8 nhà thiết kế trẻ bước vào vòng chung kết cuộc thi Fashion in Paris

Tuyển chọn từ nhiều hồ sơ dự thi online, Viện Pháp tại TP. HCM đã tìm ra 8 ứng viên xuất sắc bước vào vòng chung kết "Fashion in Paris"

Viện Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi Tài năng thiết kế trẻ Việt Nam – Fashion in Paris nhằm tìm ra “gương mặt vàng” trong làng thiết kế thời trang tương lai của Việt Nam. Cuộc thi nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam. Pần thưởng là khóa đào tạo thiết kế thời trang tại Paris kéo dài 2 tuần trong năm 2024 với toàn bộ chi phí được tài trợ.

Sau gần hai tháng khởi động, cuộc thi đã thu hút đông đảo bạn trẻ nộp hồ sơ tham gia dự thi. Ban tổ chức cuộc thi đã xem xét rất kỹ lưỡng toàn bộ hồ sơ dự thi của các bạn và quyết định chọn ra 8 nhà thiết kế xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết cuộc thi.

Đặng Thị Trà My với BST Motherland

Lấy cảm hứng từ những cuộc hành trình di cư trong kí ức của tuổi thơ, Bộ sưu tập Motherland là tâm sự của một người xa xứ luôn mong muốn ược trở về “nhà” – nơi tôi đã sinh ra và lớn lên trong tình thương của bà. Từ ngày rời quê hương, Trà My bị cuốn theo những bộn bề lo toan của cuộc sống, cho đến khi có thể trở về thì người mà cô thương yêu nhất đã không còn nữa. Lấy góc nhìn từ một người trưởng thành, BST là sự biết ơn và tưởng niệm đến người bà đã khuất, đồng thời truyền tải thông điệp luôn hướng về quê hương, đất nước thân yêu. Ý nghĩa của sự trở về không chỉ là tìm về nguồn cội, mà còn còn là ánh sáng dẫn lối để trở về với bản ngã và chân tâm thuần khiết nhất.

Các mẫu phác thảo trong BST Motherland

Bộ sưu tập Motherland kết hợp giữa những nét truyền thống văn hóa Việt như: áo dài, khăn lươn, hình ảnh những cánh đồng lúa, hoa sen… kết hợp với phong cách Pháp thanh lịch và phóng khoáng. Những phương pháp thủ công như: thêu, bện sợi, đính kết… được áp dụng trong xử lí bề mặt. Thêm vào đó, tính bền vững được thể hiện thông qua kĩ thuật thiết kế rập Zero-waste, kĩ thuật eco-dyeing và việc tận dụng nguồn vải tồn kho có sẵn, kết hợp với sử dụng chất liệu thân thiện môi trường như: lụa Nha Xá, organza tơ tằm,… để có thể lan tỏa việc bảo tồn và tiếp nối làng nghề dệt truyền thống của quê hương.

Hoàng Quang Duy với BST Tây Bắc Việt Nam

Bản phác thảo BST Tây Bắc Việt Nam

BST lấy cảm hứng từ những nhà thám hiểm châu Âu lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất hùng vĩ Tây Bắc, Việt Nam. NTK sử dụng các chất liệu vải hữu cơ, thân thiện với môi trường được cung cấp từ người dân bản địa. Từ đó, anh kết hợp công nghệ và kỹ thuật số hiện đại để nâng cao tính ứng dụng và tái sử dụng trên các trang phục.

L với BST Paris Olympic − Allez!

Là người dân tộc Ba Na, NTK L sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên, Việt Nam. L chưa từng đặt chân đến Pháp và cũng chưa bao giờ tham dự giải đấu Olympic nào dù đó là điều anh mơ ước bấy lâu nay. Bằng ngôn ngữ thời trang, L thể hiện trí tưởng tượng về hành trình từ buôn làng Tây Nguyên đến Paris − thành phố đăng cai Thế vận hội 2024.

Một bản vẽ phác thảo trong BST của nhà thiết kế L

Sự kết hợp giữa văn hóa dân tộc Tây Nguyên với tinh thần Olympic vào thời trang hiện đại sẽ mang đến sự tái sinh mới với chất liệu tái chế nhằm bảo vệ môi trường.

Nguyễn Hùng Bảo với BST Le Capitale Des Roses

Bộ sưu tập mang tên Le Capitale Des RosesKinh Đô Của Những Đóa Hồng, được lấy cảm hứng từ những yếu tố mang tính biểu tượng của Paris phồn hoa, hình ảnh tháp Effel và hoa hồng được kết hợp khéo léo cùng phom dáng trang phục của những quý cô Pháp thập niên 50 mang hơi thở của sự hoài niệm về một thuở vàng son. Khái niệm Zero Waste cũng được ứng dụng trong bộ sưu tập bằng kỹ thuật draping, nhằm giảm thiểu đến mức tối đa lượng vải thừa, kết hợp cùng phương pháp nhuộm thủ công chuyển màu trên nền vải tơ tằm tự nhiên thân thiện với môi trường.

