Dù mang đến nhiều lợi ích, loại phương tiện này cũng gây ra các tác hại khôn lường với sức khỏe. Cùng điểm qua 9 tác hại của điện thoại thông minh ít ai ngờ đến sau đây.
Tác hại của điện thoại thông minh với sức khỏe thể chất
1. Mỏi mắt và các vấn đề về thị lực
Bạn có đang “cắm mặt” vào điện thoại thông minh mỗi ngày không? Việc tập trung lâu vào màn hình mà không chớp mắt sẽ tác động lâu dài đến sức khỏe thị lực. Điều này sẽ dẫn đến mỏi mắt, khô mắt, mờ mắt và thậm chí là đau đầu. Hơn nữa, tiếp xúc liên tục với ánh sáng xanh do màn hình tạo ra cũng có thể phá hủy võng mạc, làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Trẻ em dễ bị cận thị bởi những tác hại của điện thoại thông minh vì mắt của trẻ vẫn đang phát triển.
2. Giảm hoạt động thể chất
Bạn có “bận rộn” lướt mạng xã hội, chơi trò chơi hay xem phim trên điện thoại không? Thời gian sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ chiếm luôn thời gian dành cho các hoạt động thể chất như tập thể dục, đi dạo ngoài trời… Lối sống lười vận động có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, rối loạn tim mạch, nhức mỏi xương khớp…
3. Tác hại của điện thoại thông minh gây rối loạn giấc ngủ
Nghiên cứu cho thấy những người “lướt” điện thoại trước khi ngủ thường gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ. Lý do là ánh sáng xanh phát ra từ màn hình sẽ can thiệp vào melatonin, một loại hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức. Bạn sẽ khó ngủ hơn dẫn đến thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu…
Thiếu ngủ mãn tính có liên quan đến suy giảm nhận thức và suy giảm miễn dịch. Nguy cơ mắc bệnh mãn tính như béo phì, tim mạch cũng tăng cao.
>>> Đọc thêm: Tác hại của sống ảo đáng lo ngại như thế nào?
4. Tư thế xấu và rối loạn cơ xương
Việc nhìn vào màn hình ở tư thế đầu cúi xuống và hướng về phía trước trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng “cổ văn bản”. Chúng gây căng cơ cổ, vai và cơ lưng trên dẫn đến khó chịu, đau nhức và nhiều vấn đề về cơ xương khác.
Ngoài ra, khi bạn dùng ngón tay cái gõ và vuốt quá nhiều trên màn hình sẽ dẫn đến viêm gân cùng hội chứng ống cổ tay.
5. Phơi nhiễm bức xạ
Điện thoại thông minh phát ra một dạng bức xạ không ion hóa gọi là bức xạ tần số vô tuyến (RF). Mặc dù việc tiếp xúc ngắn hạn với bức xạ này thường được xem là an toàn, nhưng vẫn có lo ngại về những tác động tiềm ẩn lâu dài. Các bằng chứng kết luận vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, bạn cần nhận thức rõ những tác hại của điện thoại thông minh đều có liên quan đến nhiều rủi ro sức khỏe.
>>> Đọc thêm: 10 tác hại của thức khuya xem điện thoại ít ai ngờ tới
Tác hại của điện thoại thông minh đến sức khỏe tinh thần
1. Căng thẳng tăng cao
Sự thật là việc liên tục nhận thông báo, email hoặc tin nhắn trong công việc sẽ làm tăng mức độ lo lắng, căng thẳng ở nhiều người. Bạn luôn ở trạng thái lo lắng liên tục vì cần phản hồi ngay lập tức, không được phép sai sót bất cứ lúc nào. Tình trạng này kéo dài trong thời gian dài mà không có thời gian nghỉ ngơi sẽ dẫn đến hội chứng mệt mỏi mãn tính.
Căng thẳng mãn tính dễ đến nhiều hậu quả tiêu cực với sức khỏe như bệnh tim, rối loạn tâm thần, trầm cảm, hoảng loạn cùng các vấn đề tâm lý khác.
2. “Nghiện” điện thoại quá mức
Bạn có cảm thấy lo lắng và bồn chồn khi rời xa “dế cưng” của mình? Bạn không thể giảm thời gian sử dụng điện thoại mặc dù rất muốn? Đó chính là những biểu hiện của hội chứng nghiện điện thoại di động (nomophobia – sợ không có điện thoại).
Nhu cầu liên tục kiểm tra điện thoại và duy trì kết nối có thể dẫn đến hành vi gây nghiện. Chúng khiến bạn khó tập trung khi ở trong lớp học hoặc môi trường làm việc. Điều đó dẫn đến kết quả học tập và năng suất làm việc giảm sút, trì trệ.
Ngoài ra, chứng “nghiện” điện thoại thông minh làm gián đoạn các tương tác xã hội trực tiếp. Khi bạn dành nhiều thời gian “online”, bạn sẽ có cảm giác cô đơn và tách biệt khỏi các mối quan hệ ngoài đời thực như gia đình, bạn bè…
3. Tác hại của điện thoại thông minh gây suy giảm nhận thức và trí nhớ
Không thể phủ nhận vô số lợi ích của điện thoại thông minh mang lại cho chúng ta. Thế nhưng, các nghiên cứu chỉ ra những tương tác trên điện thoại làm phân tán sự chú ý, rút ngắn thời gian tương tác và giảm tập trung. Hậu quả là các kỹ năng tư duy và nhận thức bị suy giảm do phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại.
4. Tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ nhỏ
Trẻ em đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tâm thần do sử dụng điện thoại thông minh. Thời gian trẻ sử dụng màn hình quá nhiều có thể cản trở sự phát triển nhận thức và cảm xúc. Từ đó dẫn đến các vấn đề như giảm chú ý, chậm phát triển kỹ năng ngôn ngữ, hạn chế khả năng khám phá, sáng tạo và giải quyết vấn đề của các em.
>>> Đọc thêm: Cảnh báo 10 tác hại của cười nhiều không nên xem thường
Cách phòng tránh tác hại của điện thoại thông minh
1. Duy trì tư thế đúng
Thay vì khom lưng để nhìn điện thoại, hãy đưa điện thoại lên ngang tầm mắt để bạn có thể nhìn mà không cần cúi cổ. Chú ý thường xuyên duỗi cổ để tránh bị căng cơ.
2. Giới hạn thời gian sử dụng màn hình
Hãy đặt thời gian cụ thể sử dụng điện thoại và nghỉ giải lao thường xuyên để giảm mỏi mắt và ngăn ngừa các vấn đề về cơ xương. Bạn cũng có thể điều chỉnh độ sáng màn hình và cài phần mềm lọc ánh sáng xanh, giúp giảm thiểu tình trạng gián đoạn giấc ngủ và mỏi mắt.
3. Giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại
Đặt ra quy tắc không có điện thoại hoặc màn hình trong phòng ngủ của bạn trong vòng 1–2 giờ trước giờ đi ngủ. Dành thời gian trước khi ngủ này để đọc sách hoặc thư giãn mà không cần công nghệ.
• Xóa các ứng dụng không sử dụng. Cách làm này không chỉ giải phóng dung lượng trên điện thoại của bạn mà còn giảm thời gian không cần thiết dành cho các ứng dụng.
• Tắt hoặc hạn chế các thông báo không quan trọng. Bạn chỉ nên ưu tiên các thông báo quan trọng liên quan đến học tập, công việc. Các ứng dụng mạng xã hội, mua sắm, tin tức và các dịch vụ không cần thiết khác luôn gây mất tập trung trên điện thoại.
• Sử dụng chế độ “không làm phiền” trong khi học tập, làm việc tập trung.
• Hạn chế sử dụng mạng xã hội quá nhiều vì chúng góp phần gây tác hại của sống ảo và các vấn đề tâm lý như cảm giác tự ti, cô lập, bị bắt nạt online…
• Duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa thời gian sử dụng điện thoại và trải nghiệm thực tế. Hãy ưu tiên dành thời gian chất lượng cho bạn bè và gia đình, tập thể dục, tham gia hoạt động nhóm hoặc theo đuổi sở thích.
>>> Đọc thêm: 10 tác hại của chơi game gây rối loạn tâm thần
Sử dụng điện thoại bao lâu là quá nhiều?
Không có giới hạn thời gian cụ thể nào áp dụng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng một người bình thường không nên sử dụng điện thoại nhiều hơn:
• Tổng cộng 2 – 4 giờ mỗi ngày: Nếu vượt quá mức này thường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, các mối quan hệ, năng suất và nhiều thứ khác.
• 30 phút liên tục: Sau 30 phút sử dụng liên tục, bạn nên nghỉ ngơi một lúc.
• 5 – 15 phút cho mỗi lần sử dụng các ứng dụng.
• Không sử dụng điện thoại trong các bữa ăn, buổi hẹn hò, thời gian dành cho gia đình và đi chơi với bạn bè.
• Không sử dụng điện thoại 30 – 60 phút trước khi đi ngủ để tránh làm gián đoạn giấc ngủ.
Mặc dù là công cụ tuyệt vời, điện thoại thông minh cũng là nguồn gây xao nhãng, làm gián đoạn năng suất và tác động xấu đến sức khỏe khi sử dụng sai cách. Bạn hãy chú ý đến những tác hại của điện thoại thông minh để tránh lạm dụng ngay từ bây giờ.
>>> Đọc thêm: 12 tác hại của thức khuya với phụ nữ. Đọc ngay để tránh!
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar