Ngọc Điệp Kỳ Nam là trang phục dân tộc đồng hành cùng Kỳ Duyên tại Miss Universe 2024. Thiết kế lấy cảm hứng từ chiếc lọng bướm thời Nguyễn kết hợp cùng áo Nhật Bình. Tác phẩm do nhà thiết kế trẻ Đặng Trần Trí sáng tạo với sự cố vấn từ nhà thiết kế Nguyễn Minh Công.
Dù hành trình của Hoa hậu Kỳ Duyên tại Miss Universe 2024 đã khép lại, tuy nhiên những thông tin xung quanh bộ trang phục Ngọc Điệp Kỳ Nam vẫn được nhiều người quan tâm và tranh luận rôm rả trên nhiều diễn đàn.
Nhân đây, Harper’s Bazaar Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Nguyễn Minh Công để hiểu hơn về câu chuyện đằng sau của bộ trang phục dân tộc Ngọc Điệp Kỳ Nam này.
HARPERR’S BAZAAR: Giữa muôn vàn ý tưởng, tại sao anh cùng NTK Đặng Trần Trí lại chọn chiếc lọng bướm của nhà Nguyễn để tạo nên trang phục dân tộc cho hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên tại Miss Universe 2024?
NGUYỄN MINH CÔNG: Bộ trang phục mà Kỳ Duyên mang đến Miss Universe lần này là sự cộng hưởng từ dự án cá nhân của Duyên cùng với yếu tố văn hoá của Việt Nam. Trước đây các bộ trang phục dân tộc sẽ được chọn ra từ khuôn khổ cuộc thi trước đó nhưng với tiêu chí của Miss Universe Vietnam (MUVN) lần này là muốn chọn một bộ trang phục không chỉ phù hợp với sắc vóc Kỳ Duyên mà còn là câu chuyện của chính cô ấy mang đến đấu trường quốc tế.
Tổ chức MUVN và Hoa hậu Kỳ Duyên mong muốn bộ trang phục thể hiện được hình ảnh của một cô gái không ngừng nghỉ nỗ lực, như những con nhộng phá kén hoá bướm. Chúng tôi bắt gặp sự tương đồng khi hình ảnh chiếc lọng bướm thời Nguyễn. Sản phẩm gần như bị thất truyền nhưng gần đây nhờ sự phục dựng của các bạn trẻ đã phổ biến trở lại. Tìm hiểu về ý nghĩa của chiếc lọng bướm, chúng tôi càng mong muốn nó sẽ xuất hiện cùng Kỳ Duyên tại phần thi National Costume ở Miss Universe 2024.
Chiếc lọng bướm kể về thời vàng son của Triều Nguyễn không chỉ là sự tỉ mỉ khéo tay của người nghệ nhân xưa mà còn thể hiện gu thẩm mỹ và thú chơi tao nhã khi lọng không chỉ dùng để che mà còn là vật trang trí và là trang sức đồng điệu với y phục lúc bấy giờ. Lọng bướm kết hợp cùng áo Nhật Bình tạo nên tổng thể người phụ nữ vương triều thanh lịch, e ấp.
Lọng bướm mở ra tạo nên sự biến đổi tựa như hình ảnh “nhộng hoá bướm” tượng trưng cho sự chuyển mình của một Việt Nam tuy có thăng trầm qua những năm tháng xưa cũ nhưng dần đổi mới và vươn mình đến những điều tươi sáng.
Và thế là Ngọc Điệp Kỳ Nam ra đời.
HARPERR’S BAZAAR: Cái tên Ngọc Điệp Kỳ Nam mang ý nghĩa gì, anh có thể giải thích một chút?
NGUYỄN MINH CÔNG: Tôi và NTK Đặng Trần Trí chọn tên này như một kiểu ví von một vật phẩm quý giá của nước Việt Nam, đó là chiếc lọng bướm.
Bên cạnh đó có nhiều khán giả phân tích hộ như sau:
- Ngọc nghĩa là quý giá, châu báu
- Điệp là chiếc Lọng Bướm
- Kỳ là Kỳ Duyên
- Nam là Việt Nam
Tôi thấy cách phân tích này cũng khá thú vị. Kỳ Duyên cũng như chiếc lọng bướm là điều quý giá của Việt Nam.
HARPERR’S BAZAAR: Là nhà cố vấn cho NTK Đặng Trần Trí, Nguyễn Minh Công đóng vai trò cụ thể như thế nào?
NGUYỄN MINH CÔNG: Có thể ở những cuộc thi khác vị trí của tôi chỉ dừng lại ở phạm vi diễn ra trong nước. Vì sau đó, ban tổ chức sẽ chọn tác phẩm thắng đi dự thi quốc tế.
Nhưng ở Miss Universe lần này, tôi hầu như theo sát tác phẩm cùng với NTK Đặng Trần Trí từ khâu lên ý tưởng, hỗ trợ về thợ gia công và ngay cả việc đặt tên cho tác phẩm. Bởi tôi hiểu rằng với kinh nghiệm của bản thân sẽ hỗ trợ cho nhà thiết kế trẻ một cách tốt nhất cũng như tránh được những rủi ro có thể xảy ra khi phải thực hiện một tác phẩm trong thời gian rất ngắn như vậy.
Có thể nói, 5 năm làm mentor của tôi đó là một hành trình mà ở đây tôi được tiếp thêm lửa cho các bạn trẻ và cũng góp phần tôn vinh văn hoá nước nhà.
HARPERR’S BAZAAR : Thiết kế Ngọc Điệp Kỳ Nam mất bao lâu đề hoàn thành và trong quá trình sản xuất, cả hai gặp những khó khăn nào?
NGUYỄN MINH CÔNG: Thời gian cho Ngọc Điệp Kỳ Nam khá ngắn vì chúng tôi phải bắt đầu lại từ việc tham khảo ý kiến của tân hoa hậu và tổ chức MUVN về ý tưởng. Sau khi được duyệt ý tưởng thì chúng tôi mới bắt đầu duyệt mẫu. Thời gian này có những tranh cãi khá gắt gao nhưng may mắn chúng tôi cũng thống nhất được ý kiến để bắt tay vào làm trang phục.
Chúng tôi có khoảng 10 ngày để hoàn tất bộ trang phục nhưng đến ngày thứ 5 thì gần như là phải làm lại hết. Lý do là khi fitting lên người Hoa hậu Kỳ Duyên thì màu sắc trang phục không hợp với màu da và phom chưa chuẩn chỉnh. Sau đó chúng tôi đã cật lực làm lại cho đến giờ Duyên chụp poster và mang ra sân bay. Cũng rất may là kịp và chỉn chu.
HARPERR’S BAZAAR: Khoảnh khắc Kỳ Duyên mở chiếc lọng bướm để hàng trăm bông hoa giấy tung lên không trung, tạo thành cơn mưa hoa đẹp mắt đã để lại nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, phần trình diễn này đã “xả rác” trên sân khấu, khiến những phần thi sau kém đẹp mắt. Là một nhà cố vấn anh có điều gì muốn nói không?
NGUYỄN MINH CÔNG: Bản thân tôi làm mentor khá lâu nên hiểu được phần nào các khâu tổ chức của chương trình. Tôi luôn đưa ra những sự lựa chọn là có hoặc không khi sử dụng hoa giấy. Cũng như trong lúc diễn tập đã xin phép trước ban tổ chức và được sự đồng ý từ họ thì chúng tôi mới làm.
Nên việc tung hoa giấy ở Miss Universe 2024, tôi nghĩ là để tạo hiệu ứng cho sân khấu và được chấp thuận từ ban tổ chức thì không việc gì mình lại ngần ngại. Hiệu ứng thấy quá đẹp mà! (cười)
HARPERR’S BAZAAR: Nếu được thay đổi một vài chi tiết để khiến phần trình diễn trở nên hoàn hảo hơn bạn sẽ thay đổi chi tiết nào?
NGUYỄN MINH CÔNG: Với thời gian khá ngắn cũng như sự cố gắng hết mình của Đặng Trần Trí thì tôi rất hài lòng về mọi thứ cũng như phần trình diễn rất xuất sắc của Kỳ Duyên. Ở vai trò là cố vấn, tôi thấy tự hào và không muốn thay đổi bất kỳ điều gì hết.
HARPERR’S BAZAAR: Thời trang thế giới đã và đang đi theo xu hướng bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường nhưng ở các phần thi Trang phục dân tộc có thể thấy đi ngược lại với xu hướng này khi sản xuất quá nhiều trang phục cồng kềnh, không có tính ứng dụng và bỏ phí sau khi trình diễn. Là một nhà thiết kế thường xuyên được tin tưởng giao trọng trách cố vấn cho phần thi Trang phục dân tộc, Nguyễn Minh Công có ý tưởng gì để cải thiện điều này không?
NGUYỄN MINH CÔNG: Việc xuất hiện quá nhiều trang phục dân tộc ở những cuộc thi hoa hậu gần đây Công thấy đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự tìm về cội nguồn cũng như là yêu văn hoá của các bạn trẻ. Các bạn phải đào sâu chuyên môn cũng như tìm hiểu kỹ về lịch sử Việt Nam mới có thể tạo ra một bộ trang phục National Costume được.
Những bộ trang phục tuy có cồng kềnh nhưng đằng sau đó là cả một thông điệp yêu nước và mang Việt Nam đi ra cùng bạn bè quốc tế. Nó không chỉ dừng lại ở một bộ trang phục hay dừng lại ở một cuộc thi mà được tái sử dụng ở nhiều sự kiện văn hoá khác nữa.
Bản thân tôi khi nắm giữ vị trí cố vấn vẫn luôn đưa và điều hướng các bạn nên lựa chọn những chất liệu tôn vinh văn hoá cũng như dùng những chất liệu bền vững để tạo ra các bộ trang phục. Theo tôi được biết, thời trang đôi khi chỉ là một bộ quần áo nhưng Trang Phục Văn Hoá Dân Tộc nó là cả một câu chuyện. Câu chuyện ấy có thuyết phục người xem hay không nó nằm ở việc truyền tải qua chất liệu, qua thông điệp và qua độ dầy của văn hoá.
TIN LIÊN QUAN:
THỜI TRANG ĐA PHONG CÁCH CỦA HOA HẬU KỲ DUYÊN TẠI MISS UNIVERSE 2024
MISS UNIVERSE 2024: KỲ DUYÊN DỪNG CHÂN Ở TOP 30, MỸ NHÂN ĐAN MẠCH ĐĂNG QUANG HOA HẬU
Harper’s Bazaar Việt Nam