Kể từ lần vụt sáng thành ngôi sao năm 1951 khi xuất hiện trên Broadway với vai chính trong Gigi; Audrey Hepburn chưa bao giờ thôi được người khác ngắm nhìn và ngưỡng mộ. Ngay cả đối với những người không sống trong thời đại nữ hoàng phòng vé của Hepburn; hẳn cũng đã ít nhất một lần từng được thấy hình ảnh biểu tượng của một trong những huyền thoại Hollywood. Ai mà chưa một lần nhìn thấy tấm áp phích của bộ phim Breakfast at Tiffany’s – điều củng cố vị thế của Hepburn như một biểu tượng phong cách – kia chứ?
Nhiều năm sau thời hoàng kim – và thậm chí sau cả cái chết của bà năm 1993 – nữ diễn viên vẫn được coi như hình mẫu của sự tinh tế. Đến tận bây giờ, niềm yêu thích dai dẳng với phong cách chưa mắc lỗi bao giờ của Hepburn vẫn hằn sâu trong ý thức của thời trang cao cấp. Mỗi tiếng nhắc đến tên bà, đều gợi lên hình ảnh của đôi mắt sáng ngời tựa đá quý; mái tóc ngắn đặc trưng trông có vẻ tinh nghịch; và bộ váy đơn giản được may đo cẩn thận chuẩn xác với thân hình.
Đối với nhiều người, mọi thứ đều bắt đầu với chiếc váy đen đó. Stylist và giám đốc sáng tạo của Harper’s Bazaar, Freddie Leiba, cho biết cảm quan thời trang của ông bắt nguồn từ chính nền tảng của Hepburn. Hình ảnh bà trong chiếc đầm của Givenchy khi đứng trước tiệm Tiffany trên đại lộ Fifth Avenue với vai diễn Holly Golightly, đã truyền cảm hứng cho công việc của ông ở tạp chí danh tiếng trong suốt những năm 1980, để cho ra đời hàng loạt ấn phẩm thời trang tôn vinh khoảnh khắc biểu tượng này.
Khi chuyển sang hai tạp chí InStyle và Allure; cùng lúc trở thành nhà tư vấn cho nhiều nhà thiết kế; hình bóng cổ điển ấy vẫn còn vang vọng mãi trong ông. “Khi bạn nghĩ về nó, đó là điều đơn giản nhất bạn có thể mặc”, Leiba giải thích. “Một cách tình cờ, bạn đeo lên đôi hoa tai kim cương – mặc trên người chiếc đầm đơn giản nhất – và nó đột nhiên trở thành một bộ đầm cocktail. Một cuộc chuyển tiếp ngoạn mục.”
>>> Đọc thêm: 5 bộ phim hay nhất của Audrey Hepburn bạn không thể bỏ lỡ
Holly Golightly, tất nhiên, chỉ là một vai diễn. Vì vậy, bộ váy Givenchy trở thành hiện thân của diễn viên Audrey. Phong cách cá nhân của Hepburn và tủ quần áo trên màn hình của cô đã được hoà lẫn vào nhau. Theo Leiba, Hepburn đã cộng tác với các nhà thiết kế để thể hiện xuất sắc mảng phục trang trên phim. “Những người này”, Leiba nói về các nhà thiết kế trang phục và làm tóc cho Hepburn, “rất được tin tưởng. Họ vô cùng quan tâm đến việc làm cho cô ấy cảm thấy phù hợp với bộ phim.”
Bên cạnh đó, khác với những diễn viên khác; Audrey Hepburn cố gắng trở thành một phần của quá trình thiết kế ngay từ những ngày đầu. Trong cuốn tiểu sử Enchantment: The Life of Audrey Hepburn, tác giả Donald Spoto cho biết, trong bộ phim Roman Holiday – cú đột phá lớn đầu tiên của Hepburn ở Hollywood, Audrey đã gửi lại bản phác thảo trang phục của Edith Head với những lời gợi ý: “phong cách cổ áo cần đơn giản hơn, thắt lưng rộng hơn và giày dép thấp hơn để phù hợp với những cuộc chơi rực rỡ quanh thành Rome.”
Sự tham gia của Hepburn trong việc tạo ra những bộ phục trang vẫn tiếp tục trong suốt sự nghiệp dài sau đó. Sự kiểm soát của cô đối với cách mà nhân vật cô ăn mặc bắt nguồn từ sự hiểu biết về chính nhân vật ấy. “Đơn giản là Audrey biết được loại đồ nào phù hợp với cô và tính cách của cô. Cô có một sự tự tin cẩn trọng trong việc lựa chọn trang phục; điều mà cô không phải luôn luôn có với tài năng của mình”, Spoto tiếp tục. Và, điều này càng được chứng thực rõ hơn trong lần đầu tiên nữ diễn viên gặp Hubert de Givenchy năm 1953.
Vào lúc đó, Hepburn đang đi đến Paris để thực hiện phục trang cho bộ phim Sabrina. Sau một vài nhầm lẫn nhỏ về danh tính diễn viên; Givenchy nghĩ mình nên chào đón Katharine Hepburn ở văn phòng làm việc. Và bà đã xuất hiện tại Rue de Alfred de Vigny ở Paris để gặp nhà thiết kế. Đó không phải là thời điểm hoàn hảo; nhất là khi ông đang trong giai đoạn khổ sở dưới áp lực tạo nên bộ sưu tập thứ tư. Nhưng, dưới sự khăng khăng của Hepburn; Givenchy đã đưa ra một số mẫu từ mùa mốt trước. Và những gì diễn ra sau đó đã trả lời tất cả.
Từ rất lâu trước khi loại cổ áo của bộ đầm đen trong Breakfast at Tiffany’s được gọi là cổ áo Sabrina (theo tên nhân vật trong vai diễn đầu tiên của Hepburn), nó đã được biết đến với cái tên cổ thuyền, và theo như những gì Givenchy hồi tưởng trong cuộc phỏng vấn với Vanity Fair, Hepburn bị cuốn hút “bởi nó giúp cô giấu đi phần xương cổ mỏng manh, và làm tôn lên bờ vai đẹp”. Sau khi toả sáng trên màn ảnh với mẫu cổ áo đó, bản thân Hepburn cũng mặc thêm nhiều phiên bản khác nhau của mẫu đồ có cổ thuyền duyên dáng, mà chiếc đầm bên trên là ví dụ điển hình – để cho thấy phong cách trên màn ảnh đã ảnh hưởng đến cuộc đời cá nhân cô như thế nào.
Dẫu vậy, khi đặt Hepburn lên nền tảng thời trang ngày hôm nay; nữ diễn viên không hẳn là một nhà sáng tạo; vì bà chính là một bản sao hoàn hảo. “Khi bạn nghĩ về những năm 1950, mọi người hầu hết đều mặc đẹp,” Leiba giải thích. “Những gì Audrey đã làm, là trở thành hình mẫu của thời kỳ đó. Cô trở thành vị đại sứ của những phụ nữ ăn mặc đẹp của cả một thời kỳ.”
Con trai bà, Sean Ferrer, nhớ lại triết lý thời trang của mẹ trong cuốn sách Audrey Hepburn: An Elegant Spirit: “Mẹ tôi tin rằng một phụ nữ nên tìm ra được thứ trông đẹp đẽ khi mặc lên cơ thể; và dùng thời trang cũng như sự thay đổi của nó theo từng mùa để tô điểm bản thân; hơn là trở thành một nô lệ của thời trang; và bắt chước liên tục vẻ ngoài của người khác.”
Những phom dáng mà chúng ta cho là gắn liền với Audrey Hepburn cũng không phải là thứ gì đó của riêng cô: Chúng đơn giản là thời trang của cả một thời đại. “Quần capri; váy dài; áo len với cổ áo hankerchief quanh cổ mà cô thường hay mặc; đều là những món đồ mang đậm phong cách của những năm 50”, Leiba nói tiếp. “Cô ấy đã khiến chúng được vinh danh.” Lướt qua các bức ảnh của Audrey, ông nói; chúng ta có thể thấy được những khoảnh khắc thời trang quan trọng trong thời đại. Điều này cũng đúng khi nhìn nhận rằng người bạn thân luôn đồng hành cùng cô; Givenchy, chính là một trong những nhà thiết kế tiêu biểu trong thời đại đó.
Ngày nay, những người nổi tiếng có xu hướng mượn quần áo từ các nhà thiết kế; và trả lại chúng chỉ sau vài lần mặc. Hepburn, ngược lại, sở hữu tủ quần áo của riêng mình. Vì vậy, cô có mối liên kết mạnh mẽ và đậm tính cá nhân đối với những món đồ cô mặc. Audrey hiểu rõ điều gì đẹp đối vóc người cao cô sở hữu, và – như Ferrer chỉ ra trong cuốn sách – luôn trở lại với đặc tính đơn giản. Hepburn nói với con trai: “Hãy tiết chế đến mức thiết yếu: đâu là điều cần thiết nhất trong những thứ con đang cố gắng làm, và đâu là thứ quan trọng nhất? Mọi thứ chỉ trở nên phức tạp khi con cố gắng giải quyết quá nhiều vấn đề cùng một lúc.”
Audrey Hepburn: Một phong cách, một biểu tượng
Cũng nhờ đó, triết lý thời trang của Hepburn đã trở nên đơn giản; với việc gói gọn trong sự hiểu biết cơ bản về những gì làm cho bản thân thân thấy thoải mái. Mặc dù không mang tính cách mạng; nhưng ý tưởng đơn giản này giúp Hepburn mãi mãi trở thành một biểu tượng phong cách. Trong quyển sách The Little Black Dress; Amy Holman Edelman đã giải thích tại sao tủ quần áo của Holly Golightly trông quyến rũ đến vậy:
“Trong hầu hết mọi cảnh, chiếc váy này đưa Hepbrun đi đến khắp mọi nơi; chỉ với sự thay đổi đôi chút ở phụ kiện. Chiếc váy, cùng Hepburn, trông có vẻ khác nhau trong từng khung hình, nhưng những hình ảnh này, và chiếc váy đen này đã trở thành biểu tượng của phong cách và sang trọng.” Quan trọng hơn, đó là sự thúc đẩy lòng tự tin cho Holly. Nhân vật sẽ lướt mình vào chiếc đầm để nâng bản thân lên, và cảm thấy tốt hơn – một cử chỉ mà bất cứ ai với sức mạnh đặc biệt – một món đồ đẹp đẽ trong tủ áo – đều thấy được hình bóng của bản thân trong đó.
Và lời kết hùng hồn nhất về phong cách của Hepburn; có lẽ nên dành cho con trai bà phát biểu. “Nếu phong cách của bà là thứ có giá trị vượt thời gian; thì đó là vì bà ấy tin vào chất lượng. Và nếu bà ấy vẫn là một biểu tượng phong cách đến ngày nay; thì đó là vì bà ấy đã tìm được cho mình thứ phù hợp nhất; và bà đi cùng nó suốt quãng đời còn lại”.
Harper’s Bazaar Việt Nam