Từ giữa những năm 2010, làn sóng cổ phục, trong đó có áo dài ngũ thân dần phổ biến. Niềm tự hào về phục trang truyền thống của người trẻ cộng hưởng với mạng xã hội lan tỏa đã đưa áo dài cổ truyền bước vào hành trình phục sinh thầm lặng mà mạnh mẽ.
Các khuyến nghị Tết Việt mặc áo dài hay những lễ hội tôn vinh áo dài, đưa áo dài trở thành quốc phục được ủng hộ. Nhiều người trẻ chọn mặc áo ngũ thân trong những dịp trang trọng như cưới hỏi, thảm đỏ sự kiện, thậm chí là đi làm… Nỗ lực này góp phần lan tỏa tình yêu và khơi dậy sự tò mò của những người xung quanh, từ đó giúp chiếc áo ngũ thân phổ biến hơn. Không khó để bắt gặp hình ảnh các chàng rể ngoại quốc đón dâu trong tà áo dài.
Là người tích cực tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, nhiều năm qua nghệ nhân Năm Tuyền luôn trăn trở trước sự mai một của văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa mặc. Cuộc hội ngộ với câu lạc bộ Đình làng Việt và sau đó là với Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, người có nhiều đam mê với áo dài ngũ thân trong Đề án Huế – Kinh đô Áo dài đã tiếp thêm động lực để ông dấn thân vào hành trình chế tác áo dài ngũ thân.
Nghệ nhân Năm Tuyền lấy động lực từ người trẻ mê áo dài
“Áo dài ngũ thân với tôi là một sản phẩm văn hóa chứ không chỉ là thời trang hay kinh doanh nữa. Nó là trách nhiệm với nghề mình theo đuổi, gắn bó suốt 30 năm qua, với ngành may nói chung và áo dài nói riêng với các chủ trương của quốc gia”, nghệ nhân Năm Tuyền chia sẻ.
Ông cho biết, chính người trẻ là động lực thôi thúc mình tìm về với áo dài ngũ thân. “Các bạn trẻ ngày nay rất giỏi và chịu khó, đặc biệt quan tâm đến văn hóa dân tộc. Với lượng thông tin đồ sộ trên mạng và sự phát triển của công nghệ, họ tiếp cận được nguồn tư liệu khắp nơi. Khi tiếp xúc với cổ phục, trong đó có áo ngũ thân, họ bị chinh phục trước vẻ đẹp của tấm áo.
Điểm khác biệt giữa các bạn với thế hệ chúng tôi là các bạn không có tư duy của người trưởng thành trong thời cuộc, không biết chiếc áo thời trước ra sao, cũng không hiểu vì sao áo dài ngũ thân lại biến mất khỏi đời sống. Nhưng khi nhận ra giá trị của chiếc áo và nhìn thấy tính thẩm mỹ của nó thì các bạn miệt mài theo đuổi, nghiên cứu, phục dựng. Tôi biết nhiều hội nhóm, các bạn trẻ say mê cổ phục ngày ngày đi làm công ty, đêm về lao vào phục dựng cổ phục. Quá trình này đòi hỏi nhiều tâm sức, thời gian và cả tiền bạc. Chỉ có tình yêu vô điều kiện với văn hóa dân tộc mới có thể miệt mài đến thế”.
Từ Âu phục đến cổ phục
Năm Tuyền (Phạm Văn Tuyền) không phải là cái tên lạ trong ngành may và thiết kế. Từ cuối những năm 1990, ông đã khẳng định dấu ấn với thương hiệu đồ cưới xuất khẩu A Soẻn. Từ vị trí quản lý của một thương hiệu thời trang cưới nước ngoài tại Việt Nam, năm 1997, Năm Tuyền rời công xưởng.
Bằng đôi tay khéo léo và khối óc nhạy bén, ông nhanh chóng nhận ra việc sản xuất quy mô nhỏ khó tồn tại lâu dài khi ngành may bước vào quy trình công nghiệp và các thương hiệu thời trang may sẵn phát triển. Do đó, một năm sau, A Soẻn ra đời, chỉ tập trung chế tác áo cưới, quy tụ nghệ nhân đều là những người từng sát cánh với ông ở xưởng may ngày nào. Đó là sự gắn kết đặc biệt giữa những người anh em, người bạn không chỉ cùng chí hướng mà còn chung niềm tin suốt 32 năm nay.
Với kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy, không khó để nghệ nhân Năm Tuyền thiết lập quy trình vận hành hiệu quả và chinh phục thị trường trong nước. Nhưng giấc mơ của ông không dừng lại ở đó. Nhờ tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi và luôn lắng nghe, ông dần tiếp cận với các thương hiệu quốc tế tại Mỹ, Pháp. Sự chuyên nghiệp của ông đã chinh phục họ, đưa thương hiệu trở thành đối tác lâu dài.
Để đáp ứng quy chuẩn xuất khẩu tại thị trường quốc tế, các thương hiệu không ngần ngại cử các chuyên gia, nhà thiết kế sang Việt Nam để đào tạo kỹ thuật may, rập cho đến cập nhật công nghệ, quy trình cho đội ngũ tại Việt Nam. Nhờ nền tảng trước đó ở xưởng may, từng bước, thương hiệu váy cưới từ chỗ chế tác theo mẫu có sẵn dần chủ động lên mẫu và làm chủ công nghệ may đồ cưới xuất khẩu.
Không quá khi nói, Năm Tuyền là người tiên phong trong lĩnh vực này. Đây chính là điểm thuận lợi của Năm Tuyền so với những thương hiệu nhỏ, lẻ khác khi bước vào lĩnh vực áo dài ngũ thân.
Chuẩn hóa, hiện đại hóa tà áo cổ truyền
Theo Năm Tuyền, trên thị trường hiện nay, áo dài nam có hai loại.
Phổ biến nhất là kiểu áo lai Ấn Độ. Chất liệu vải nào may cũng được, tiết kiệm nguyên phụ liệu, quá trình may nhanh, phom dáng dễ định hình, giá thành cũng phải chăng hơn.
Áo ngũ thân mới và khó may hơn nên ít tiệm cận hơn. “Do áo có thân liền với tay, trước sau liền nhau nên để may đẹp, không phải vải nào cũng phù hợp. Thứ hai, áo nhìn tuy đơn giản nhưng vì không ráp nối gì cả nên may đẹp rất khó, phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật xử lý của nghệ nhân. Thứ ba, ở một số công đoạn, áo ngũ thân cần chế tác thủ công bởi nghệ nhân chứ không may bằng máy toàn bộ nên giá thành cao hơn một chút”.
Ông cho rằng, để áo dài ngũ thân chinh phục người trẻ, trước hết bản thân chiếc áo phải tạo sự thoải mái và dễ chịu cho người mặc. “Áo phải đẹp, sờ vải thấy thích, mặc vào thấy dễ chịu, giặt ủi thuận tiện, làm gì cũng tiện dụng, thoải mái thì lần sau người ta mới muốn mặc lại”.
Thứ đến, giá thành cần nằm trong mức tiếp cận được. “Nếu không bảo đảm hai yếu tố này thì có khuyến khích, kêu gọi thì áo vẫn rất khó được ưa chuộng và phổ biến”. Vậy nên, Năm Tuyền đã dành không ít thời gian để giải “bài toán” này. Ông bắt đầu khảo sát, phân tích chỉ số cơ thể nhằm quy ra số kích cỡ quy chuẩn như Âu phục.
Tiếp đến, ông chuẩn hóa quy trình, từ chọn chất liệu đến khâu cắt may, sản xuất, thành phẩm. Để có được quy trình này, Năm Tuyền đã đặt áo ngũ thân từ khắp nhiều vùng trong cả nước. Ông mặc thử suốt một thời gian, chọn ra những điểm cầu tiến nhất. Hiện, áo dài Năm Tuyền có nhiều chất liệu vải khác nhau. Áo cũng có thể giặt ủi thoải mái, ít hoặc không nhăn, tiện lợi cho việc mặc, gấp lại hay vận chuyển. Trong năm đầu tiên, áo dài Năm Tuyền trình làng khoảng 2.000 thiết kế áo dài ngũ thân với năng lực sản xuất có thể nhiều hơn nếu thị trường sẵn sàng.
“Số lượng này là nhờ vào sự ủng hộ, khuyến khích và hưởng ứng của các ban ngành, đoàn thể”, ông Tuyền khiêm tốn. 90% áo dài ngũ thân của ông là nam, còn lại là áo nữ. Áo ngũ thân Năm Tuyền không chỉ là địa chỉ tin cậy quen thuộc của nhiều ban ngành đoàn thể mà còn thu hút được nhiều bạn trẻ yêu áo dài. Ngoài góp phần hồi sinh phong trào mặc áo dài ngũ thân, nghệ nhân còn tặng nhiều áo dài đến các bảo tàng ở những thành phố khắp cả nước, để lan tỏa tình yêu tà áo dài Việt.
Ông nói rằng, mong mỏi lớn nhất của mình là làm sao “có thêm nhiều người trẻ chuộng áo dài, nhiều thương hiệu cùng chung sức để chiếc áo lan tỏa hơn trong đời sống hiện đại”.
Harper’s Bazaar Việt Nam