Chọn ra từ trong khoảng 100 tác phẩm thực hiện trong ba năm liên tiếp, triển lãm Tường Biển tiếp nối tâm thức của Văn Ngọc về các tác động của tự nhiên biển đến đời sống con người. Triển lãm được nhen nhóm từ tác phẩm sắp đặt Dư Chấn (Giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2006).
Tường Biển là những biểu đạt giàu xúc cảm từ cuộc sống thường nhật Vũng Tàu, nơi tác giả từ miền trung du Phú Thọ chọn định cư năm 1993; đến những miền, lãnh thổ tiếp giáp 3/4 diện tích nước của trái đất; đặc biệt là những vùng biển mà cơn bão Yagi đi qua đầu tháng 9 năm nay.
Bắt đầu từ sóng biển, Tường Biển là diễn giải nghệ thuật của Văn Ngọc về sức mạnh của thiên nhiên khi chứng kiến các hình thái khác nhau của con sóng trong khoảnh khắc gặp vật cản. Ở tầng nhìn sâu hơn, triển lãm là cảm hứng suy tư về bản chất hệ thống bờ kè, cấu trúc các công trình “phòng thủ bờ biển”. Hàng rào này bảo vệ tính mạng, tài sản, văn hóa, kiến trúc, nơi cư ngụ của con người khỏi những tác động không ngừng nghỉ của tự nhiên.
Tác phẩm “tối giản” cất lời thay nghệ sỹ kiệm lời
Không còn những chất liệu làm liên tưởng tính bản địa như những gì chúng ta từng biết về Văn Ngọc. Triển lãm Tường Biển là một màu bê tông xám rộng hơn ngàn mét vuông. Chúng không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm kết thúc. Người xem có thể bắt đầu từ bất kỳ góc nào. Bởi mỗi tác phẩm đa chất liệu, cả các hình khối xếp đặt trọn không gian trưng bày đều mang tên Tường Biển.
Giữa những vụn vỡ tường trần, xi măng, xà bần, cùng các tác phẩm trắng bạc xám, đồng nhất về chủng loại vật liệu và gam màu, triển lãm “phơi bày” không trang hoàng con người nghệ sỹ, cũng là lối “kể chuyện” chỉ riêng ở Văn Ngọc: mạnh mẽ, tươi mới, nguyên bản, không gọt giũa, không pha trộn, và xuất phát từ cuộc sống.
Khi vật chất lên tiếng ở triển lãm Tường Biển
Không gian triển lãm phủ một màu trắng xám của những vật liệu nặng từ tường tràn xuống sàn. Vật chất nặng nhưng không câm lặng. Những khối bê tông vuông, dài, xiên như những bờ đê chắn sóng, như dư chấn sau cơn bão.
Bỏ lối suy nghĩ hiển nhiên về “ánh sáng trưng bày” nghệ thuật, Tường Biển hiện diện như một tác phẩm “sắp đặt lồng trong sắp đặt”. Các tác phẩm tôn trọng sự tiếp giáp mập mờ của ánh sáng trời với đèn neon và huỳnh quang; cộng hưởng muôn vạn hình mảnh tối giản vỡ bung từ những con sóng bạc trắng, mang theo vật thể khi va đập vào bê tông.
Trong khung cảnh thô ráp, mơ hồ, giữa những mảnh vụn chỏng chơ rơi vãi, những khối hình nặng trịch như chứng nhân của biến cố, lịch sử, thì các mảng gương lắp ghép trong bố cục chung lại phản ảnh sống động đời sống hiện hữu. Các mảnh gương hình học khắc họa sự tương tác đầy biến động giữa những gì con người tạo ra với những tác động từ thế giới tự nhiên, đồng thời mời gọi người xem khám phá sâu hơn vào tác phẩm, vào chính mình và xung quanh. Khán giả từ người xem thụ động trở thành đối tượng chủ động tương tác: tự suy ngẫm, tự đặt câu hỏi, tự tìm kiếm câu trả lời.
Không gian lập thể, suy tư trừu tượng
Ở trong triển lãm Tường Biển, ta có thể cảm nhật rõ rệt sự tiết chế và cô đọng đến mức cùng cực của Văn Ngọc, không chỉ ở phần vật liệu, tông màu, mà cả phần hình. Những đường nét gần như không còn gợi hình, mà trở thành những hình khối mơ hồ, hay những đường kỷ hà vô thức, vu vơ. Ngay cả hình nhân cũng là những nét sổ thẳng, góc mặt ngây ngô.
Văn Ngọc rất quan trọng vật liệu. Nói đúng hơn, ông quan trọng việc tạo ra bề mặt giàu mỹ cảm lẫn xúc cảm:
“Cái đẹp không nhất định phải có hình hài, hình tượng, hình thù cụ thể. Cái đẹp có thể chỉ là bề mặt của chất liệu tương tác với nhau. Bề mặt là “chất tiếp xúc” đầu tiên với thị giác người xem. Có thể chưa hiểu gì, chưa biết họa sỹ muốn nói gì, tác phẩm truyền đạt gì, nhưng có thể tác động cảm giác và kích thích trí tưởng tượng, đặt câu hỏi”.
Một lần nữa, với quan điểm “Nghệ thuật không giải thích. Tôi làm nghệ thuật bắt đầu từ những cảm giác của tôi về cuộc sống”, Văn Ngọc tiếp tục khơi gợi người xem những luồng ý niệm đa chiều về “tự do thẩm mỹ” song song thách thức người xem suy ngẫm về vai trò của con người trong mối liên hệ sâu sắc với biển.
CÁC TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT:
TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT VÀI “A” LẦN NÂNG TẦM NHẬN THỨC VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH
TƯ LIỆU HIẾM VỀ CUỘC SỐNG VIỆT NAM THẬP NIÊN 1930-1940 TRONG TRIỂN LÃM ẢNH SOFIA YABLONSKA
NHÀ TÙ HỎA LÒ MỞ TRIỂN LÃM KỶ NIỆM 70 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Harper’s Bazaar Việt Nam