Phạm Băng Băng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 64 tổ chức hồi tháng 5-2011
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, nhiều ngôi sao châu Á thường xuất hiện tại các sự kiện thảm đỏ quốc tế trong trang phục mang ít nhiều chất truyền thống. Cùng với vẻ đẹp Á Đông đằm thắm, nét đặc sắc của những trang phục ấy càng khiến họ được chú ý đặc biệt.
Thật vậy, khi nền công nghiệp thời trang phương Tây đã quá quen với những xu hướng lặp đi lặp lại, điều tất yếu sẽ là đi tìm nét mới mẻ từ những nền văn hóa xa xôi. Đặc biệt, từ vài năm nay, người ta dễ dàng thấy sự khai hoa của bản sắc châu Á. Hàng loạt các tên tuổi lớn không ngừng đưa lên sàn diễn những bộ sưu tập mang dáng dấp truyền thống Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên và cả Việt Nam. Những chiếc thắt lưng Obi, sườn xám, ô giấy, nón lá hay họa tiết rồng phượng của người Á Đông đang dần được tôn vinh và ưa chuộng tại các nước phương Tây.
Mắt xếch, da vàng lên ngôi
Không chỉ vay mượn các motif phương Đông khi thiết kế, các hãng ngày càng mạnh dạn giao trọng trách “chở” linh hồn các bộ sưu tập cho người mẫu có xuất thân từ châu Á. Nhiếp ảnh gia hậu trường chính của Tuần lễ Thời trang London, Jason Lloyd-Evans, nói rằng cách đây hơn 10 năm, ông chỉ nhìn thấy mỗi Devon Aoki trên sàn diễn. Còn bây giờ các người mẫu châu Á có mặt khắp nơi.
Nhớ lại tháng 10-2010, tại Tuần lễ Thời trang Paris Xuân – Hè 2011, Louis Vuitton đã dùng tám người mẫu châu Á để trình diễn bộ sưu tập lấy cảm hứng từ sườn xám. Đồng thời, thương hiệu này cũng chọn Godfrey Gao, diễn viên gốc Á, làm gương mặt nam đại diện đầu tiên. Sau đó ít lâu, một tạp chí thời trang danh tiếng đã dành toàn bộ những trang ảnh đặc biệt để giới thiệu các người mẫu châu Á. Kèm theo đó là một bài viết khẳng định rằng các cô gái tới từ châu lục này đã “định nghĩa lại những khái niệm truyền thống về cái đẹp”.
Chỉ trong một năm trở lại đây, người mẫu gốc Hàn So Young Kang liên tục diễn cho các show lớn của Oscar de la Renta và Marni. Cô còn nhiều lần chụp ảnh cho các tạp chí hàng đầu. Quả là thành tích đáng nể đối với bất cứ gương mặt mới nào. Một chân dài thành công khác là Liu Wen. Cho tới năm 2011, cô đã sải bước trên những sàn diễn thời trang lớn được bảy năm. Liu cũng là người châu Á đầu tiên xuất hiện trong show diễn đình đám của Victoria’s Secret cũng như các chiến dịch quảng cáo của Estée Lauder. Đồng thời, cô còn làm người mẫu cho Chanel, Dries Van Noten và Louis Vuitton… Cô hiện đang là gương mặt của Calvin Klein và đã ký hợp đồng cho chiến dịch thu đông của Dolce & Gabbana.
Khi bàn về chủ đề này, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Tao Okamoto. Cô bắt đầu sự nghiệp từ năm 2006 và đã xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo của hàng loạt hãng danh tiếng như Moschino, Ralph Lauren, Benetton, H&M, GAP, Zac Posen… Ngoài ra, hình ảnh của cô đã được giới thiệu trên nhiều tạp chí lớn như Harper’s Bazaar, V magazine…
Cùng lúc đó, Sun Fei Fei, một người mẫu mới được phát hiện, đã có mặt trong quảng cáo của DSQUARED2, nước hoa Calvin Klein và hiện đang chuẩn bị tham gia chiến dịch quảng cáo mùa thu đông cho Louis Vuitton.
Tất cả những điều này là minh chứng rõ ràng nhất cho sự lên ngôi của vẻ đẹp phương Đông. Sự xuất hiện của họ thổi một làn gió mới vào thế giới thời trang, đồng thời tạo ra bức tranh phong phú hơn về sắc tộc cho các sàn diễn. Giờ đây, màu da không còn là chướng ngại. Trên thực tế,
chuyện một người mẫu mang dòng máu Ấn Độ hay Nhật Bản sẽ khiến cô được chú ý hơn. Họ có một vẻ đẹp mới lạ, thân hình mảnh mai, chiều cao không thua kém các cô gái da trắng và một khuôn mặt chứa hàng nghìn từ ngữ.
Ngoài ra, nguồn gốc văn hóa khắt khe còn là một chìa khóa đảm bảo an toàn khi lựa chọn người mẫu châu Á làm gương mặt quảng cáo. Họ có lối sống thanh lịch, trong sạch và không bê bối. Còn gì lý tưởng hơn nữa?
Sự lên ngôi của các người mẫu châu Á không chỉ lý giải bằng vẻ đẹp phương Đông mà còn bởi sự phát triển của quê hương họ. Có lẽ việc sử dụng
người mẫu da vàng là một xu hướng tất yếu khi thời trang cao cấp đang tiến xa hơn về phía Đông. Hẳn một người Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ có thiện cảm hơn với sản phẩm của các hãng Âu – Mỹ nếu người mẫu quảng cáo trên poster có cùng nguồn gốc với họ. Với tiềm năng kinh tế hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi các người mẫu Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc được ưu tiên hơn hẳn các cô gái châu Á khác. Lý do đơn giản là nước nào có thị trường trù phú hơn, người mẫu mang quốc tịch đó càng có nhiều cơ hội hơn.
Hứa hẹn từ thị trường trù phú
Nguồn lợi khổng lồ tại thị trường châu Á đã khiến những hãng thời trang lớn trước đây vốn chỉ quan tâm tới thị trường phương Tây giờ đã thay đổi hoàn toàn quan điểm.
Đặt chân đến thị trường Nhật Bản, nơi được coi là cái nôi thời trang của châu Á, từ năm 1977, nhưng tới tận năm 1992, Louis Vuitton mới dè dặt mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh. Sự khởi đầu này đã mở ra một chiến dịch dài hơi để hãng thời trang Pháp tiến sâu vào châu Á. Thậm chí trong năm 2003, hãng này còn hợp tác với nhà thiết kế người Nhật Takashi Murakami để cùng cho ra mắt những sản phẩm có họa tiết hoa anh đào, một chi tiết khác hẳn với họa tiết monogram LV quen thuộc.
Không chịu kém cạnh với kỳ phùng địch thủ của mình, Hermès cũng mau chóng tìm tới vùng đất mới nhưng tràn đầy hứa hẹn này. Vào khoảng giữa năm 2010, doanh thu của Hermès đã tăng lên gần 23% so với cùng kỳ năm trước, mà phần nhiều trong số đó do thị trường châu Á đóng góp. Hãng này thống kê doanh thu tại châu Á, trừ Nhật Bản, đã tăng lên 45%. Trong khi đó, doanh thu tại châu Mỹ chỉ tăng thêm 26% và châu Âu chỉ tăng lên 17%. Ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Tokyo, Seoul, hãng thời trang này đều cho đặt những tòa nhà Hermès hoành tráng không thua gì tại Paris hay New York.
Khi dạo bước trên các con phố chính ở Seoul, Tokyo, Thượng Hải, Mumbai hay thậm chí ở các nước đang phát triển như Thái Lan hay Việt Nam, người ta đều dễ dàng nhìn thấy showroom của các hãng túi xách, quần áo và mỹ phẩm. Các cửa hàng của Gucci tại châu Á thu hút nhiều khách hàng cao cấp. Thậm chí số lượng các cửa hàng của Hermès và Gucci tại Hồng Kông còn nhiều hơn ở New York hay Paris. Dù ít dù nhiều, cuộc đổ bộ này đã chứng minh cho tiềm năng của thị trường, mức phát triển của một nền kinh tế mới nổi.
Nhu cầu thể hiện bản thân
Một góc khu mua sắm khách sạn Rex, Q. 1, TP. HCM Những đất nước vốn có truyền thống văn hóa khá khép kín, giờ đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã thay đổi mau chóng về cách nhìn nhận mọi sản phẩm tiêu dùng. Theo sau sự có mặt rầm rộ của âm nhạc, điện ảnh, văn chương và báo chí phương Tây là sự xâm nhập của những quan niệm mới về thời trang và làm đẹp. Sau nhiều năm hội nhập, đối với người châu Á, tiêu chuẩn châu Âu vẫn là một đẳng cấp mà họ muốn vươn tới. Không chỉ vậy, giờ đây người ta đã nhìn thấy những con rồng, con hổ đang vươn
lên mau chóng từ một châu lục nghèo trong quá khứ. Sự phát triển kinh tế nhanh tới chóng mặt tại những đất nước châu Á giúp hình thành một tầng lớp người mới muốn được hưởng thụ một đời sống cao cấp hơn.
Theo thống kê của viện nghiên cứu Saison, Nhật Bản, 94% phụ nữ Nhật sở hữu sản phẩm của Louis Vuitton và 51% sở hữu sản phẩm của Chanel khi ở độ tuổi 20. Trong khi đó, vào thập niên 1960, 1970, người Nhật hầu như vẫn còn rất lạnh nhạt với thế giới thời trang xa xỉ này. Một nghiên
cứu khác của TNS tại Trung Quốc cho thấy hơn 60% người được phỏng vấn thừa nhận họ sử dụng sản phẩm cao cấp để phân biệt mình với những người kém cỏi hơn và khẳng định giá trị bản thân.
Trong tiềm thức, bên cạnh nhu cầu được chăm sóc hình thể, người châu Á còn lưu giữ một ý thức rất mạnh về thể diện. Họ có nhu cầu bộc lộ mình thành công hơn những người khác, gia đình mình danh giá hơn các gia đình còn lại. Tuy thời đại khác nhau, nhưng cách đơn giản để thể hiện mình có lẽ chính là nhà cửa, xe cộ và thời trang.
Thật vậy, với người châu Á, một chiếc túi Hermès không chỉ hấp dẫn vì nó đẹp, mà còn vì lời khẳng định về đẳng cấp nó sẽ mang lại cho chủ nhân. Bên cạnh đó, sở thích tiêu dùng của giới mê hàng hiệu châu Á không đi theo xu hướng thích hàng “độc” như phương Tây. Tức là ngược lạ với ý thức cá nhân, người Á Đông chuộng tâm lý số đông sẽ có xu hướng mua một món hàng cao cấp nếu thấy bạn bè mình đều có nó. Điều đó có nghĩa chừng nào các thương hiệu còn giữ được đẳng cấp của mình, cơ hội kiếm lời của họ vẫn còn rộng mở ở đây. Một điều may mắn nữa cho các hãng thời trang cao cấp là đa số các thành phố châu Á đều có dân số đông và trẻ. Họ có cơ hội tiếp nhận một nền giáo dục tương tự ở phương Tây. Hơn hết, họ đang có nguồn thu nhập cao và muốn hướng tới mức sống cao hơn. Vậy nên, các hãng hoàn toàn có cơ sở để tin rằng thị trường này sẽ còn phát triển nhanh trong nhiều năm tới.
Thời trang cao cấp đang dịch chuyển về phương Đông hay phương Đông đang lan dần ra khắp thế giới, thật khó nói. Thế nhưng, chắc chắn các nước châu Á sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa trong nhiều năm tới. Khi đó, có thể họ mới là thị trường chính của thời trang và những gương mặt châu Á sẽ chiếm thế thượng phong. Như chúng ta đã thấy, mọi điều trong thế giới thời
trang vẫn luôn luôn thay đổi.
Bài: Phương Thủy – Ảnh : Sean Cuningham, Dan & Corina Lecca , REUTERS , tư liệu