Triển lãm DAY by DAY (tên tiếng Việt: Ngày Ngày) theo hoạ sĩ Nguyễn Văn Tiến là một triển lãm ngẫu hứng. Song, khi bắt tay thực hiện, anh nhận ra đến triển lãm này, anh đã có đúng 30 năm “ăn nằm” với nghệ thuật. DAY by DAY, bởi vậy, được chuyển hướng thành một triển lãm có tính cách ôn lại. Ở đây, anh trưng bày những tác phẩm tiêu biểu – còn lại của anh sáng tác trong suốt chặng hành trình 30 năm qua. Ngoài trưng bày tranh, BTC còn tổ chức một loạt buổi gặp gỡ mạn đàm và nói chuyện về nghệ thuật đương đại.
Trong DAY by DAY, hoạ sĩ Nguyễn Văn Tiến thể hiện các cảm nghiệm hiện sinh của mình về các mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa cái chung và cái riêng, giữa truyền thống và hiện tại, giữa các giá trị tinh hoa và hỗn loạn…Với tính cách giễu nhại có phần chua cay, họa sĩ đã mang đến cho người xem những bất ngờ, thú vị khi chiêm ngưỡng các tác phẩm mà anh thực hiện. Thực tế, đây cũng là nét đặc trưng cho hành trình sáng tạo của Nguyễn Văn Tiến khi anh luôn mang đến cách nhìn, cách thể hiện nghệ thuật “khác người” ẩn sau dáng dấp nhỏ bé, kín đáo bên ngoài.
Tại không gian đậm chất nghệ thuật của DAY by DAY, những người yêu thích tranh của Nguyễn Văn Tiến không khó để tìm thấy được những tác phẩm quen thuộc. Trong đó phải kể đến một số bức tranh từng được trình làng ở sự kiện nghệ thuật Xà bần II – Sự ra đời của thần Vệ nữ thực hiện năm 2010 hay những bức tranh trong triển lãm Lockdown. Còn lại, là những đứa con tinh thần anh mới sáng tác trong vòng 2 năm trở lại đây.
Những tác phẩm này, hầu hết, hòa trộn giữa phong cách trừu tượng trữ tình-lấp lánh ánh sáng lúc u tối lúc rực lửa – với phong cách New-Dada kết dính nhiều vật sẵn có khác nhau.
Chia sẻ thêm về các tác phẩm ở DAY by DAY cũng như hành trình sáng tạo của mình, Nguyễn Văn Tiến nói anh không né tránh những vấn đề xã hội. Hoạ sĩ luôn đối diện, quan sát và đưa các yếu tố này vào tác phẩm của mình một cách bình thường. Anh bày tỏ:
“Tôi ít khi chọn đề tài trước cho những sáng tác của mình. Thay vào đó, tôi thường quan sát sự việc mà không phán xét, những vấn đề đời sống xã hội tự đi vào tác phẩm của tôi. Thế là tôi bắt tay vào công việc và hành động luôn, hành động trước dẫn dắt hành động tiếp theo, kiểu như dò đá qua sông.
Nhiều tác phẩm của tôi thể hiện sự sống động của đời sống xã hội, nỗi đau, tham vọng, sự sợ hãi, nỗi buồn và niềm vui của con người. Tôi thường va chạm với những giá trị thẩm mỹ đã được định hình, những giá trị thẩm mỹ cũ và cả những thứ được coi là thời thượng. Tôi không ngại sự va chạm nào mà xem nó như một sự tương tác cần thiết cho sự thay đổi. Nhiều khi sự va chạm diễn ra trong chính tôi.”
Nguyễn Văn Tiến cũng thừa nhận các tác phẩm của mình không theo một khuôn mẫu hay tiêu chuẩn thẩm mỹ nào. Có những sáng tác họa sĩ lồng ghép thông điệp rõ ràng, song cũng có những tác phẩm anh trao cho khán giả quyền tạo ra ý nghĩa theo cách họ cảm nhận.
“Tôi dùng bất cứ phương tiện nào, hình thức nghệ thuật nào miễn nó thể hiện hiệu quả mục đích của tôi, nhiều khi tôi phối hợp trộn chúng với nhau như một đống xà bần. Những chất liệu đời sống xã hội, những vật liệu và đồ vật kể cả rác thải tôi cũng trộn chúng vào nhau thành tác phẩm, tất cả đều không theo khuôn mẫu tiêu chuẩn thẩm mỹ hay giới hạn nào cả”, anh bày tỏ.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Tiến Văn Miếu sau sự kiện Không gian nghệ thuật anh thực hiện cùng Trần Anh Quân ở Văn Miếu. Bắt đầu hoạt động từ năm 1994, sau 30 năm làm nghề, họa sĩ đã có hơn chục triển lãm riêng, được tổ chức trong và ngoài nước.
Trong chặng đường gắn bó với nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Văn Tiến được các chuyên gia đánh giá cao. Nhà phê bình Nguyên Hưng từng chia sẻ: “Nghệ thuật của Tiến là sự hòa trộn hay dao động giữa các cảm xúc trữ tình thế sự với siêu hình. Không gian nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là không gian xã hội. Chất liệu nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là chính bản thân mình. Và, hình thức nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là sự va đập giữa cá nhân Tiến với một sức mạnh tượng trưng nào đó…”
THÔNG TIN VỀ TRIỂN LÃMThời gian: 28/08 – 28/09/2024 Địa điểm: J Art Space Triển lãm vào cửa tự do |
CÁC TRIỂN LÃM MỚI:
BƯỚC VÀO THẾ GIỚI HOKUSAI: DANH HỌA TRUYỀN CẢM HỨNG CHO VAN GOGH, MONET
NỮ HỌA SĨ SOPHIE TRỊNH VÀ TRIỂN LÃM “LỚP LANG CẢM XÚC”
Harper’s Bazaar Việt Nam