Giáo sư José Teunissen (đại diện London College of Fashion) ngồi giữa, bên trái là giáo sư Ian King của London College of Fashion và bên phải là người sáng lập hãng phụ kiện Ipa-Nima, cô Christina Yu
Tại sự kiện Fashion Colloquia ở trường đại học RMIT, Harper’s Bazaar đã có dịp gặp gỡ đại diện của trường London College of Fashion (Anh), giáo sư José Teunissen, và lắng nghe những chia sẻ và nhận xét của cô về thị trường và ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam.
Giáo sư José Teunissen cho biết, thời trang là cách thể hiện cá tính riêng của người mặc, và điều đó đi liền với văn hóa của từng đất nước. Tại Việt Nam, cô nhận thấy có sự phát triển khá mạnh mẽ. Thị trường thời trang online của nước ta cũng đang bắt đầu dần dần lớn mạnh hơn. Ngành thời trang Việt Nam đang từng bước chập chững nên việc chăm sóc và vun đắp thêm là điều rất quan trọng.
Cùng lúc đó, cuộc thảo luận với cô đã giúp đưa ra được giả thuyết rằng thị trường và công nghiệp thời trang chung ở Việt Nam đang bị mắc kẹt ở giai đoạn vạn người bán nhưng chỉ có trăm người mua. So với thị trường trưởng thành hơn ở Anh Quốc và Châu Âu nơi các label mới đều có thể nhanh chóng giữ một chỗ đứng trong nhu cầu thời trang khổng lồ, thì ở Việt Nam, việc ra đời một label mới gặp rất nhiều gian nan. Ngay cả đa số những hãng lớn trong ngành cũng không đủ lượng khách hàng. Đối với vấn đề này, giáo sư José Teunissen cho biết rằng, có hai hướng để nhìn nhận:
Một là hiện nay, các nhãn hàng tung ra thị trường đều để thể hiện tinh thần thời trang của nhà thiết kế hoặc nhà sáng lập label đó, chứ chưa thực sự nhắm vào thị hiếu thực sự của khách hàng. Quay lại với cốt cách của thời trang chính là để nói lên cá tính của người mặc, thì có lẽ, đại đa số khách hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng cảm ở các nhãn hiệu mọc lên mỗi ngày trên thị trường local. Nếu không giải quyết được sự mâu thuẫn này, vô tình ngành thời trang nước ta sẽ rơi vào tình thế các nhà thiết kế liên tục đẩy những gì mình có ra một thị trường vô phản ứng.
Điều thứ hai mà cô nói đến đó chính là tiềm thức của khách hàng. Suy nghĩ thời trang là một điều gì đó rất xa xỉ và không nằm trong cuộc sống hằng ngày đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Trước đó, giám đốc phát triển kinh doanh của Zalora cũng có nói, người Việt Nam đa số vẫn chưa thực sự có thái độ nghiêm túc khi nhìn nhận ngành thời trang. Giáo sư José Teunissen nhận xét rằng, thời trang nên được đưa vào cuộc sống hằng ngày của mọi người. Nhu cầu mặc đẹp cũng thiết yếu giống như nhu cầu ăn và ở của mỗi cá nhân. Nếu thay đổi được nhận thức này, đây có lẽ sẽ là lúc khuấy động thị trường và nhu cầu mua sắm thời trang trong nước.
Harper’s Bazaar Việt Nam