The RealReal, Chanel đưa nhau ra tòa vì vấn đề bán hàng second hand

Vụ kiện tụng giữa hai "ông lớn" này vẫn chưa hạ nhiệt sau 3 năm liên tiếp

The RealReal, Chanel đưa nhau ra tòa vì vấn đề bán hàng second hand

Chanel không thích hình ảnh túi xách, sản phẩm xa xỉ của mình dính liền với thị trường hàng second hand mà The RealReal đang dẫn đầu. Ảnh: Chanel

Trong số các công ty bán hàng second hand cao cấp nổi tiếng nhất toàn cầu, không thể không nhắc đến The RealReal. Đã lên sàn chứng khoán Mỹ từ mùa hè 2019, The RealReal cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của thị trường thời trang second hand và chuyển nhượng đồ cũ. Ước tính, đến năm 2023, thị trường hàng second hand sẽ đạt doanh thu 51 tỷ đô-la Mỹ toàn cầu, và chiếm 10% tổng lượng hàng hóa giao dịch.

Có nhiều lý do khách hàng ưa chuộng thị trường second hand. Người săn hàng thì thích mức giá rẻ hơn. Kẻ quan tâm đếm môi trường thì vui vì nó ít gây ô nhiễm môi trường hơn, khi không bắt các nhà mốt liên tục sản xuất mặt hàng mới. Các fashionista đã chán ngán món đồ cũ có thể bán nó đi để kiếm lại chút lời.

Trong khi khách hàng vui cả đôi đường, thì các nhà mốt xa xỉ không thích thú mấy. Trong số các nhà mốt xa xỉ, thương hiệu quyết liệt nhất chính là Chanel. Chanel và The RealReal đã đệ đơn kiện lên toà án, tố tụng lẫn nhau từ năm 2018. Và mọi chuyện vẫn hạ hồi phân giải.

Khúc mắc giữa các nhà mốt xa xỉ và công ty bán hàng second hand toàn cầu

Ảnh: The RealReal

Có một vài vấn đề chính các thương hiệu xa xỉ gặp với giới bán hàng second hand.

1) Tệ nạn hàng giả

Ngày nay, công nghệ làm hàng nhái vô cùng cao siêu. Những công ty second hand, tuy cố gắng hết sức, thì vẫn đôi khi để lọt một vài mặt hàng giả.

Trong review của không chỉ The RealReal, mà các đơn vị khác (như Rebag, Poshmark, What Goes Around Comes Around, Vestiaire Collective…), luôn xuất hiện những lời chỉ trích rằng món hàng mình nhận được thực chất là hàng nhái. Với số lượng hàng chuyển nhượng trên thị trường second hand, và nhóm nhân viên kiểm chứng chất lượng có giới hạn, đây là một vấn đề lớn.

Các thương hiệu thời trang xa xỉ cho rằng, sự dễ dãi của các công ty kinh doanh hàng second hand tiếp tay cho tệ nạn hàng giả, hàng nhái.

2) Ảnh hưởng đến doanh thu của mặt hàng mới

Các thương hiệu thời trang e ngại rằng, để mặt cho các công ty kinh doanh thời trang second hand bành trướng thì họ sẽ làm sụt giảm doanh thu đến từ bán mặt hàng mới. Trong khi các thương hiệu thời trang dày công xây dựng thương hiệu, làm quảng cáo, chi tiền cho các show diễn đắt đỏ; thì mặt hàng bán chuyển nhượng trên thị trường second hand hoàn toàn không mang lại bất kỳ doanh thu nào cho họ.

3) Làm giảm giá trị hình ảnh thương hiệu

Giới thời trang vốn quan trọng hóa xu hướng và những gì mới nhất. Nhưng mặt hàng second hand, dù có xa xỉ, về tính chất vẫn là hàng cũ. Có nhiều lý do khiến người ta bán chuyển nhượng hàng cũ. Một trong những lý do là vì nó đã hết mốt.

Trước đây, những mặt hàng second hand hoặc vintage thường được bán ở những shop nhỏ, khuất mắt. Nhưng nay, nó được quảng bá rộng rãi khắp toàn cầu nhờ những công ty công nghệ này. Các thương hiệu e ngại rằng, dung túng cho sự lan truyền rộng rãi của các mặt hàng cũ sẽ phần nào làm giảm giá trị thương hiệu của họ.

Chanel đối đầu với The RealReal

The RealReal, Chanel đưa nhau ra tòa vì vấn đề bán hàng second hand

Ảnh: Chanel

Tập đoàn thời trang xa xỉ duy nhất chào đón thời trang second hand là Kering (sở hữu Gucci, Balenciaga, Alexander McQueen…). Tập đoàn LVMH thì ngó lơ, không đưa ra bất kỳ nhận xét nào. Còn Chanel thì là đơn vị mạnh tay nhất, từng kiện cả What Goes Around Comes Around và The RealReal.

