Khi tính giá trị thương hiệu (brand value), không ai có thể qua mặt Nike. Công ty thời trang thể thao có trụ sở tại Oregon, Mỹ, được ước tính có trị giá thương hiệu lên đến 32.4 tỷ đô-la Mỹ. Trị giá này đã tăng 16% so với cùng kỳ 2018, và cao hơn 14 tỷ đô-la Mỹ so với thương hiệu thứ nhì trong danh sách, Zara.
Danh sách 10 thương hiệu thời trang có giá trị nhất thế giới
Danh sách giá trị thương hiệu thời trang trong đầu năm 2019 do công ty tư vấn Brand Finance thiết lập. Đây là một công ty tư vấn tài chính, chuyên đánh giá trị giá thương hiệu dựa trên thành quả kinh doanh, tài sản cố định và tài sản phi vật chất của từng tập đoàn. Danh sách cũng so với giá trị cùng kỳ 2018, được ghi chú trong ngoặc kép.
1. Nike — 32.4 tỷ đô-la Mỹ (tăng từ 28 tỷ)
2. Zara — 18.4 tỷ đô-la Mỹ (tăng từ 17.5 tỷ)
3. Adidas — 16.7 tỷ đô-la Mỹ (tăng từ 14.3 tỷ)
4. H&M — 15.9 tỷ đô-la Mỹ (giảm từ 18.9 tỷ)
5. Cartier — 13.6 tỷ đô-la Mỹ (tăng từ 9.8 tỷ)
6. Louis Vuitton — 13.6 tỷ đô-la Mỹ (tăng từ 10.5)
7. Uniqlo — 12 tỷ đô-la Mỹ (tăng từ 8.1 tỷ)
8. Hermès — 10.9 tỷ đô-la Mỹ (giảm từ 11.3 tỷ)
9. Gucci — 10.2 tỷ đô-la Mỹ (tăng từ 8.6 tỷ)
10. Rolex — 8 tỷ đô-la Mỹ (tăng từ 6.4 tỷ)
Bí quyết thành công của Nike
Sự định giá thương hiệu cao ngút trời của Nike tăng vọt trong 2019 nhờ thành quả kinh doanh của hãng. Trong 2018, Nike có doanh thu tăng trưởng 14% riêng trong mùa Giáng Sinh. Các thị trường nước ngoài của thương hiệu đều phát triển mạnh.
Đặc biệt, Nike ghi dấu ấn nhờ những chiến dịch quảng cáo độc đáo. Chiến dịch “Just Do It” (Hãy cứ làm đi) của Nike là một điển hình. Chiến dịch sử dụng hình ảnh của Colin Kaepernick, ngôi sao bóng bầu dục Mỹ bị đào thải khỏi giải NFL xoay quanh các vấn đề liên quan đến kỳ thị chủng tộc. Tuy có nhiều người tiêu dùng từ bỏ Nike vì chọn lựa Colin Kaepernick, ước tính chiến dịch quảng cáo này đã đạt hơn 43 triệu đô-la Mỹ giá trị truyền thông trong vòng 24 tiếng đầu tiên.
“Quảng cáo của Nike giúp định vị thương hiệu mạnh mẽ, giữa một rừng các thương hiệu thời trang thể thao khác.” Theo Richard Haigh, giám đốc điều hành Brand Finance. “Nike luôn thẳng thắn trong các khẩu hiệu truyền thông. Các cốt lõi thương hiệu của họ tác động mạnh mẽ vào tình cảm của người tiêu dùng.”.
Adidas theo sát bước
Một đối thủ rất gờm của Nike đang theo sát bước họ: Adidas. Năm 2018, Adidas chỉ đạt vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng thương hiệu thời trang. Năm nay, họ đã rút ngắn khoảng cách này với bước nhảy vọt 17%.
Bước tiến lớn của Adidas đến từ thành quả chiếm lĩnh một phần thị trường Bắc Mỹ – Adidas xuất thân từ Đức nên vốn không mạnh bằng Nike ở thị trường Bắc Mỹ. Giới fashionista trẻ đặc biệt yêu thích Adidas vì các collab đậm chất thời trang của thương hiệu. Ví dụ collab giày Stan Smith với Stella McCartney và Raf Simons.
H&M thụt lùi
Thất bại lớn nhất của năm là H&M. Tập đoàn thời trang Bắc Âu giảm từ vị trí số 2 năm 2018 xuống vị trí thứ 4 năm 2019.
Việc kinh doanh của H&M trì trệ khi thương hiệu không thoát nổi cái mác “thời trang giảm giá”. Thương hiệu không thể kiểm soát số lượng hàng tồn kho, dẫn đến việc liên tục giảm giá để bán tháo lượng hàng đã hết hot. H&M hiện tại đang áp dụng các chính sách thay đổi, ví dụ sử dụng data để kiểm soát cách bày bán hàng hóa trong từng cửa hàng.
Liệu H&M có thể giữ vững vị trí trong bảng xếp hạng top 10 thương hiệu thời trang danh giá nhất này, hay sẽ bị tiếp tục đào thải? Hiện còn quá sớm để kết luận kết quả các chủ trương mới của H&M. Tuy nhiên, thương hiệu hiểu rõ phải thay đổi chính sách kinh doanh mới tồn tại được trong thị trường vô cùng khắt khe hiện tại.
Theo FN
Harper’s Bazaar Việt Nam