Trải qua vị trí manager khi còn rất trẻ, Dương Thụy, tác giả sách Bảo tàng của sợ hãi không có vẻ bên ngoài là một phụ nữ “thép”. Chị chia sẻ: Phụ nữ thành đạt ngày nay vẫn tự hào cho phép mình có quyền yếu mềm như bất cứ phụ nữ nào trên đời. Vì, khóc và sợ hãi có gì là xấu?
Phụ nữ thời nào dường như cũng có nhiều nỗi lo sợ hơn đàn ông. Thời xưa, do định kiến xã hội, thiếu nữ tới tuổi lập gia đình sợ mình… bị ế. Khi lấy chồng rồi thì sợ gia đình chồng chê không đủ công dung ngôn hạnh. Nếu bị chồng đối xử tệ người phụ nữ cũng không dám dứt áo ra đi, sợ bị xã hội lên án, họ đành chịu trận để mọi bất công đổ lên đầu.
Ngày nay, phụ nữ đã tự mình làm nhiều cuộc cách mạng và có thể “chế ngự” nhiều nỗi sợ. Tuy nhiên, dù cái sợ không lộ diện ra bên ngoài, không có ai là không trải qua những điều lo sợ.
Phụ nữ thời nay có giấu nỗi sợ?
Giờ ít ai nói mình sợ ế. Gần ba mươi nếu chưa gặp được người vừa ý phụ nữ hiện đại vẫn tỉnh bơ. Các cô vợ biết lo “trùng tu” bản thân, tập thể dục cho thân hình thon gọn, chăm chút làn da, mái tóc để luôn tươi đẹp, nhất là trong mắt “người ấy”. Người vợ nào thật sự không thể níu kéo hạnh phúc với chồng thì cũng mạnh dạn ly hôn.
Phụ nữ thời hiện đại có cái “tôi” vô cùng vĩ đại. Nhất là những ai có tí nhan sắc, được học hành bài bản, có vị trí xã hội, họ nghĩ mình làm chủ cuộc đời mình. Dù đang yêu, mới cưới hay đã có con, phụ nữ thời nay chứng minh mình độc lập, mạnh mẽ, năng động… không kém chàng. Còn với xã hội, phụ nữ hiện đại sẵn sàng tuyên bố “tôi không sợ gì và không sợ ai cả”. Mức độ “ghê gớm” của phụ nữ hiện đại tăng theo cấp số cộng cùng với vị trí xã hội, cụ thể là cấp bậc, chức danh, quyền lực của họ trong công sở.
Đàn ông khi làm sếp ít bị thiên hạ gièm pha, nhưng một phụ nữ làm sếp sẽ kéo theo nhiều nghi ngờ về thực lực. Vì thế, phụ nữ làm sếp càng muốn chứng tỏ năng lực. Họ trở nên mạnh mẽ, can trường, đối mặt với thử thách nào cũng tìm được cách vượt qua. Phụ nữ làm sếp thường có điều bất lợi là tầm nhìn hẹp, ngắn hạn, chưa bao quát. Tuy nhiên, họ có lợi thế về cảm xúc và nhìn mọi vấn đề khá chi tiết. Khi làm sếp, họ biết cách thu phục, biết xử lý mọi tình huống hợp tình hợp lý, không cứng nhắc dựa vào nguyên tắc như đàn ông.
Phụ nữ cũng biết tự định vị mình. Họ linh hoạt tìm cách vượt qua những nỗi sợ về việc thiếu kiến thức hay kinh nghiệm bằng một cách đơn giản là học hỏi và làm việc càng nhiều càng tốt. Và một khi đã được tôi luyện, không những chẳng sợ ai, những người phụ nữ “thép” như thế còn khiến người khác phải sợ ngược lại mình.
Tôi sợ hãi, tôi là phụ nữ!
Những phụ nữ thành đạt ngày nay vô cùng thông minh. Sau khi trải qua giai đoạn cố che giấu những nỗi sợ rất đàn bà của mình, nhiều người tự hào thú nhận mình cũng yếu mềm như bất cứ một phụ nữ nào trên đời. Dù có học vị, có nghề nghiệp, chức tước, tiền bạc, phụ nữ ngày nay cho phép mình được quyền… yếu đuối hơn đàn ông. Họ khôn ngoan nhận ra, bản năng thiên phú của phụ nữ là vẻ mềm mại đáng yêu. Ông trời sinh ra phụ nữ là muốn họ trở thành một người làm đẹp cho đời, một người vợ dịu dàng, một người mẹ ấm áp. Người vợ người mẹ đó có quyền học cao, có quyền chủ động phát triển nghề nghiệp để vươn lên trong xã hội hiện đại, nhưng họ không cần phải cố gắng chứng tỏ mình mạnh mẽ không sợ gì.
Đàn ông có sợ những phụ nữ quyền cao chức trọng không? Câu trả lời là có. Đàn ông có dám tán tỉnh những phụ nữ nắm những vị trí chóp bu không? Chắc là rất hiếm. Thế nên những phụ nữ thành đạt dễ rơi vào tình trạng cô đơn. Họ không sợ đàn ông xem thường, họ không sợ đàn ông qua mặt, họ cũng không sợ đàn ông không
tôn trọng. Dù không nói ra, nhưng ngấm ngầm họ sợ… đàn ông không còn yêu mình nữa.
Là phụ nữ, họ có quyền sợ… xấu. Họ cần thời giờ chăm sóc nhan sắc, cần người đàn ông của mình động viên để luyện tập cho cơ thể thon gọn.
Là phụ nữ, họ có quyền sợ… ma. Họ cần ánh sáng luôn tồn tại trong gia đình, cần chồng biết cùng họ thắp lửa giúp căn nhà luôn ấm áp.
Là phụ nữ, họ có quyền sợ bạo lực. Họ mong mọi người sống trong tình thân ái, họ muốn được đối xử dịu dàng, họ thích đàn ông không bao giờ lớn tiếng hay có bất kỳ hành động nào mạnh bạo.
Là phụ nữ, họ cũng có quyền có những nỗi sợ vớ vẩn như sợ gián, sợ chuột, sợ sâu bọ… Họ biết chả có gì đáng sợ, nhưng cứ sợ “cho vui” vậy thôi.
Ứng xử với sợ hãi
Những phụ nữ nào nói mình không sợ gì cả, thật ra là họ đang tự trấn an. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, ở Việt Nam hiện có 60 nghìn vụ ly hôn một năm mà phần lớn là do phụ nữ chủ động xin ly hôn. Nếu nhìn vào con số ly hôn ngày càng cao này, chúng ta khẳng định phụ nữ không còn sợ mất mát thì thật sai lầm. Họ đã phải đối mặt với những nỗi sợ nghiêm trọng trước và sau khi chia tay.
Không tình yêu là một nỗi sợ rất cổ điển mà phụ nữ nào, dù hiện đại và kiêu hãnh mấy cũng sợ phải đối mặt. Và thế là, đôi khi, họ bỏ mặc vẻ oai phong của một phụ nữ thành đạt, để được yếu đuối, được dựa vào một bờ vai nam tính nào đó, được nắm chặt tay, được vuốt tóc dịu dàng và được… khóc. Khóc có gì là xấu, vì suy cho cùng phụ nữ mà không biết khóc, nhìn họ thật là “đơ”.
Trước các mối đe dọa, phụ nữ dễ hoảng loạn hơn, nên biết phòng xa hơn. Con người khi biết sợ đồng thời sẽ ý thức hơn để tránh là tác nhân gây ra các hiểm họa cho mình và người khác. Người thời nay có câu “Tự cứu mình trước khi trời cứu”, có lẽ đó cách nghĩ tốt nhất để chúng ta đối mặt với sợ hãi. Phụ nữ thành đạt ngày nay vẫn tự hào cho phép mình có quyền yếu mềm như bất cứ phụ nữ nào trên đời. Vì, khóc và sợ hãi có gì là xấu?
Bạn có biết
1. Nhà nghiên cứu Mỹ, tiến sỹ Rita Valentino cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra tác động của hoóc môn CR F, chất được tạo ra mỗi khi chúng ta cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Phát hiện này giúp giới khoa học giải thích tại sao phụ nữ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng gấp hai lần so với nam giới.
2. Trong một số trường hợp, sợ hãi cũng hữu ích. Khi biết lo lắng trước các nguy cơ, hiểm họa, con người nỗ lực sống can đảm và tốt bụng hơn.
Bài: Dương Thụy. Ảnh: Corbis