Trong đơn kiện đệ lên toà án, Chanel tố cáo những đơn vị như The RealReal là bán hàng nhái, lừa gạt khách hàng rằng mặt hàng đã được sự thẩm định của Chanel, sử dụng trái phép hình ảnh của sản phẩm Chanel.

Không chùn bước, The RealReal đệ đơn kiện ngược lại rằng Chanel có hành vi kiểm soát thị trường (monopoly).

“Mục đích của Chanel không nhằm ngăn cản việc bán hàng giả, mà là ngăn cản các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng thời trang cao cấp”, theo The RealReal.

Trong đơn kiện của mình, The RealReal chú thích sự việc năm 2015. Lúc này, The RealReal vừa ký hợp đồng với hai chuỗi bán lẻ bậc nhất Mỹ là Neiman Marcus Saks Fifth Avenue, cho phép người dùng The RealReal đến hai trung tâm thương mại này để mua và bán túi xách cũ. Chanel đã cấm hai đơn vị này ký hợp đồng cùng the RealReal khi đe dọa sẽ rút toàn bộ hàng hóa ra khỏi hai chuỗi cửa hàng này.

Tương tự, khi The RealReal mong muốn chạy quảng cáo trên các website chuyên về thời trang, trong đó có WWD, Vogue Mỹ và New York Magazine, Chanel đã ngăn cấm các tạp chí này hoàn tất hợp đồng quảng cáo cùng The RealReal, “dù chúng tôi chưa hề gây hấn với công ty này. Hành vi này thuộc dạng hạn chế cạnh tranh vi phạm luật monopoly” – trích đơn kiện từ The RealReal.

The RealReal trích dẫn mối liên hệ giữa Chanel và Farfetch

Đơn kiện cũng ghi nhận rằng, dù Chanel tăng cường tấn công hai công ty dẫn đầu thị trường mua bán hàng thời trang xa xỉ second hand là The RealReal và What Goes Around Comes Around, thì Chanel lại hoàn toàn bỏ qua Farfetch.

Farfetch được biết đến là một công ty e-commerce chuyên kinh doanh hàng xa xỉ mới. Nhưng, nó cũng có một nhánh phụ kinh doanh mặt hàng second hand, gọi là Farfetch Second Life. Lý do Chanel bỏ qua cho Farfetch, vì Chanel đã đầu tư vào công ty này năm 2018, The RealReal ghi chú trong đơn kiện.

Theo tìm hiểu, Farfetch Second Life cũng nhận mua và kiểm chứng nguồn gốc túi xách cũ, rao bán và quảng cáo nó qua Internet cùng một số cửa hàng vật lý không khác gì mô hình của The RealReal.

Điều này cho thấy, “Chanel vẫn chấp thuận việc mua bán túi xách, mặt hàng thời trang Chanel cũ – nếu như công ty ấy thuộc quyền kiểm soát và/hoặc sở hữu của Chanel”, đơn nhận The RealReal ghi chú. Điều này tiếp tục cho thấy hành vi hạn chế cạnh tranh.

Phỏng đoán cạnh tranh giữa The RealReal và Chanel

Bộ 4 túi xách Chanel mini thuộc bộ sưu tập Métiers D’Art 2020. Ảnh: Chanel

Theo nghiên cứu từ phòng ban luật của UCLA, chắc chắn Chanel sẽ không thể ngăn cản các công ty second hand mua bán túi xách cũ từ người dùng.

Theo điều luật từ chính phủ Mỹ, quyền người tiêu dùng được bảo vệ bởi điều luật First Sale Doctrine. Học tuyết này ghi nhận, người tiêu dùng bán lại mặt hàng mình đã bỏ tiền ra sở hữu, mà không cần được công ty nguyên thủy cho phép. Vì vậy, Chanel không thể ngăn cấm hoạt động mua bán ở thị trường second hand.

Tuy nhiên, vấn đề mua bán hàng giả, hàng nhái lại là một sự vụ nặng nề hơn. Theo đơn kiện từ Chanel, hãng đã liệt kê chí ít 7 chiếc túi trên website The RealReal là mặt hàng nhái. Nếu The RealReal không thể chứng thực nguồn gốc sản phẩm, công ty này hẳn phải bồi thường tài chính cho Chanel. Đồng thời có thể đối mặt với đơn kiện từ người dùng cho rằng mình mua phải sản phẩm giả từ The RealReal.

>>> Xem thêm: THỜI TRANG SECOND HAND: KHÁCH HÀNG YÊU NÓ, THƯƠNG HIỆU GHÉT BỎ NÓ

Trích dẫn Forbes, The Fashion Law, UCLA
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm