Tìm về những chứng nhân cho tính nữ nước Việt tại 5 bảo tàng đáng ghé thăm dịp 20/10

Những năm gần đây, các bảo tàng, di tích thường mở cửa xuyên các dịp đặc biệt trong năm bởi nhu cầu ghé thăm tăng cao. Những dịp kỷ niệm ngắn như 20/10 lại càng thu hút quan khách hơn nữa, khi quan khách có thể đắm mình trong không gian thẩm mỹ của các bảo tàng mà không cần di chuyển xa khỏi thành phố. Cũng tại đó, họ học hỏi, kết nối gần gũi hơn với lòng tự tôn dân tộc ngày một sáng.

Ghé thăm các địa điểm tôn vinh tính nữ Việt vào ngày 20/10 năm nay. Ảnh: Bảo tàng Áo dài

Dịp 20/10 năm nay, vẫn có hoa thơm, những vật phẩm giá trị là lời tri ân đẹp đẽ đến người phụ nữ của đời bạn, hay chính bản thân bạn. Song, có những món quà tinh thần khác, không hiện hữu trong vật thể sở hữu được, mà hiện lên qua niềm tự hào được đắp bồi trong nhận thức của mỗi cá nhân dành cho nữ giới Việt Nam.

Nếu bạn đang có dự định dành trọn ngày 20/10 cho người phụ nữ mà mình trân quý, lịch trình 24 giờ của bạn nếu vẫn còn chỗ trống ngoài những bữa ăn bên nến và hoa hay các hoạt động giải trí thì hãy dành chút thời gian lắng đọng, xuôi theo dòng văn hoá, lịch sử và tìm hiểu về tính nữ nước Việt tại các bảo tàng sau đây, nơi đang diễn ra nhiều hoạt động đặc biệt, để mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam đúng nghĩa.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

bzvn-bao-tang-nen-den-20-10-4

Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Thời gian mở cửa: 08:00 – 17:00 hàng ngày (Thứ Hai – Chủ Nhật)
Địa chỉ: 36 Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giá vé: 20,000 – 40,000 đồng

Ngay con phố Lý Thường Kiệt cổ kính nhất thủ đô Hà Nội, toạ lạc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – một địa điểm với kho tàng trưng bày đồ sộ những chứng nhân về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong dòng chảy lịch sử và văn hóa của đất nước.

Thành lập vào năm 1987, bảo tàng đã có 37 năm thực hiện sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Ba chủ đề trưng bày thường xuyên gồm có: Phụ nữ trong Gia đình, Phụ nữ trong Lịch sử và Thời trang nữ, với 40,000 hiện vật, chú dẫn như đối thoại với quan khách về tầm vóc phái đẹp Việt dung dị nhưng chất chứa tình yêu và tấm lòng sẵn sàng hi sinh vì gia đình, đất nước, từ thời chiến đến thời bình.

bzvn-bao-tang-nen-den-20-10-5

Bức tượng Mẹ Việt Nam – biểu tượng của bảo tàng. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Bảo tàng gồm 4 tầng, tương ứng với thứ tự tham quan đề xuất để cảm nhận được những nét đẹp vô song của nữ giới Việt:

  • Tầng 1: Bức tượng “Mẹ Việt Nam” miêu tả tinh thần quật cường và tình yêu thương con cái của người phụ nữ Việt;
  • Tầng 2 – Phụ nữ trong gia đình: Trưng bày những nhân chứng cho cuộc sống phụ nữ Việt, gồm trang sức chạm khắc, vòng tay của các bà, các mẹ, hay muôi nấu bếp, nhằm phản ánh vai trò thiết yếu của người phụ nữ – đốm lửa ấm áp của mọi gia đình;
  • Tầng 3 – Phụ nữ trong lịch sử: Trưng bày bộ sưu tập tranh cổ động, cũng như những ghi chép của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiều năm hoạt động, đa phần là tham gia vào kháng chiến, quà tặng từ bạn bè quốc tế. Ta cảm nhận được sự phi thường của tính nữ Việt Nam;
  • Tầng 4 – Thời trang nữ: Điểm cuối hành trình là nơi ôn lại lịch sử qua trang phục, chia theo các thời kỳ và chia theo 54 dân tộc anh em.

Tầng 4: Thời trang nữ. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Tầng 4: Phụ nữ và thời trang. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Các hiện vật tiêu biểu gồm có: Chiếc xe máy của hoạ sĩ Đặng Ái Việt, dùng để đi khắp đất nước, vẽ lại 3,261 bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng (đồng thời được trưng bày); Huy hiệu Giải phóng Thủ đô của bà Trần Thị Minh, trao tặng năm 1954; chiếc đồng hồ Orient kỷ vật của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Minh Hiền, người tiêu diệt 174 kẻ địch ở tuổi 21; Những lá thư thời chiến đã tồn tại hơn nửa thế kỷ…

Nhân dịp 20/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam triển khai chuỗi hoạt động kỷ niệm vô cùng hấp dẫn. Tiêu biểu gồm có dự án “Nữ thời” diễn ra từ 9h00 – 17h00 trong hai ngày 20 và 21/10, cho phép các quan khách trải nghiệm mặc áo dài, chụp ảnh với tiểu cảnh khác nhau trong bảo tàng. Khi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, bạn có thể nhận được quà đặc biệt. Ghé thăm bảo tàng, bạn còn có thể mang về các sản phẩm lưu niệm giàu ý nghĩa: Tranh vẽ phụ nữ dân tộc thiểu số bằng giấy dó, vòng xâu chuỗi, khăn choàng…

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Ảnh: annguyenvietnam @ Flickr

Thời gian mở cửa: 07:30 – 11:30; 13:30 – 17:00 hàng ngày (Thứ Hai – Chủ Nhật)
Địa chỉ: Số 200 – 202 Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Q3, TP.HCM
Giá vé: Miễn phí

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là một điểm đến văn hóa quan trọng với mục đích bảo tồn và giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ miền Nam. Cạnh việc chứa đựng hàng chục chuyên đề đa dạng nhất về phụ nữ tại TP.HCM, đây cũng là bảo tàng đầu tiên của thành phố ứng dụng công nghệ trưng bày thực tế ảo 3D/360 độ.

