Bách Hoa sinh phú quý bừng nở trên những tạo tác gốm Biên Hòa

Bách Hoa là một trong những đề tài trang trí “có tuổi” nhất trong lịch sử gốm Biên Hòa. Đằng sau đó là những câu chuyện nhấn mạnh về di sản cộng đồng lâu đời và tầm quan trọng của loại gốm này trên thị trường xuất khẩu.

Những ngày đầu năm, chúng tôi ghé thăm xưởng của công ty Gốm Biên Hòa trong không khí se lạnh ven sông Đồng Nai.

Từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe thấy tiếng ông Hảo, nghệ nhân tạo hình, đang vuốt tay làm nên một bình cắm hoa dáng thuôn. Khi quan sát, tôi bị cuốn vào công việc của ông. Người nghệ nhân 61 tuổi nhào đất sét trên đất, sau đó thoăn thoắt vuốt. Ông hoàn thành một bán thành phẩm trên bàn xoay chỉ trong vài phút.

Ngoài ông Hảo còn 14 nghệ nhân nữa của xưởng. Họ đã miệt mài từ sớm. Theo anh Mai Thanh Xin, giám đốc công ty, đây là nhà xưởng “trẻ”, với những nghệ nhân chủ yếu từ 30−50 tuổi. Còn một nhà xưởng khác gồm những nghệ nhân đã trên 50 tuổi vẫn không hề nguội nhiệt huyết với nghề truyền thống.

Chúng tôi được nhìn tận mắt, sờ tận tay các tác phẩm điểm Bách Hoa đầy mê hoặc. Loại hoa văn này đã làm nên danh tiếng rực rỡ cho dòng gốm, thể hiện triệt để hai thủ pháp trang trí đặc trưng nhất của gốm Biên Hòa là khắc chìm và chấm men, đồng thời in dấu sự giao hòa văn hóa, công nghệ Á – Âu.

Nhân chứng cho lịch sử giao lưu công nghệ và văn hóa Á – Âu

bzvn-gom-bien-hoa

Trên hình là bộ ấm chén trà có hoa văn Bách Hoa kết hợp với men xanh đồng trổ bông (Vert de Bien Hoa). Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Trong dân gian, hoa văn Bách Hoa song hành cùng quan niệm “Bách Hoa sinh phú quý”, lấy sức sống trăm hoa bừng nở để cầu chúc sự đủ đầy, sung túc cho người sở hữu. Ý nghĩa tốt đẹp đó khiến đề tài trang trí Bách Hoa xuất hiện trên nhiều loại gốm của đất nước. Song, lối trang trí này nổi trội nhất khi gắn với gốm Biên Hòa, một dòng gốm tuy chỉ mới 102 tuổi nhưng nhiều thành tựu.

Nếu nói về gốm gia dụng đặc trưng cho phong cách Nam Bộ thì gốm Biên Hòa sánh ngang hàng với gốm Cây Mai và gốm Lái Thiêu. Nhưng nếu xét riêng về gốm cao cấp mang tính nghệ thuật và trang trí trong khu vực thì chỉ có Biên Hòa. Những tạo tác xuất phát từ nơi đây nổi bật nhờ hình dáng, bố cục, nội dung hoa văn đa dạng, bảng màu và sắc độ đề tài trang trí phong phú.

Bách Hoa là một trong những hoa văn lâu đời và nổi trội nhất trong lịch sử dòng gốm vì thể hiện được rất rõ thủ pháp trang trí khắc chìm, chấm men làm nên sự khác biệt cho gốm Biên Hòa. Loại hoa văn này dàn trải khắp thân sản phẩm như vải hoa, được ứng dụng trong hầu hết các tạo hình từ bình trà đến tượng. Chiếc đôn sứ dùng để bày chậu hoặc ngồi là dòng sản phẩm bán rất chạy khi được tô điểm hoa văn Bách Hoa.

Đôn gốm Bách Hoa, sản phẩm bán chạy của công ty. Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Tính mỹ thuật rực rỡ, sinh động trong hoa văn Bách Hoa trên gốm Biên Hòa ngày nay chứa đựng trong đó một di sản về công nghệ và nghệ thuật.

Năm 1903, Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được thành lập với ba ban chuyên dạy các nghề: mộc − rèn − gốm − đồng. Đến năm 1923, ông bà Robert và Mariette Balick từ Pháp sang làm việc. Ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, còn bà là trưởng ban gốm. Họ đã mang đến nhiều thay đổi về làng nghề gốm truyền thống tại vùng này.

h2-chan-dung-ong-ba-balick-7359 (1)

Ông Robert Balick (phải) và bà Mariette Balick (trái). Ảnh: Nguyễn Minh Anh sưu tầm

Bà Balick nhận ra nước men Pháp tươi sáng không tương thích với kỹ thuật chế tác gốm bản địa. Cùng với các nghệ nhân của trường, họ đã thử nghiệm những nguyên liệu địa phương như đá trắng An Giang, tro rơm, tro củi, thủy tinh, đá ong mạt đồng và bột màu. Thành quả là loại men tự chế vô cùng rực rỡ trên nền gốm Việt như men ta (tạo ra chủ yếu từ tro) hay là men đá đỏ (tạo ra từ đá đỏ Biên Hòa và tro). Nổi bật nhất là men xanh với những mảng màu đồng lấm tấm, nhờ kết hợp độ hỏa biến của ô-xít đồng pha trong men tro, đặt tên là men xanh đồng trổ bông. Kỹ thuật nung gốm cũng được cải thiện. Việc nhìn khói để đoán định xem gốm sống hay chín chuyển thành phương pháp dùng đồng hồ lửa đo đạc ở các mắt lò nung, để da men gốm lăng đều, có màu sắc đẹp.

Theo thời gian, các nghệ nhân gốm tiếp tục tìm ra những điểm cải biến màu sắc từ gốm xưa. Nhiệt độ nung trước đây là khoảng 1.2800C dễ làm trầm đi một số màu sắc, đã giảm xuống còn từ 800−1.2000C. Chì, thường dùng để giảm nhiệt độ khi nung ở mức quá cao, cũng được loại ra khỏi quá trình sản xuất sau khi đã điều chỉnh nhiệt độ. Chính vì vậy, gốm Biên Hòa mạnh về phần xuất khẩu qua các nước châu Âu vì an toàn cho người dùng.

bzvn-gom-bien-hoa-hoa-van-bach-hoa (1)

Bộ đựng bánh mứt trang trí hoa văn Bách Hoa xưa có sắc độ trầm hơn so với bộ ấm trà trang trí hoa văn Bách Hoa nay. Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Bà Balick góp phần hoàn thiện tính thẩm mỹ cho gốm, trong khi ông Balick đưa danh tiếng của gốm đi xa. Dòng gốm này nhận được nhiều huy chương và bằng khen khi tham gia các cuộc thi đấu về độ tinh xảo ở Paris (Pháp) vào năm 1925 và 1933, Nagoya (Nhật Bản) vào năm 1937, hay Batavia (Indonesia) năm 1934. Riêng men xanh đồng trổ bông có tên trong từ điển Pháp là Vert de Bien Hoa, biến Biên Hòa thành vùng duy nhất tại Việt Nam có men được trao danh xưng quốc tế.

bzvn-hoa-van-bach-hoa-tren-gom-bien-hoa (3)

Bình trang trí hoa văn Bách Hoa trên nền men xanh đồng trổ bông. Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Gốm Biên Hòa tại những địa điểm nổi tiếng

Chợ Bến Thành: 12 bức phù điêu trang trí trên bốn cửa chính của chợ Bến Thành được làm từ gốm Biên Hòa, phủ lên hai màu men là men trắng ta và men xanh đồng trổ bông. Đây là tác phẩm được nhà thầu chợ Bến Thành đặt Trường Mỹ nghệ Biên Hòa làm năm 1952, do thầy Lê Văn Mậu sáng tác, và do các nghệ nhân Nguyễn Trí Dạng, Võ Ngọc Hảo và Phạm Văn Ngà gắn lên. Trên những bức phù điêu là các sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phù điêu có những đường hở bởi chúng được ghép từng tấm, thay vì làm một bức khép kín, nhằm tránh vênh méo trong quá trình nung ở nhiệt độ cao. Mất khoảng hai tháng để ghép từng tấm.

Dinh Thống Nhất: Trong dinh trưng bày nhiều gốm Biên Hòa. Nổi bật là chiếc lộc bình hoa mai phong có men xanh đồng trổ bông trong phòng ngủ Tổng thống, hay đèn làm việc nối với tượng ông Thọ trong thư viện ở tầng 3.

Bách Hoa − Bách Bản

Để làm ra một tác phẩm gốm, người nghệ nhân đi qua bốn bước chính: Tạo hình, thiết kế, khắc chìm, chấm men. Khắc chìm và chấm men là hai thủ pháp chỉ có trong gốm Biên Hòa và trên hoa văn Bách Hoa, tinh túy và ý đồ của hai thủ pháp này được khẳng định rất rõ.

bzvn-gom-bien-hoa-hoa-van-bach-hoa (3)

Công đoạn tạo hình thực hiện bằng tay, yếu tố công năng sẽ quyết định hình dáng sản phẩm. Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Bước thiết kế bằng chì trên phần tạo hình đã được phơi khô, mài nhẵn. Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Tại bước khắc chìm, nghệ nhân biến bề mặt trơn mộc thành bức tranh trăm hoa sinh động. Họ dùng thanh kim loại để khắc theo phác thảo, chuyển nét vẽ thành những nét khắc mảnh và liên tục, uốn lượn phong phú. Những nét trang trí tinh tế đó thực tế phải được khắc rất nhanh để đảm bảo nét không đứt đoạn, nhưng đồng thời phải đủ lực nếu không sẽ bị nứt.

Từng mảng màu rõ rệt trong hoa văn trên gốm Biên Hòa có được là nhờ khắc chìm. Những đường khắc chìm phục vụ ý đồ phân tách mảng miếng trên hoa văn, đặc biệt khi khắc họa số lượng, chủng loại khác biệt của mỗi bông hoa Bách Hoa. Bởi khi nung, màu men thường sẽ bị chảy, hòa lẫn vào nhau. Đường khắc đảm bảo màu không chảy ngoài ý muốn của nghệ nhân. Trong khi đó, hiệu ứng chuyển màu trên cánh hoa nằm ở những nơi không có nét khắc chìm nhằm tái hiện nét đậm nhạt của hoa thật.

Công đoạn khắc chìm. Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Trong khâu chấm men, màu được phối theo bố cục hoa chủ rồi đến hoa xung quanh. Màu khô chỉ trong vài phút, nhưng người nghệ nhân phải đi từng lớp. Đây là công đoạn lâu nhất trong quá trình.

Bản chất thực hiện hoàn toàn thủ công đã khiến mỗi tác phẩm gốm đều có sự độc đáo nhất định, dù có sản xuất đại trà. Trong hoa văn Bách Hoa, mỗi tạo tác hoàn toàn khác biệt. Một trăm sản phẩm là một trăm phiên bản riêng, không chiếc nào giống chiếc nào. Bởi không như các vật phẩm gốm mô tả điển tích người từ tranh dân gian, đòi hỏi phải chấm men đúng với tranh, lượng hoa dày đặc khiến màu trên các tạo tác gốm Bách Hoa lệ thuộc vào tư duy phối màu của nghệ nhân. Họ đồng thời phải thao tác thật nhanh để kịp với tốc độ khô của màu, nhưng cũng phải khéo léo pha màu cho hài hòa và kéo đường men sao cho không tràn ra ngoài đường khắc.

Công đoạn chấm men. Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Mỗi bước làm gốm Biên Hòa, đặc biệt là hoa văn Bách Hoa, đều mang theo dấu ấn độc đáo của từng người thợ. Vì thực hiện bằng tay, đường khắc chìm không giống bản thảo một trăm phần trăm, việc chấm men cũng không thể giống y đúc. Sự khéo léo của bước sau sẽ khỏa lấp cho bước trước. Tựu trung, đó là xâu chuỗi cả quá trình hỗ trợ lẫn nhau giữa những nghệ nhân làm nên sản phẩm.

Mỗi ngày, các nghệ nhân tại nhà xưởng có thể hoàn tất: Khắc chìm cho 10 tác phẩm Bách Hoa, chấm men cho 5 tác phẩm. Trung bình một tháng, họ hoàn thành được 150 sản phẩm Bách Hoa đại trà.

Sức sống của lò lửa di sản gốm Biên Hòa

Ảnh: Công ty Gốm Biên Hòa

Dọc theo sông Đồng Nai có hàng chục cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa quy mô nhỏ. Thời kỳ hưng thịnh, tại đây từng có lò gốm lên đến 700 người. Từ những năm 1990 −1995, các nhà xưởng lớn lần lượt phá sản, chỉ còn lại các lò cha truyền con nối từ những nghệ nhân nặng lòng với nghề.

Công ty Gốm Biên Hòa mà chúng tôi ghé thăm có lượng nhân công hiện tại là 15 người. Đa số nghệ nhân ở giai đoạn tạo hình, khắc chìm, chấm men đều đã ở tuổi tứ tuần trở lên với ba đến bốn chục năm kinh nghiệm. Họ làm nghề từ khi mái đầu còn xanh cho đến lúc tóc ngả bạc. Bốn năm học nghề cho họ kiến thức nền, nhưng hàng chục năm làm việc trui rèn đôi tay tạo tuyệt tác.

Chúng tôi gặp được số ít những nghệ nhân trẻ, tuổi khoảng chừng 30 ở khâu thiết kế. Chúng tôi cảm thấy an lòng khi thấy nghề gốm vẫn thu hút người trẻ, nhưng lại lo lắng khi lực lượng kế cận còn ít. Sự thật là số lao động nghề gốm ở các cơ sở sản xuất tại Biên Hòa đều đã lớn tuổi, chưa có nhiều người trong thế hệ trẻ thay thế.

bzvn-hoa-van-bach-hoa-tren-gom-bien-hoa (1)

Bình trang trí đề tài Bách Hoa sản xuất bởi công ty Gốm Biên Hòa. Trình bày và ảnh: RoyalFlower.

Những năm gần đây, các kênh kinh doanh trực tuyến phát triển hơn, đồng thời nổi lên hình thức workshop thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ với di sản gốm. Điều đó phần nào mang lại hy vọng cho đầu ra của gốm Biên Hòa. Tuy nhiên, lượng người muốn theo nghề còn hạn chế.

Công ty Gốm Biên Hòa đã có đóng góp đáng kể vào việc phục dựng và làm mới các mẫu gốm thủ công Biên Hòa xưa – những sản phẩm mà ngày nay chỉ còn có thể được nhìn thấy ở các di tích thờ tự, một số ít công trình công cộng. Nhưng thực chất, công ty cũng đang thiếu lao động để mang đến sức bật lớn hơn cho mong muốn phục dựng của mình.

THÔNG TIN THÊM CHO BẠN

Các sản phẩm gốm đến từ Công ty TNHH Gốm Biên Hòa
Địa chỉ: Hẻm 101/38 Đặng Văn Trơn, P. Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251) 3950 986.

Đơn vị hỗ trợ trình bày hoa: RoyalFlower
Địa chỉ: 29 Thảo Điền, P. Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
Điện thoại: 0848 052 019.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm