Sau bao nỗi thống khổ trong chiến tranh và nhiều thế kỷ bị bóp ngẹt, thập niên 1920 trong nhật ký nhân loại tràn ngập những phong trào cách tân xã hội. Lần đầu tiên phụ nữ mặc đầm ngắn tận gối, không cần chít eo, ôm ngực và đàn ông say sưa khiêu vũ cùng âm điệu đầy ngẫu hứng của jazz trong những bữa tiệc bất tận.
Rất nhiều chứng nhân thầm lặng, vĩnh cửu của thời đại ấy vẫn ở quanh đây, trên những tòa nhà cao chọc trời, những nhà hát cùng kiến trúc công cộng và tác phẩm nghệ thuật đã trăm năm tuổi. Trào lưu sẽ bị làn sóng thời gian tàn nhẫn cuốn trôi, nhưng dấu ấn của nghệ thuật vẫn còn ở lại để kể về xã hội ấy.
Thập niên 1920 sôi nổi cũng là nơi nuôi dưỡng một trào lưu nghệ thuật mang tên Art Deco. Giờ đây, những tác phẩm Art Deco đang kể ta nghe về câu chuyện của những năm tháng xa xưa đó.
Trường phái của sắc màu và hình khối
Danh từ mà người ta dùng để gọi nó, Art Deco hay Modern Style, bắt nguồn từ tên sự kiện do nước Pháp, trong nỗ lực khẳng định lại vị trí hàng đầu của mình về cả nghệ thuật và kỹ thuật, tổ chức: Exposition Internationale des Arts Décoratifs et Industriels Modernes.
Tuy nhiên cái tên Art Deco vẫn không được sử dụng phổ biến mãi cho đến nhiều thập kỷ sau, khi cuốn sách đầu tiên về Art Deco do nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Bevis Hillier chấp bút năm 1968 trở nên vô cùng nổi tiếng.
Ý tứ toát lên từ mỗi đường nét của Art Deco là sự phản kháng của giới nghệ sỹ với thời kỳ khắc khổ vừa mới kinh qua. Đồng thời đó cũng là niềm cảm khái trước một tương lai lạc quan nhờ sự phát triển như vũ bão của máy móc. Vì vậy mà ở Art Deco, bạn sẽ khó tìm ra bóng dáng của những nét lượn uyển chuyển, cầu kỳ mềm mại và những màu sắc nhạt nhòa hư ảo.
Các sản phẩm Art Deco đều nổi bật nhờ phom dáng hiện đại, đơn giản, thường là kiểu dáng khí động học (thuôn dài theo phương ngang có góc bo tròn), đường nét của trường phái lập thể, chi tiết trang trí dạng hình học hoặc cách điệu mang tính tượng trưng. Những đường kẻ hay đường cong đơn giản, dứt khoát (không như kiểu tự nhiên và uyển chuyển của Art Nouveau, trào lưu nghệ thuật thịnh hành ngay trước đó), hoa văn chữ V ngược, zig zag, hình thang, đài phun nước và họa tiết dạng mặt trời tỏa chiếu cũng là những đặc trưng của phong cách trang trí này.
Nghệ thuật và kiến trúc
Minh họa điển hình nhất cho kiến trúc Art Deco có lẽ là tòa tháp một thời cao nhất thế giới, Chrysler, ở Manhattan, New York, Mỹ. Tòa tháp có phần chóp nhọn vươn cao lẫm liệt giữa trời, trang trí bằng vô số hình tam giác ngược nối tiếp nhau sáng bóng nhờ mạ bằng vật liệu đậm chất hiện đại.
Một nơi nữa cũng đậm tinh thần Art Deco chính là sảnh tòa nhà chọc trời Empire State Building ở New York với những mảng hình học sắc nét cùng hoa văn tỏa chiếu khổng lồ bằng kim loại.
Không chỉ kiến trúc, các tác phẩm hội họa thời này cũng mang đậm tinh thần mạnh mẽ và hiện đại. Tranh của họa sỹ Tamara de Lempicka chính là ví dụ điển hình. Phụ nữ trong tranh của bà được khắc họa bằng những mảng màu mạnh, thể hiện cho vẻ đẹp tự tin, phóng khoáng.
Cùng với sự sắc nét, thanh lịch của hình khối và họa tiết, Art Deco còn thể hiện mình bằng màu sắc bắt mắt, đối lập. Trên mỗi thiết kế, người nghệ sỹ cố tình xen kẽ những màu mạnh và nhạt để tạo hiệu ứng thị giác làm nổi bật lên hình khối như lồi, như lõm thể hiện cho tinh thần thời đại.
Dẫu vậy, tự nhiên không hoàn toàn bị chối bỏ mà hiện lên với một vẻ đẹp chân phương, giàu tính cách điệu. Những chiếc lá, cành cây, lông vũ, người khỏa thân, muông thú không hiện lên sống động, chân thực, mềm mại như trong tranh Phục hưng mà giàu tính hình tượng, tiết chế bớt các chi tiết, chỉ còn lại đường nét cơ bản nhất, sắc cạnh nhất.
Tất cả những điều ấy là hiện thân của chủ nghĩa hiện đại, sự thanh lịch, tinh tế, sang trọng và đề cao hiệu quả sử dụng.
Đa phần sản phẩm của Art Deco đều ra đời theo kiểu thủ công với số lượng hiếm hoi. Dù vậy, các thuộc tính của phong cách này lại phản ánh sự ngưỡng vọng của người làm ra nó đối với vẻ đẹp hiện đại và những sản phẩm làm ra từ cơ khí, thể hiện ở sự đơn giản, tính đối xứng, sự phẳng phiu và lặp lại của các chi tiết… Vật liệu làm nên các tác phẩm Art Deco khá đa dạng và đắt tiền như thép không gỉ, sơn mài, ngọc bích, bạc, da cá mập, ngà voi, chrome và pha lê.
Thánh địa của Art Deco
Từ châu Âu sau Thế chiến thứ nhất, phong cách này lan đến bên kia đại dương, cập bờ nước Mỹ rồi lan tỏa toàn thế giới, đến những miền đất thuộc địa xa xôi. Rất xa các thành phố đông đúc dân cư phương Tây, ở New Zealand, có một nơi tên là Napier mà từng ngôi nhà, con phố ở đó đều đậm chất Art Deco.
Được xây dựng lại sau một cơn động đất dữ dội, Napier sở hữu 147 công trình theo trường phái Art Deco, trang trí bằng những biểu tượng của sự hồi sinh như mặt trời tỏa chiếu, vòi phun nước và hoa nhuốm màu sắc rực rỡ, tràn ngập niềm lạc quan.
Giữa những ngôi nhà mái bằng cao không quá hai tầng để hạn chế ảnh hưởng của động đất, bạn sẽ dễ dàng nhận ra một xâu chuỗi những nét thẳng hiện đại chạy cạnh nhau, các ô cửa nối tiếp hình vuông hay chữ nhật mạnh mẽ, sự xen kẽ của những màu pastel và màu pop cuốn hút thị giác.
Nếu có dịp ghé đây vào giữa tháng Sáu, bạn còn có cơ hội tham gia ngày hội Art Deco cuối tuần. Đó là khi những người bản xứ và khách du lịch cùng vận những trang phục đúng chất thập niên 1920, ca hát, tụ tập trên đường bên cạnh những chiếc xe hơi cổ với đường nét khí động học. Những con người giữa khung cảnh ấy như đưa bạn về thời đại jazz cách đây gần một thế kỷ, xem một thước phim sống động về những năm 1920.
Thế nhưng nếu nói về thánh địa của Art Deco, Napier vẫn còn xếp sau một địa danh khác, nằm trên vùng South Beach, thành phố biển Miami của bang Florida, nước Mỹ. Ở vùng biển nhìn ra Đại Tây Dương này, hãy thức dậy vào lúc tinh mơ, bạn sẽ có thểcảm nhận được hết vẻ đẹp huy hoàng của nó.
Dưới ánh sáng mờ tỏ của ngày mới và những tia nắng chớm nhô lên từ mặt biển, các tòa nhà như tự thân bừng sáng hơn cả cảnh sắc xung quanh. Những gam màu pastel dịu mà sáng, màu hồng phớt, trắng kem, xanh ngọc, vàng nhạt và cam nhẹ trên các bức tường giữa thời khắc ấy chợt ánh lên, lung linh.
Kiến trúc Art Deco ở nơi đây chủ yếu dùng sự khác biệt về sắc độ màu giữa các khối màu pastel để tạo nên những phom dáng và đường nét dứt khoát mà thanh thoát. Hơn 800 tòa nhà xây theo lối kiến trúc ấy nằm san sát bên nhau dưới ánh ngày vàng ươm của vùng duyên hải tạo thành một khung cảnh có một không hai. Số lượng ấy đã khiến cái tên Art Deco được dùng để đặt cho cả một quận tại Miami và thu hút hàng triệu du khách ghé thăm.
Bài: Trinh Pak. Ảnh: Getty Images
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam