Nếu có NTK nào mang được Bob Mackie và sông Tiber lại với nhau trong cùng một show diễn; đó chỉ có thể là Alessandro Michele. Một lần nữa, Giám đốc sáng tạo nhà Gucci lại khuấy đảo Tuần lễ Thời trang Milan với hàng loạt mẫu phục trang rực rỡ trong hư ảo, với hàng loạt nguồn cảm hứng đến từ nhiều nền văn hoá khác biệt: dòng sông Tiber chảy qua trung tâm thủ đô Rome được chuyển hoá thành hình ảnh ẩn dụ dưới sàn catwalk chiếu đèn xanh; xung quanh là hàng loạt bức tượng cổ Ấn Độ, Ai Cập hay Aztec; dàn người mẫu bước đi trong thanh âm ám ảnh về một giấc mơ Mỹ đã một lần vụt tắt…
Dữ dội, đen tối và đầy mâu thuẫn. Ấn tượng mà show diễn Gucci Xuân Hè 2018 mang lại là vô cùng đặc biệt. Trên sàn diễn tràn ngập ánh lấp lánh và sự tương phản mạnh mẽ; các chàng, nàng thơ bước ra với những cầu vai độn của những năm 80; áo tweed kiểu Anh; với dồi dào cảm hứng từ Disney và Sega; cũng như sự phối hợp đa dạng từ dòng Vintage đã được làm mới lại – điều từng giúp Alessandro Michele vực dậy cả đế chế thời trang để dẫn đầu thế giới.
Vâng, Alessandro Michele, một trong những nhà thiết kế thương mại thành công nhất thế giới, đã biến bộ sưu tập của mình thành một thứ gì đó gần như là bất khả, khi đưa ra bản tuyên ngôn chống lại những áp lực thời gian của cuộc sống đương đại, để truyền đi thông điệp về một sự kháng cự: kháng cự lại tất cả những gì đơn điệu, nhàm chán của thế giới, và khắc hoạ nên một trong những bức tranh thời trang rực rỡ, vĩ đại nhất.
“Khi chiêm ngưỡng show diễn, các bạn sẽ thấy những gì tôi đang cố gắng làm: giữ vững cảm quan thẩm mỹ của chính mình”, ông nói. “Khi thực hiện bộ sưu tập, tôi đã suy nghĩ về không gian, âm nhạc và ánh sáng. Tôi nghĩ rằng đây không còn là lúc chỉ tập trung vào quần áo. Ban đầu, thời trang là cái gì đó cho phép tôi phản ánh quan điểm về vẻ đẹp. Giờ đây, nó còn hơn cả một vẻ đẹp thông thường. Đó là một trạng thái của tâm trí.” Những lời trong bản thông cáo báo chí mà Michele đưa ra đã mang đến một ý niệm rất khác về con đường thời trang mà ông đang dẫn dắt – một hành trình tâm linh đích thực. Nó vượt xa những khái niệm thông thường về thời trang thuần tuý.
Và con đường ấy đã được gợi mở ngay từ trong tấm thiệp mời đến show. Có lẽ, không ai như Alessandro Michele, khi gửi đi hộp thiếc để thay cho giấy mời, kèm với bộ nến đen thu nhỏ, và một gói que diêm được in cùng dòng chữ “thôi miên” (hypnotism). Vì sao ông lại hành động kỳ quặc đến thế? Phần nào nguyên nhân đến từ nơi ông đang ở thì hiện tại: Rome – hay Caput Mundi – thủ đô của thế giới, nơi được bao phủ bởi nhiều lớp lịch sử cùng dấu tích của những người từng sống.
Tuy nhiên, ông cũng là một trong những bậc thầy thời trang trong vũ trụ kỹ thuật số; truyền đạt rõ ràng tầm nhìn vĩ mô qua các chiến dịch Instagram; và thu hút lượng lớn những con người tài năng sáng tạo kỳ quặc đến với nhà mốt. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi người đàn ông này kết nối cảm quan về tất cả mọi thứ; cũng như hoà lẫn đến khó tách bạch quá khứ lẫn hiện tại. Đó cũng chính là những gì mà bộ sưu tập Gucci Xuân Hè 2018 mang lại. “Để cảm nhận được sự đương đại,” ông nói, “Tôi cần phải biết rằng có cái gì đó ở đó. Tôi muốn chạm vào nó.”
Đọc thêm: Khu vườn giữa lòng phố thị của Gucci và Alessandro Michele.
Và hiệu quả mà bộ sưu tập mang lại, có lẽ đã không cần bàn đến. Michele vô cùng bận rộn trong năm nay, theo cách nói đã được giảm nhẹ đi rất nhiều. Công sức ông bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng. Sự tăng trưởng theo hàm mũ của Gucci là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu của thời đại chúng ta, một sự thay đổi cuộc chơi khiến mọi đối thủ cạnh tranh trong giới hàng xa xỉ tất thảy đều ghen tị. Và nếu có điều gì phiền muộn, bất mãn hay ồn ào xung quanh bộ sưu tập này; có lẽ đó chỉ là phản chiếu cách Michele xem xét về thế giới đương đại. Mà nói theo cách của ông, là “tôi đang cố gắng chứng minh thực tế rằng thời trang chứa đầy điều nhỏ bé.”
Bộ sưu tập Gucci Xuân Hè 2018:
Harper’s Bazaar Việt Nam