Một phác thảo trong BST Le Capitale Des Roses của Nguyễn Hùng Bảo

Bộ sưu tập muốn truyền tải ý niệm, thời trang không chỉ là trang phục mà còn là phương tiện để đánh dấu các thời kì thăng trầm của lịch sử đồng thời tôn vinh những đóng góp dành cho ngành thời trang của những nhà thiết kế tài hoa đặt nền móng cho nền thời trang thế giới.

Nguyễn Nhật Nghi với BST Floraison

Nhật Nghi tin rằng thời trang bền vững không chỉ là một xu hướng mà còn là trách nhiệm đối với giới trẻ. Trong quá trình tìm hiểu về lĩnh vực này, NTK biết rằng khía cạnh tạo nên sự bền vững không chỉ gồm ba yếu tố môi trường, xã hội, kinh tế mà còn cần có văn hóa và thẩm mỹ. Vậy nên khi bắt tay vào thiết kế, cô chú trọng vào các yếu tố: bảo vệ môi trường và sự giao thoa của văn hóa Việt Nam – Pháp.

Một bản vẽ trong BST Floraison 

BST Floraison sử dụng phần lớn chất liệu từ các trang phục cũ đã qua sử dụng dựa trên sự kết hợp giữa áo tứ thân cùng quốc hoa của nước Pháp là loài hoa Iris.

Phạm Đào Khánh Duy với BST How Can We Forget It

Thông qua bộ sưu tập này, NTK muốn nói lên mối liên hệ giữa quần áo và con người thông qua ký ức từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành gắn liền với cách ta ăn mặc qua các giai đoạn trong đời sống. Những ký ức này rất đơn giản và thường bị lu mờ bởi cuộc sống hối hả. Thông qua việc sử dụng lại những món đồ thân thuộc như dây nịt, trang sức cũ, đồng hồ và các tấm thảm đầy màu sắc, NTK hy vọng gợi nhớ cho người xem những kí ức nhỏ nhưng cực quan trọng. Tạo ra sự kết nối chặt chẽ với tâm lý để những bộ đồ có thể được sử dụng càng lâu càng tốt tránh tạo ra thêm rác thời trang.

Bản phác thảo BST How Can We Forget It

Trần Phương Minh với BST Personality

BST Personality lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam: Tấm Cám. Trong truyện, mọi người thường xem Tấm đại diện cho cái thiện còn Cám đại diện cho cái ác. Trong thực tế, cái thiện và cái ác luôn song hành trong mỗi con người. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường xã hội, cái ác hay cái thiện trong mỗi chúng ta trỗi dậy. Tác phẩm sẽ thể hiện hai phương diện của con người.

Bản phác thảo BST Personality

BST là sự kết hợp văn hóa truyền thống Việt Nam: áo ngũ thân, áo dài hiện đại, yếm,… với nghệ thuật đương đại: các mảng trừu tượng. Trang phục sử dụng vụn vải cũ kết hợp kĩ thuật vẽ trên vải. Mỗi mẫu được thiết kế với một size duy nhất phù hợp với mọi vóc dáng. Điều này nhằm hướng đến xu hướng thời trang bền vững.

Trần Quang Bảo với BST Vườn Xuân

BST lấy cảm hứng từ bức tranh gồm chín tấm nổi tiếng của danh họa Nguyễn Gia Trí có tên Vườn xuân Trung Nam Bắc. Kiệt tác này miêu tả một khung cảnh vui tươi và thú vị của hai mươi thiếu nữ từ 3 miền khác nhau của Việt Nam.

BST Vườn Xuân trong bản phác thảo của Trần Quang Bảo

NTK sử dụng chất liệu vải tự nhiên như đũi, lụa tơ tằm, tơ chuối tái hiện phom dáng trang phục của người Việt từ đầu đến giữa thế kỷ XX như áo dài ngũ thân, áo Nhật Bình, áo dài chít eo, gợi nhắc về một thời vàng son đậm tính dân tộc nhưng được thay đổi để phù hợp với thời gian.

THÔNG TIN THÊM

8 thí sinh bước vào vòng chung kết cuộc thi Fashion in Paris sẽ được sự hướng dẫn từ xa bởi các giáo viên Học viện Thời trang Pháp để thực hiện BST. Đêm chung kết sẽ diễn ra vào tối 20/10 tại sảnh lớn của Dinh thự Pháp (số 6 Lê Duẩn, Q.1, TP. HCM).

TIN LIÊN QUAN:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm