Cùng với thông tin chính thức từ Tokyo và Seoul, tất cả các tuần lễ thời trang châu Á chính thức bị huỷ bỏ vì dịch cúm Corona.
Loạt Tuần lễ thời trang danh tiếng bị huỷ bỏ
Hồi tháng 2 vừa qua, Tuần lễ thời trang Thượng Hải và Bắc Kinh phải huỷ bỏ vì bùng phát dịch cúm. Tiếp đó, Tuần lễ thời trang Seoul cũng thông báo huỷ bỏ khi Hàn quốc trở thành ổ dịch lớn ngoài Trung Quốc. Và hôm nay, Nhật Bản chính thức xác nhận số phận tương tự của Tuần lễ thời trang Tokyo.
Tuần lễ thời trang Seoul được xem là sự kiện thời trang lớn nhất châu Á. Sự kiện dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 3. Tuy nhiên, một phần ba thương hiệu đăng ký tham gia đã thông báo rút lui vì lo ngại dịch cúm. Sau khi xem xét với các đơn vị khác, ban tổ chức đã quyết định huỷ bỏ sự kiện này. Ban tổ chức của Tuần lễ thời trang Tokyo cũng vừa có thông báo tương tự.
Tuần lễ thời trang là nơi các thương hiệu và nhà thiết kế trình diễn những bộ sưu tập mới. Đây cũng là dịp để chiêm ngưỡng gu thời trang hút mắt của các khách mời hàng đầu trong lĩnh vực. Thế nên, việc huỷ bỏ sự kiện này khiến giới mộ điệu không khỏi tiếc nuối. Xa hơn, nó ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của các thương hiệu.
Số phận các thương hiệu xa xỉ ở châu Á
Các thương hiệu xa xỉ đang trong tình trạng vô cùng ảm đạm ở châu Âu. Tình hình cũng không mấy khả quan ở châu Á. Những năm gần đây, khách hàng châu Á được xem là nhân tố duy trì sự phát triển của thương hiệu xa xỉ. Phần lớn doanh thu của các thương hiệu đến từ khách du lịch châu Á và lượng lưu học sinh. Trong đó một phần không nhỏ là các phú nhị đại Trung Quốc.
Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch cúm Corona, việc kinh doanh của các thương hiệu này cũng bị ngưng trệ. Ở New York – kinh đô thời trang lớn của Mỹ, các showroom trở nên vắng lặng đến lạ thường. Những mẫu túi vốn luôn trong tình trạng khan hiếm được bày bán tại cửa hàng.
Ở Trung Quốc, tình hình cũng không khá khẩm hơn khi quốc gia này yêu cầu hạn chế ra ngoài để phòng chống dịch.
Thế nhưng, những gì đang diễn ra ở Hàn quốc lại khác hẳn. Nhiều người đeo khẩu trang, xếp hàng dài ở các trung tâm thương mại để mua những món đồ xa xỉ. Theo quan sát của giới mộ điệu, các mặt hàng cao cấp thường được bán với giá có thể chấp nhận được ở Seoul. Đây là lý do nhiều người tranh thủ đổ về thành phố này du lịch và mua sắm. Nay, khi dịch cúm bùng phát ở quốc gia này, lượng khách du lịch giảm hẳn. Và đó là thời cơ cho những người bản địa mua sắm! Các cửa hàng túi xách hiệu cho thấy doanh số khả quan, trong khi những gian hàng mỹ phẩm lại vắng vẻ.
Harper’s Bazaar Vietnam