chồng như Hoa chưởng quỹ, Dương phu nhân mới có thể lập hộ kinh doanh. Ngược lại, thiếu nữ chưa chồng như Quý Anh Anh bị bàn tán, xét nét khi suốt ngày bôn ba đi tìm cách chấn hưng gia tộc. Dẫu vậy, nếu không liều lĩnh thì cô biết cả mẹ và anh trai sẽ không bao giờ tìm được đường thoát ra khỏi cảnh nợ nần.
7. Cuối cùng, vượt qua bản thân chính là bí quyết thành công quan trọng nhất
“Làm ăn cũng như cược bài lá, nếu huynh không đoán được át chủ bài của đối thủ là gì, chỉ có thể làm át chủ bài của mình trở nên mạnh hơn”, Quý Anh Anh nói với anh trai như vậy.
Giai đoạn đầu bộ phim Thục Cẩm Nhân Gia như một hành trình chữa lành tâm lý của nữ chính. Khi còn nhỏ, cô bé nhìn thấy cảnh cha bị mình sát hại nên phát triển nỗi ám ảnh tâm lý với màu đỏ. Oái oăm thay, sợi tơ đỏ lại là bí quyết gia truyền của nhà họ Quý. Không thể nhuộm ra sợi tơ đỏ, cô không thể chấn hưng gia tộc.
Dẫu vậy, khác với những nữ chính trong những câu chuyện có khởi đầu bi thảm, Quý Anh Anh không chọn con đường chịu đựng hay lẩn trốn một cách âm thầm. Sự lạc quan, sự dũng cảm của cô, đi tìm sự may mắn và cơ hội trong nghịch cảnh, chính là đức tính tốt mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể học tập. “Nếu cô ấy biết chữ bỏ cuộc, đã không phải là Quý Anh Anh”, Dương Tĩnh Lan (Trịnh Nghiệp Thành thủ vai) đã nói như vậy.
TIN LIÊN QUAN:
QUÝ ANH ANH, NỮ CHÍNH THỤC CẨM NHÂN GIA NHẬP HỘI NỮ CƯỜNG CỔ TRANG
THỤC CẨM NHÂN GIA HỒI SINH SỰ QUAN TÂM ĐẾN DI SẢN GẤM THƯỢNG HẠNG TRUNG HOA
THỤC CẨM NHÂN GIA ĐÀM TÙNG VẬN ĐÓNG CÓ HAY KHÔNG?
Harper’s Bazaar Vietnam