Là một trong những vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo phong cách Broadway, Chuyện tình nàng Giáng Hương đã nhận được sự chú ý của giới nghệ thuật và công chúng ngay từ giai đoạn sản xuất. Với năm ngày công diễn vỏn vẹn, nhưng vở nhạc kịch đã tạo nên tiếng vang lớn vươn xa khỏi biên giới Việt Nam.
Những thành công ban đầu
Mặc dù đi theo phong cách hiện đại, nhưng ê-kíp đã nỗ lực để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sân khấu đậm chất Việt Nam. Chuyện tình nàng Giáng Hương là một tác phẩm nghệ thuật “made in Vietnam” đúng nghĩa, đong đầy những giá trị truyền thống của nhạc kịch ngày xưa như chèo của miền Bắc hay cải lương của miền Nam. Đó cũng là điểm khác biệt mấu chốt với những vở nhạc kịch chỉ diễn lại dựa trên nhạc kịch Broadway trước đây.
Cũng chính vì lý do đó mà Chuyện tình nàng Giáng Hương đã được la Repubblica – tờ báo lớn thứ hai của Ý, cất công sang Việt Nam để tìm hiểu và giới thiệu trong một bài phân tích về thể loại nhạc kịch trên toàn thế giới. Bài báo đề cập đến sức hút đang ngày một giảm của nhạc kịch truyền thống Trung Quốc và Việt Nam, vốn là hai đất nước có nền văn hóa khá tương đồng. Nhưng gần đây, Trung Quốc đã làm được nhạc kịch Broadway công diễn ở thành phố Thượng Hải và thu hút được 300.000 người xem. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Việt Nam lại không thể? “Đây là nhiệm vụ của những người như tôi, tìm con đường mới để tái xây dựng văn hóa nhà hát ở Việt Nam. Tại sao lại không? Bằng đèn chiếu rực rỡ, video clip thú vị và những nghệ sỹ tâm huyết, sự quan tâm của công chúng sẽ được đánh thức qua những câu chuyện như Giáng Hương”, biên kịch – tổng đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương chia sẻ với la Repubblica.
Bằng tâm huyết, niềm đam mê với nghệ thuật, ê-kíp đã thực hiện và xây dựng câu chuyện nhạc kịch thú vị, nhiều màu sắc, mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở một vở nhạc kịch đơn thuần, Chuyện tình nàng Giáng Hương còn được xem là bước tiên phong, mở đường cho một loại hình giải trí cao cấp còn khá lạ lẫm ở Việt Nam. Khi xã hội đang ngày một “khát” những hoạt động giải trí chất lượng thì vở nhạc kịch như một luồng gió mới, một món ăn lạ miệng dành cho những người yêu nghệ thuật.
Sự trở lại mới mẻ
Với khả năng tùy biến linh hoạt của nhạc kịch Broadway, Chuyện tình nàng Giáng Hương không bị cố định trong một kịch bản mà có thể thay đổi vài chi tiết để hợp người, hợp cảnh. Thay vì mượn những bài hát để thể hiện tâm tư của các nhân vật như lần công diễn đầu, sắp tới, vở nhạc kịch sẽ sử dụng nhiều ca khúc do biên kịch – tổng đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương chắp bút và phổ nhạc bởi nhạc sỹ Nguyễn Hoàng Anh. Những bài hát được đo ni đóng giày với từng phân đoạn chắc chắn sẽ đem lại sự mới mẻ cho khán giả đồng thời phù hợp với mạch của cốt truyện hơn.
Anh Tâm Thiền – Art Director của vở nhạc kịch chia sẻ: “Phần trang trí sân khấu sẽ được chăm chút kỹ lưỡng. Cảnh tiên sẽ thêm nhiều chi tiết rực rỡ hơn, bồng bềnh hơn. Để phù hợp với không khí mùa Xuân, vở nhạc kịch sẽ tái hiện không khí lễ hội rộn ràng cũng như thể hiện rõ nét đời sống văn hóa của con người Việt Nam qua những bài vè, những điệu múa đậm chất truyền thống.”
Bên cạnh đó, trái ngược với hình ảnh dịu dàng, êm đềm trướng rủ màn che thông thường của tiên nữ, các nàng tiên của Chuyện tình nàng Giáng Hương sẽ cùng nhau lập thành một ban nhạc rock ấn tượng với vũ điệu tưng bừng.
Trong tương lai, vở nhạc kịch mong muốn sẽ được trình diễn thường xuyên hơn. Ý tưởng này không chỉ để tạo ra một thị trường mới, mà còn khôi phục và giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc đến với người Việt và bạn bè quốc tế.
Đừng bỏ lỡ:
Cập nhật những thông tin mới nhất về vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương tại fanpage: www.facebook.com/SFM.musicals và tại website của Harper’s Bazaar: www.bazaarvietnam.vn. Vở nhạc kịch sẽ tái diễn vào mùng 7, 8, 9 (tức 3, 4, 5–2) và 14, 15, 16 (tức 10, 11, 12–2) Tết Đinh Dậu tại Nhà hát Hòa Bình, TP. HCM. Hãy nhanh tay mua vé để nhận được những ưu đãi hấp dẫn nhất tại: https://ticketbox.vn/chuyen-tinh-nang-giang-huong
Bài: Huy Nguyễn
Ảnh: Anh Dũng
Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 2/2017