Cũng tại Bảo tàng, lần đầu tại TP.HCM có những “chiếc hộp kể chuyện”. Như một booth chụp hình, bên trong hộp có bảng điều khiển để quan khách tự lựa chọn thông tin mong muốn, để nghe thuyết minh về hiện vật trưng bày trong 3 phút.

Chiếc hộp kể chuyện. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Được thành lập năm 1985 bởi Tổ nghiên cứu Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ, bảo tàng trưng bày hơn 44.000 hiện vật, tài liệu quý giá liên quan đến lịch sử đấu tranh và văn hóa của phụ nữ miền Nam. Đó là tổng hoà của dấu tích trong những trang sách, trong nghệ thuật tạo hình trên gốm, trên sứ; dấu tích về cách mà phụ nữ cảm nhận và nêu cao vẻ đẹp của mình qua bộ trang sức. Và rung động nhất chính là nụ cười, câu hát dịu dàng mà mạnh mẽ trong đã tiếp thêm sức bền, sức bật cho cả đất nước trong thời kỳ cách mạng.

Ảnh: annguyenvietnam @ Flickr

Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Ngày 20/10 năm nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang có rất nhiều chuyên đề, gồm có:

  • Chuyên đề Kỷ vật – Ký ức của chiến tranh diễn ra đến hết 31/12: Là hoạt động trưng bày cuối cùng trong năm 2024 của bảo tàng, gồm 93 hiện vật và 60 hình ảnh về đời sống và chiến đấu của các chiến sĩ từ tiền tuyến và hậu phương.
  • Trưng bày Áo dài
  • Quà lưu niệm: Áo dài mini.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Ảnh: Flickr

Thời gian mở cửa: 07:30 – 17:00 hàng ngày (Thứ Hai – Chủ Nhật)
Địa chỉ: Số 28 đường Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Giá vé: 40,000 đồng

Dành cho những ai muốn tìm về chứng nhân cho vai trò của phụ nữ trong lịch sử chống ngoại xâm oai hùng của đất nước, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh với nhiều chuyên đề tôn vinh phụ nữ trong khói lửa chiến tranh sẽ đưa bạn vào một thế giới chân thực đến gay gắn, nhưng mang lại giá trị cao nhất để hiểu về sự hi sinh của họ.

Không gian trưng bày chủ yếu thông qua tư liệu hình ảnh, và chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để mang đến những cảm xúc cao trào: Hình ảnh người mẹ bồng con vượt sông để tránh bom đạn trong chuyên đề Hồi Niệm; Hình ảnh 410 chị em chống chào cờ “Quốc gia” tại nhà tù bị địch đàn áp dã man bằng lựu đạn lân tinh trong chuyên đề Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tượng “Bà mẹ” từ những mảnh bom ghép trong bảo tàng. Ảnh: squeakymarmot @ Flickr

Bảo tàng đồng thời cũng có những hiện vật vô cùng quý giá, như tà áo dài của người nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Phi Vân; những bức chân dung hiếm của các biểu tượng cho sự can trường tôi luyện của phụ nữ Việt.

Kỷ niệm ngày dành cho Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng giảm 50% giá vé cho quan khách nào mặc áo dài, hiện chỉ còn 20,000 đồng (so với giá gốc 40,000 đồng), không áp dụng đồng thời với ưu đãi dành cho học sinh sinh viên, người cao tuổi…

Bảo tàng Áo dài

Ảnh: Bảo tàng Áo dài

Thời gian mở cửa: 08:30 – 17:30 (Thứ Hai – Chủ Nhật)
Địa chỉ: 206/19/30 Long Thuận, P. Long Phước, Q.9, TP.HCM
Giá vé: 30,000 – 50,000 VND/người

Khó mà tách rời hình ảnh phụ nữ Việt Nam khỏi áo dài, và khó có nơi nào tôn vinh tính nữ Việt sánh bằng nơi trình bày trang phục truyền thống này. Bảo tàng Áo dài là bảo tàng tư nhân được khởi xướng và xây dựng từ ý tưởng của họa sĩ – Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, là NTK chuyên áo dài, vì vậy, ông rất hiểu cách để trưng bày các hiện vật sao cho sáng, cho đẹp và chạm đến quan khách nhất.

Giai thoại về áo dài được kể qua những chiếc áo dài quý hiếm nằm trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, đồ sộ và hoành tráng để nối liền nhiều thời kỳ lịch sử qua tà áo. Các triển lãm thường xuyên gồm có: Lịch sử áo dài; Áo dài của những nhân vật tiêu biểu; Áo dài di sản văn hoá; Nội y áo dài.

Áo dài nhân vật. Ảnh: Bảo tàng Áo dài

Nội y áo dài. Ảnh: Bảo tàng Áo dài

Cạnh việc chiêm ngưỡng các thiết kế đẹp, bạn còn có thể dành thời gian với người phụ nữ bạn trân quý trong không gian đậm hồn Việt, với đầm sen, nhà rường, vườn tược xanh mát. Hành trình đến Bảo tàng Áo dài trong ngày 20/10 dẫu xa trung tâm thành phố, nhưng bạn cũng có thể cảm nhận được không khí trong ngày tôn vinh phụ nữ việc khi đi qua nhiều quận.

DÀNH CHO NGÀY 20/10:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm