Khi rơi vào những giai đoạn khó khăn, có được niềm tin vào một điều gì đó chính là cách để ta tìm ra sức mạnh nội tại. Bởi vậy, những người gánh trên vai nhiều trọng trách dễ có xu hướng trở thành… mê tín. Mà cũng đúng, ai lại chẳng thấy yên tâm hơn nếu có một điều gì đó, ngoài bản thân, để dựa vào.
Khi bạn thấy cô đơn, việc đặt một vật cầu may cho tình yêu trong phòng khiến trái tim ấm áp hơn. Việc luôn mang theo một vật may mắn cũng giúp bạn tự tin hơn. Rồi trong chúng ta, có ai mà chẳng kiêng, kỵ một cái gì đó trong những dịp lễ, Tết hay có sự kiện quan trọng.
Thế nhưng, có cái gì quá mà không trở thành tiêu cực? Như câu chuyện của cô bạn tôi chẳng hạn. Cô ấy tin rằng phải rửa tay năm lần trước khi đi công tác mới may mắn. Thế nên, đã có lần, vì bận rửa tay, lau tay, rồi lại rửa tay mà cô muộn cả giờ bay. Mọi người ai bình luận gì về chuyện ấy cũng mặc, cô bảo: “Một việc làm ăn thành công hay thất bại ảnh hưởng đến hàng trăm người khác. Tôi cẩn thận như thế thì có mất gì đâu nào?”.
Thoạt đầu tôi cũng nghĩ giống cô, đúng là có sao đâu, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mà, chỉ cần sắp xếp khéo léo một chút là được. Tuy thế, mỗi khi tạm tách ra khỏi guồng quay công việc, nhìn lại bản thân, tôi cũng giật mình. Ai bảo không mất gì? Mất nhiều thứ lắm chứ: thời gian, tiền bạc rồi có khi cả tình cảm nữa.
Chỉ tại… siêu nhiên
Đề tài quen thuộc trong nhiều cuộc chuyện trò của các bạn tôi là phải kiêng gì, tránh làm gì, đặt bàn làm việc ở góc nào thì may… Công ty làm ăn phát đạt là nhờ hướng văn phòng, chuyện tình cảm thất bại là vì cây bonsai đặt sai chỗ… Để cho chắc, các chị bỏ không biết bao nhiêu tiền ra thuê thầy, cúng bái.
Tinh thần “cúng lấy được” ấy càng tăng lên trong các năm gần đây, khi tình hình kinh tế rơi vào khủng hoảng, đời sống tinh thần cũng không còn thảnh thơi như trước. Tất nhiên, ai mà chẳng một lần đi chùa cầu khấn, nhưng chuyện tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín là khác nhau.
Chúng ta vẫn đi chùa để cầu bình an, làm ăn phát đạt… đó là cách chúng ta thể hiện lòng mong mỏi của mình. Một số người khác vẫn tới nhà thờ và cầu nguyện trước khi đi ngủ… vì họ muốn gửi gắm thông điệp về niềm tin, lòng biết ơn trước đấng tạo hóa. Tôn giáo và tín ngưỡng có những cơ sở triết học vào đạo đức cụ thể, giúp chúng ta biết rõ những lằn ranh trong đời sống và trở thành người tốt đẹp hơn.
Sự mê tín, ngược lại, bắt nguồn từ những niềm tin không có cơ sở. Không có ít người nếu gặp phải vài sự việc không may trong ngày sẽ buông một câu: “Sáng nay ra đường gặp bà đẻ”. Họ đổ tội cho người khác hay nhìn sâu hơn là một thế lực siêu nhiên không rõ ràng nào đó để giải thích cho những trắc trở của mình. Chuyện người ta bỏ ra cả đống tiền cho việc giải hạn, cầu tài cũng vậy.
Thực ra, hầu hết mọi người đều có chút mê tín trong lòng, dù đôi khi chúng ta không nhận ra điều đó. Một con mèo chạy vào nhà ngày Tết, chúng ta không khỏi khó chịu, chỉ vì câu nói nghìn đời: “Mèo đến nhà thì khó”. Nhiều người cũng tránh làm việc lớn vào thứ Sáu ngày 13. Thật khó để giải thích cho ngọn ngành tại sao ta lại có những thứ định kiến như vậy. Thế nên, bố tôi vẫn thường đem câu vè dân gian hài hước: “Toét mắt là tại hướng đình” ra để trêu đùa mỗi khi tôi băn khoăn về chuyện lòng tin kỳ cục ấy.
Hơn thế nữa, không ít người đổ tội cho người cộng sự, cho cấp dưới khi làm ăn không thuận lợi… Họ cho rằng vì người kia không hợp tuổi, hợp vía nên mới xảy ra cơ sự. Thậm chí, một số người còn nghĩ đó là vì ngày bắt đầu dự án, họ không mặc đúng chiếc áo, xách chiếc túi có màu may mắn. Người ta quên mất rằng công việc luôn phải đi kèm với kế hoạch, sự phân tích và chiến lược. Tương tự, gia đình bạn phát đạt hay khó khăn không phải vì sự xuất hiện của con mèo trong ngày Tết. Trách nhiệm ở chính ta trước hết, chứ không phải ở người khác hay một đồ vật.
Chọn mặt tốt của lòng tin
Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O. Henry. Cô gái nằm trên giường bệnh tin rằng khi toàn bộ lá của cây leo trên tường nhà bên rụng hết, cô cũng sẽ lìa đời. Tuy nhiên, có một chiếc lá nhất định không chịu rụng khỏi cành. Chiếc lá ấy đã giúp cô có được lòng tin là mình sẽ sống và khỏe mạnh trở lại. Khi đã hồi phục, cô nhận ra rằng, thực ra chiếc lá do một họa sỹ già vẽ lên tường để mang lại cho cô hy vọng. Bạn thấy đấy, điều quan trọng là niềm tin trong lòng ta, sức mạnh của chính ta, chứ không phải một sự vật, hiện tượng ở ngoại cảnh.
Sự mê tín vào những điều nho nhỏ hàng ngày cũng như vậy. Nhặt được một chiếc cỏ bốn lá, vậy là ta có thêm chút niềm vui rằng sẽ có điều may mắn sắp xảy ra với mình. Dẫu thế, sẽ chẳng có vận may nào đến nếu bạn không bắt đầu việc mình định làm. Tương tự, nếu bạn có lỡ bước chân trái ra đường thì cũng đừng băn khoăn về điềm xấu.
Ngày hôm nay bạn sẽ bàn thảo một hợp đồng mới ư? Hãy trang điểm thật đẹp, chọn trang phục khiến bạn cảm thấy mình quyến rũ, thoải mái nhất, lên sẵn trong đầu những điều khoản và dự trù trước mọi rủi ro… Nếu bạn tin chắc vào khả năng kiểm soát hoàn cảnh của bản thân, chẳng có điều gì có thể ảnh hưởng tới điều ấy.
Bạn càng cố đặt kết quả công việc lên một bàn cờ may rủi thì càng trở nên thiếu chủ động. Đó là khi bạn để cho sự suy diễn lấn át hết thực tế và ngoại cảnh. Vì thế, hãy lên kế hoạch cho mọi điều và sẵn sàng chấp nhận thất bại như mặt khác của cuộc đời. Không có thất bại, bạn sẽ không rút ra được kinh nghiệm cho bản thân để lần sau thành công hơn.
Những chuyện hài hước
– Tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc, khách du lịch sẽ được nghe người hướng dẫn viên du lịch thuyết giảng về sự linh thiêng của tượng con tỳ hưu trong thành. Tượng tỳ hưu thiêng tới mức người ta cấm được chụp hình hay sờ vào nó. Nhưng nếu bạn thích tỳ hưu và muốn mang một chút sự may mắn, quyền năng của nó về nhà ư? Bạn có thể ra ngay hàng lưu niệm ngay gần đó để mua một con tỳ hưu với giá đắt đỏ.
– Trong một thí nghiệm do Đại học Chicago thực hiện, phần lớn người tham gia tin rằng nếu một sinh viên mặc áo phông đồng phục của trường Stanford để đến nộp đơn xin học hệ sau đại học của trường này sẽ ít khả năng được nhận vào hơn.
– Không ít người tin rằng làm vỡ gương sẽ khiến họ gặp xui xẻo. Thế nhưng, làm vỡ kính bình thường thì không sao. Xem ra, gương và kính được làm từ hai chất liệu khác nhau!
Bài: Huy Phương – Ảnh: Getty Images