Kim cương là một trong những khoáng chất cứng nhất bề mặt trái đất. Nhưng kim cương cũng có thể không chống lại được quy trình làm đẹp của bạn. Bạn có thể không nhận ra nhưng các hóa mỹ phẩm có thể làm hư tổn nữ trang. Sau đây là một số những tác hại của mỹ phẩm trên trang sức – và cách phục hồi độ bóng sáng của nữ trang.
Sữa rửa mặt
Sữa rửa mặt, xà phòng hay dầu rửa mặt đều có thể gây hư tổn nữ trang. Xà phòng để lại một lớp dính bám lên bề mặt kim cương. Dầu rửa mặt khiến kim cương không còn sáng lấp lánh. Sữa rửa mặt tạo ra các cặn bám ở góc cạnh của nữ trang, những góc khuất khó tẩy rửa. Còn nước? Cho dù nước không gây hư tổn kim cương, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến những viên đá quý có độ cứng thấp hơn (ví dụ emerald hay aquamarine).
Chính vì vậy, bạn nên tháo bỏ nữ trang trước khi rửa mặt. Tốt nhất, bạn nên có một đĩa đựng trang sức sâu lòng cạnh bồn rửa mặt. Đặt nhẫn, vòng vào đĩa trang sức này sẽ đảm bảo chúng không bị rơi vào bồn. Lại giúp bạn dễ định vị chúng sau khi đã tháo chúng ra.
Mỹ phẩm tẩy tế bào chết vật lý
Những hạt tẩy tế bào chết có thể gây trầy xước bề mặt đá quý và kim loại, kể cả vàng và bạch kim. Thoạt nhiên, những vết xước này khá nhỏ; có những vết xước chỉ có thể thấy qua kính lúp. Nhưng lâu ngày, chúng sẽ hiện rõ. Đến lúc đó, bạn sẽ phải đến tiệm kim hoàn nhờ đánh bóng trang sức lại.
Kem dưỡng da
Kem dưỡng ẩm, đặc biệt là những loại rất dày và đặc biệt cấp ẩm cho da, sẽ để lại một lớp màng trên trang sức. Lớp màng kem dưỡng ẩm sẽ khiến đá quý bị phai màu. Đặc biệt là những loại đá không quá cứng trên thang độ Mohs, như opal hay ngọc trai. Vàng trắng và bạc cũng đặc biệt nhạy cảm với dầu dưỡng ẩm, hóa chất và mồ hôi. Khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, chúng có thể bị xỉn hay bạc màu. Nếu sống trong thời tiết đặc biệt ẩm, hãy tìm mua một chiếc hộp đựng kim loại kín nắp. Thêm bao hút ẩm để bảo vệ trang sức bạc và vàng trắng của bạn. Chỉ đeo chúng sau khi bạn đã lau khô da.
Nước hoa, dầu thơm
Nước hoa và dầu thơm là một trong những loại mỹ phẩm gây hư tổn nữ trang nhất. Bạn nên xịt nước hoa hay lăn dầu thơm trước khi đeo nữ trang. Dầu trong các loại nước thơm có thể dính lên bề mặt kim cương, làm giảm độ sáng lấp lánh của nó. Còn opal và ngọc trai thì có thể bị ố vàng hay đen sạm đi khi tiếp xúc với nước hoa.
Quy tắc bạn nên áp dụng cho nữ trang là: “Đeo cuối cùng, tháo đầu tiên”. Chúng nên là món phụ kiện cuối cùng bạn đeo vào người trước khi ra khỏi nhà. Và cũng là vật đầu tiên bạn tháo ra khi về đến nhà.
Cách bảo dưỡng trang sức
Ngoài việc nên tháo trang sức trước khi sử dụng mỹ phẩm; sau đây là một vài phương thức để bạn bảo dưỡng trang sức của mình, giữ cho chúng đẹp lâu hơn. Tất nhiên, đầu tiên bạn nên đưa chúng đến tiệm kim hoàn hàng năm để được đánh bóng. Nhưng cũng có nhiều cách để bảo trì nhẫn đính hôn, nhẫn cưới hay trang sức đá quý tại nhà.
Kim cương và đá quý
Bạn có thể để nhẫn cưới, nhẫn đính hôn với kim cương và vàng vào bát nước ấm pha xà phòng loãng. Dùng bàn chải đánh răng cũ để chà nhẹ, bỏ đi lớp màng trên trang sức. Bạn nhớ chà nhẹ tay; chà xát quá mạnh có thể gây tróc những viên đá nhỏ khỏi khung nạm đá. Sau đó dùng khăn khô lau sạch. Bạn cũng có thể dùng phương thức này cho đa phần nhiều các loại đá quý khác, từ ruby, sapphire đến aquamarine.
Để tẩy rửa kim cương, bạn cũng có thể dùng phương thức của minh tinh quá cố Elizabeth Taylor: Ngâm chúng qua đêm trong một ly vodka hay gin, và dùng nước sạch rửa lại buổi sáng.
Opal và Ngọc trai
Dùng khăn chấm nước ấm pha xà bông loãng để lau nhẹ các viên ngọc. Sau đó dùng khăn thấm nước sạch để lau lại. Bạn cẩn thận không dùng quá nhiều nước. Ngọc trai thường được kết lại bằng dây lụa – quá nhiều nước sẽ khiến dây lụa bị chùng và yếu đi. Chính vì lý do này bạn nên mang vòng ngọc trai đến tiệm kim hoàn để được căng lại, khoảng 10 năm/lần.
Vàng
Bạn có thể đánh bóng nữ trang bằng vàng với nước ấm pha với giấm trắng hoặc xà bông. Dùng bàn chải đánh răng để chà bóng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, bạn lưu ý rằng giấm có thể gây tổn hại đá quý. Chính vì vậy, bạn chỉ nên dùng phương thức này cho nữ trang hoàn toàn bằng vàng.
Harper’s Bazaar Việt Nam