Dành hơn một thập kỷ tập trung cho áo dài và phục trang truyền thống, nhà thiết kế sinh năm 1989 đã vươn lên trở thành một trong những tên tuổi nổi bật trong làng thời trang Việt Nam, kế thừa sứ mệnh lan tỏa vẻ đẹp của tà áo dài từ những người đi trước như NTK Minh Hạnh, Sĩ Hoàng… đồng thời góp phần tích cực trong việc thúc đẩy xu hướng thời trang bền vững trên đất nước.
Vũ Việt Hà đã kết hợp sở trường thiết kế áo dài của mình và sự kiên định dành thời trang bền vững để tạo nên những chiếc áo dài sử dụng nguồn vải truyền thống của Việt Nam. Nhưng lại thổi vào đó một làn gió hiện đại với phom dáng để mang lại các mẫu áo dài dễ mặc và thoải mái.
Trong triển lãm Vietnam’s Fashion Journey 2000–2023 do tạp chí Harper’s Bazaar tổ chức tại The Global City, Trung tâm mới TP.HCM, các tín đồ thời trang lần đầu tiên có cơ hội đến gần hơn với các thiết kế này khi Vũ Việt Hà đã lựa chọn 3 tác phẩm áo dài độc đáo nhất của anh để trưng bày. Mỗi mẫu áo dài không chỉ là sản phẩm của nghệ thuật mà còn là hiện thân của tâm huyết và sáng tạo không ngừng của nhà thiết kế.
Thiết kế áo dài từ tơ sen
Thuộc sở hữu riêng của nữ diva Thanh Lam là thiết kế áo dài với chất liệu tơ sen nằm trong BST Nối dài.
NTK Vũ Việt Hà cho biết, ý tưởng cho BST này bắt nguồn từ chuyến đi thực tế về làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Tại đây, anh lần đầu tiên có cơ hội được tiếp cận với sợi tơ sen, một chất liệu lạ, công phu. Ngay lập tức, anh bị thu hút với ưu điểm co giãn, bề mặt đanh, vải mộc mạc, đặc biệt mùi thơm ngát khiến người ta có cảm giác như đang ở cạnh một hồ sen của chất liệu này.
Để có được 1 mét vải tơ sen phải se sợi từ hơn 11.000 cây sen với hàng trăm công thợ. Đó là lý do một miếng vải này có giá lên tới hơn 100 triệu đồng. Đến nay, thị trường cũng đã có một số sản phẩm thực tế từ chất liệu tơ sen, nhưng đa phần mới chỉ dừng lại ở các mẫu mã khăn choàng bởi giá thành quá cao. Trước Vũ Việt Hà cũng chưa có nhà thiết kế nào dám dùng loại vải đắt đỏ này làm trang phục ứng dụng hay áo dài. Chính vì vậy, việc tạo ra một chiếc áo dài từ chất liệu này là một quá trình kỳ công.
Bên cạnh chất liệu, các hoạ tiết trên áo dài cũng được thêu vô cùng công phu. Tay áo được thiết kế rộng mang đến sự thoải mái và phóng khoáng hơn so với các thiết kế truyền thống.
Thiết kế áo dài từ tơ chuối
Một thiết kế khác của NTK Vũ Việt Hà cũng đã “lọt vào mắt xanh” của nữ diva Thanh Lam. Nằm trong BST Cô Chín, thiết kế được NTK Vũ Việt Hà lấy cảm hứng từ sắc xuân đầy hứng khởi của hoa đào, khi người dân hào hứng đi lễ đạo thờ Mẫu.
Anh cho biết đã chọn hình ảnh cô Chín, một trong 12 thánh mẫu của đạo thờ Mẫu, làm hình ảnh đại diện cho BST lần này. Bởi vì với anh, cô Chín độ cho sự thông minh, trí tuệ, sáng suốt và vẻ xinh đẹp – tất cả những gì anh nhìn thấy ở người phụ nữ Việt Nam.
NTK Vũ Việt Hà đã tạo dựng sự tương phản giữa tơ tằm và tơ chuối trong cùng một thiết kế của mình. Bên trong là chiếc áo dài tơ tằm mềm mại với màu hồng rực rỡ. Bên ngoài là lớp áo tơ chuối gai góc, màu sắc tự nhiên nhã nhặn. Để biểu lộ rằng thiết kế làm bằng chất liệu tơ chuối, NTK Vũ VIệt Hà đã thêu họa tiết cây chuối vô cùng kỳ công lên mặt ngoài của sản phẩm.
>>> XEM THÊM: NTK VŨ VIỆT HÀ RA MẮT BST ÁO DÀI LÀM TỪ TƠ CHUỐI ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM
Thiết kế áo dài làm bằng vải thổ cẩm nhuộm chàm
NTK Vũ Việt Hà đùa rằng mình “thích ăn nằm với sương gió”, lặn lội đến các bản làng hẻo lánh và phiên chợ vùng cao để học hỏi văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Năm 2017, anh quyết định đưa những gì mình đã học được vào tà áo dài, kết hợp văn hóa của những vùng miền khác nhau, vào BST Thiên di.
Ở mỗi thiết kế, NTK Vũ Việt Hà đều dày công tự thiết kế chất liệu. Nếu ở các mẫu áo dài tơ sen, tơ chuối, anh đặt hàng dệt riêng vải cho mình, thì qua đến chiếc áo dài bằng vải thổ cẩm nhuộm chàm này, anh cũng cũng đặt người dân tộc vùng cao vẽ và nhuộm riêng cho mình. Sau đó, anh đính kết cườm và thêu tay họa tiết bông hoa gạo lên.
Các họa tiết trên vải được thực hiện bằng kỹ thuật vẽ tay sáp ong của người H’Mông. Sau khi dệt xong vải, họ sẽ dùng sáp ong nóng vẽ lên mặt vải. Khi sáp ong khô lại, họ sẽ nhúng cả miếng vải vào nước xanh nấu từ lá chàm. Nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần sẽ cho ra thước vải xanh tím đặc thù. Phần vải nào bị vẽ bởi sáp ong sẽ không ngấm màu nhuộm chàm và giữ lại màu trắng ngà nguyên thủy của thớ vải.
Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar, chị Trần Nguyễn Thiên Hương, người có tình yêu bất tận dành cho văn hoá vùng cao đồng điệu với NTK Vũ Việt Hà, đã mua lại chiếc áo dài đặc biệt này.
Thiên di thể hiện sự giao thoa và di chuyển giữa không gian và thời gian, giữa con người với con người, giữa văn hóa các dân tộc, qua sự kết hợp chất liệu truyền thống với hiện đại, kiểu dáng từ cảm hứng truyền thống ứng dụng vào thiết kế mang xu hướng thời trang. Chính vì vậy, thiết kế vẫn giữ được các giá trị tinh hoa của bộ trang phục truyền thống H’Mông, từ sử dụng chất liệu vải nhuộm chàm, in hoa văn bằng sáp ong cho đến kiểu dáng, thân áo, thân váy và phụ kiện như xà cạp, hoa bông cài tóc.
THÔNG TIN CHO BẠNTriển lãm Vietnam’s Fashion Journey 2000–2023 nhìn lại chặng đường hành trình của thời trang Việt Nam trong 1/4 dịp đầu thế kỷ 21 do Harper’s Bazaar Việt Nam tổ chức. Địa điểm: The Global City – Trung tâm mới của TP. Hồ Chí Minh Thời gian: Từ 15 đến 24/12/2023 Vào cửa: Triển lãm mở cửa miễn phí, từ 9h00 đến 18h00 hàng ngày. |
CÁC THIẾT KẾ ĐÁNG QUAN TÂM TẠI TRIỂN LÃM VIETNAM’S FASHION JOURNEY:
NTK CÔNG TRÍ TRIỂN LÃM NHỮNG THIẾT KẾ TIÊU BIỂU TRONG SỰ NGHIỆP 20 NĂM
THÙY TIÊN XÚC ĐỘNG KHI NHÌN LẠI CHIẾC ĐẦM FINAL WALK KẾT LẠI NHIỆM KỲ MISS GRAND
CORY TRẦN, NTK GỐC VIỆT CHINH PHỤC PHẠM BĂNG BĂNG, NICKI MINAJ, PRIYANKA CHOPRA
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam