Gần đây, một loạt các thương hiệu làm đẹp, từ hàng cao cấp đến bình dân, đã từ từ thay đổi công thức phấn mặt và phấn rôm sảy của mình. Lý do vì một nguyên liệu: Bột talc.
Hiểu về bột talc trong mỹ phẩm
Talc là một loại khoáng chất đa năng. Nó được trọng dụng trong vô vàn các ngành công nghiệp khác nhau. Đối với ngành công nghiệp làm đẹp, nó vô cùng được ưa chuộng để sản xuất mỹ phẩm. Vì loại bột này có khả năng hút ẩm, chống dính, và làm mượt kết cấu sản phẩm.
Vì vậy, bạn có thể tìm thấy bột talc trong vô vàn thể loại mỹ phẩm, chứ không bị giới hạn trong phấn rôm sảy. Từ phấn phủ, phấn mắt. Cho đến sữa dưỡng thể và lăn nách. Thậm chí là trong các sản phẩm chăm sóc vùng kín.
Tuy nhiên, vào khoảng nhiều năm gần đây, một số nghiên cứu bắt đầu phát hiện ra mối dây liên kết giữa bột talc và bệnh ung thư. Lý do không phải là vì chính loại bột này, nhưng vì trong bột bị nhiễm asbestos (tiếng Việt gọi là atbet hay amiăng).
Mối liên hệ giữa asbestos và ung thư
Asbestos đã từ lâu được chứng minh là có thể gây ung thư. Ở dạng bụi phấn, nó có thể gây bệnh u trung biểu mô (mesothelioma). Căn bệnh này xảy ra ở lớp mô mỏng (lining) bao phủ khu vực phổi và tim. Đây là loại ung thư phổi ác tính không thể chữa trị.
Ngoài ra, có một mối liên hệ mật thiết giữa asbestos và ung thư buồng trứng. Đây là kết luận của nghiên cứu từ Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC). Những ai có thói quen dùng phấn rôm chống rít ở quanh vùng kín dễ đối mặt với trường hợp này.
Điều đáng lo là các nhà sản xuất thì không thể bảo đảm rằng bột talc trong sản phẩm của mình không nhiễm asbestos. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy 2/3 lượng phấn rôm sảy trẻ em tại Hàn Quốc chứa bột talc bị nhiễm asbestos. Còn ở Mỹ, Johnson & Johnson đối mặt với hàng loạt vụ kiện tỷ đô vì sản phẩm của mình.
Những vụ kiện tỷ đô của Johnson & Johnson
Khi nói về phấn chống rôm sảy, chúng ta lập tức nghĩ đến thứ bột trắng thơm tho từ Johnson & Johnson. Đây là sản phẩm đã làm nên tên tuổi của Johnson & Johnson từ cuối những năm 1800. Bây giờ, phấn em bé vẫn mang lại doanh thu cả trăm triệu đô cho công ty này hàng năm. Tuy nhiên, nó cũng tạo tiền đề cho hàng loạt vụ kiện gây rúng động giới yêu làm đẹp tại Mỹ.
Mùa hè năm 2018, toà án Mỹ phán quyết: Johnson & Johnson phải bồi thường 4,69 tỷ đô-la Mỹ cho 22 phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Họ đều là những người đã dùng phấn em bé của Johnson & Johnson chống rít, chống mùi hôi ở vùng kín xuyên suốt hàng chục thập kỷ.
Cũng trong 2018, Reuters phát hiện: Từ hàng thập kỷ vừa qua, Johnson & Johnson biết rằng sản phẩm của họ nhiễm asbestos. Nhưng công ty không hề tìm cách thay đổi công thức. Họ thậm chí giấu diếm thông tin này. Kết quả là họ đang đối mặt với hơn 20,000 đơn kiện. Trong 2020, Johnson & Johnson mong muốn bồi thường tiền mặt lên đến 100 triệu đô-la Mỹ cho khoảng 1000 nạn nhân, với hy vọng họ sẽ rút đơn kiện.
Bột talc trong mỹ phẩm nói chung đang dần được thay thế
Đến thời điểm hiện tại, Johnson & Johnson vẫn khẳng định rằng, họ muốn dàn xếp đơn kiện chỉ vì tránh tiếng xấu. Chứ họ vẫn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của mình. Tuy nhiên, Johnson & Johnson cũng cho ra mắt dòng sản phẩm phấn rôm không chứa bột talc!
Trước tình cảnh của Johnson & Johnson, hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm khác cũng tìm cách tránh sử dụng bột talc. Chanel đã loại bỏ bột talc trong phấn phủ mặt và phấn thơm cơ thể. Revlon cũng vậy. Còn L’Oréal Paris thì đang tìm những nguyên liệu thay thế.
Thực chất, để nhanh chóng thay thế bột talc trong các mỹ phẩm là điều khó khăn. Các thương hiệu sẽ phải nghiên cứu và thử nghiệm công thức mới. Mà điều này mất rất nhiều thời gian. L’Oréal Paris cho biết chưa tìm ra một nguyên liệu thay thế hiệu quả bằng. Còn Chanel thì quả quyết rằng sẽ xiết chặt việc kiểm tra chất lượng sản phẩm của bột talc dùng trong phấn má và phấn mắt của mình để không nhiễm asbestos.
Những lựa chọn an toàn hơn
Hiểu rằng, trong khí hậu ẩm ướt của Việt Nam, phấn rôm sảy là thứ rất cần thiết. Nhưng bạn có biết: bạn có thể tự chế phấn chống rôm sảy, chống rít cơ thể an toàn từ các loại bột nấu ăn quen thuộc hàng ngày.
Những loại bột khác có tính năng hút ẩm, chống rít chính là bột năng, bột bắp, bột sắn dây hay bột gạo. Bạn có thể mua loại bột chất lượng cao từ siêu thị. Cũng có thể tự nghiền bột tại nhà – nhưng phương án này không tốt bằng vì sản phẩm của bạn có thể bị nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách. Hoặc, bạn có thể tìm đến các thương hiệu làm phấn chống rít với nguyên liệu không chứa bột talc.
Phấn chống rôm sảy của BURT BEE’S làm từ bột bắp, bột baking soda và chứa chiết xuất hoa hồng thơm nhẹ. Không có bột talc, parabens, pthalates.
Phấn chống rôm sảy của AVALON ORGANICS. Nguyên liệu chính là bột bắp, baking soda, nước lô hội, chiếc xuất hoa cúc, làm mềm da.
>>> Xem thêm: CÓ NÊN MUA MỸ PHẨM GAI DẦU CHỨA DẦU CBD?
Trích dẫn Reuters
Harper’s Bazaar Việt Nam