Theo nhiều giáo sư thời trang và quảng cáo, nữ hoàng Anh Elizabeth II là một biểu tượng thời trang và làm đẹp. Tủ đồ phong cách pastel đơn sắc của bà giúp nữ hoàng nổi bật trong đám đông. Những kiểu mũ và khăn quàng của bà được học theo. Bà cũng thành tâm nâng đỡ các thương hiệu Anh, tạo nên sự tự hào quốc gia về sản phẩm “Made in England”.
Những thương hiệu có thể duy trì chất lượng cao cấp nhất xuyên suốt nhiều năm, nhận được sự tin cậy của hoàng gia Anh, có thể được cấp Chứng chỉ Hoàng gia.
Chứng chỉ Hoàng gia (Royal Warrant) là gì?
Chứng chỉ này xác nhận rằng thương hiệu có sản phẩm được thu mua và sử dụng bởi gia đình hoàng gia hàng ngày. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng dù một thương hiệu có nhiều dòng sản phẩm, chỉ một mặt hàng hoặc dịch vụ duy nhất được cấp quyền cho vương thất Anh, và sản phẩm này cũng được ghi chú cụ thể. Từ đèn cầy, nước hoa, dầu tắm gội cho đến cả khăn giấy toilet!
Chứng chỉ Hoàng gia được cấp phép chủ yếu bởi quân vương và người kế vị ngai vàng. Sau khi nhận được vinh dự này, các thương hiệu được phép công khai sự liên kết của họ với vương thất Anh, bằng cách in lên bao bì huy hiệu hoàng gia. Tuy nhiên, họ chỉ được phép làm điều này trong vòng 5 năm từ được ban Chứng chỉ Hoàng gia. Theo nghiên cứu từ công ty cố vấn tài chính Brand Finance, những thương hiệu được cấp Chứng chỉ Hoàng gia, trung bình, có thể tăng doanh số đến 10% nhờ huy hiệu hoàng gia.
>>> XEM THÊM: SỨC MẠNH KINH TẾ CỦA GIA ĐÌNH HOÀNG GIA ANH
Trong trường hợp người cấp Chứng chỉ Hoàng gia qua đời, thương hiệu phải ngừng sử dụng huy hiệu hoàng gia, có hai năm để loại bỏ các dấu triện ra khỏi bao bì quảng cáo của mình, trừ phi họ thành công xin tái xét duyệt bởi một nhà cấp quyền khác.
Ví dụ, khi hoàng thân Philip mất vào năm 2021, 39 thương hiệu được ông đỡ đầu phải xin tái xét duyệt. Còn với nữ hoàng Elizabeth II, bà đã cấp đến 686 chứng chỉ khác nhau! Những thương hiệu này sẽ phải xin sự hỗ trợ từ vị tân quân vương – vua Charles III.
Những thương hiệu mỹ phẩm đạt Chứng chỉ Hoàng gia Anh Quốc
Ở đây, Harper’s Bazaar xin được liệt kê một số thương hiệu mỹ phẩm nhận được sự bảo chứng của hoàng gia Anh. Như đã ghi nhận ở trên, đa phần đều được cấp chứng chỉ bởi cố nữ hoàng Elizabeth II – không rõ liệu họ sẽ được tái xét duyệt bởi vua Charles III hay không. Trong số các thương hiệu này, chỉ có nhà chế tác nước hoa Floris và Penhaligon’s là không e ngại, vì Chứng chỉ Hoàng gia của họ được cấp phép bởi chính vị tân quân vương.
BRONNLEY
Chứng chỉ Hoàng gia Anh được cấp: Xà bông cao cấp
Được thành lập năm 1883 bởi James Bronnley, thương hiệu sử dụng nguyên liệu cao cấp để chế tạo xà phòng. Xà bông cục của Bronnley được sử dụng không bởi riêng thành viên hoàng thất nào, mà được cung cấp cho tất cả các phòng tắm trong các cung điện. Giá thành của các sản phẩm Bronnley cũng không phải quá cao dù mang chất lượng cao cấp và Chứng chỉ Hoàng gia.
CLARINS (ANH QUỐC)
Chứng chỉ Hoàng gia Anh được cấp: Mỹ phẩm trang điểm và mỹ phẩm dưỡng da
Tuy có gốc gác từ Pháp nhưng Clarins đã mở trụ sở riêng ở Anh từ nhiều năm. Thương hiệu cung cấp mỹ phẩm dưỡng da và trang điểm cho cố nữ hoàng. Clarins là đơn vị đã tạo nên màu son môi độc quyền màu hồng ngọc cho nữ hoàng khi bà lên ngôi năm 1953.
Nhờ Chứng chỉ Hoàng gia Anh, Clarins Anh Quốc có thể tung ra những sản phẩm độc quyền, ví dụ bộ mỹ phẩm dưỡng da tay Platinum Jubilee Hand and Nail Duo nhân dịp đại lễ bạch kim của nữ hoàng.
>>> XEM THÊM: CUỘC ĐỜI NỮ HOÀNG ANH ELIZABETH II QUA 30 TẤM ẢNH TỪ THỜI TRẺ
ELIZABETH ARDEN
Chứng chỉ Hoàng gia Anh được cấp: Mỹ phẩm trang điểm
Một thương hiệu Mỹ nhưng mang gốc gác Anh, vì nhà sáng lập Elizabeth Arden là con gái của một gia đình nhập cư từ Cornwall, Anh Quốc. Thương hiệu hơn 100 năm tuổi này được cho là cung cấp kem dưỡng da mặt yêu thích của nữ hoàng Elizabeth II: Eight Hour Cream. Thật đáng ngạc nhiên vì loại kem dưỡng da này không quá đắt đỏ, chỉ mang giá cả của mỹ phẩm drug store. Điều này chứng tỏ quan điểm sống cần kiệm của cố nữ hoàng.
MOLTON BROWN
Chứng chỉ Hoàng gia Anh được cấp: Dầu tắm, gội
Tính chất Anh Quốc của Molton Brown thể hiện qua mùi hương tao nhã, làm từ nguyên vật liệu cao cấp, bao bì đơn giản và sang trọng màu nâu. Dù làm dầu tắm gội nhưng Molton Brown luôn mời các nhà chế tác mùi hương hợp tác cùng để tạo ra hương thơm bài bản như nước hoa.
PENHALIGON’S
Chứng chỉ Hoàng gia Anh được cấp: Nước hoa và mỹ phẩm tạo hương
Thương hiệu 150 năm tuổi này được tin cậy bởi cả cố nữ hoàng Elizabeth II lẫn tân quân vương Charles III. Nữ hoàng Elizabeth II chọn Penhaligon’s là nhà cung cấp nước hoa chính của mình. Còn vua Charles III sử dụng đa dạng các sản phẩm tạo hương, từ sản phẩm khử mùi cơ thể cho đến xà phòng. Thậm chí, khi còn là Thái tử, Charles III đã bắt tay với Penhaligon’s để tạo ra mùi hương riêng, Highrove Bouquet, lấy cảm hứng từ khu vườn cá nhân Highgrove ở Tetbury.
FLORIS
Chứng chỉ Hoàng gia Anh được cấp: Nước hoa và mỹ phẩm tạo hương
Một thương hiệu ra đời từ năm 1720 và lần đầu được cấp Chứng chỉ Hoàng gia bởi vua George IV – bố nữ hoàng Elizabeth II. Floris là nhà chế tác nước hoa lâu đời nhất Vương quốc Anh, và đến bây giờ vẫn được điều hành bởi gia đình của nhà sáng lập Juan Famenias Floris.
G.B. KENT
Chứng chỉ Hoàng gia Anh được cấp: Dụng cụ làm đẹp
Chứng chỉ Hoàng gia không chỉ được cấp cho mỹ phẩm dưỡng da, trang điểm mà còn áp dụng cho cả dụng cụ làm đẹp. Thành lập năm 1977, Kent là thương hiệu sản xuất lược, cọ trang điểm, bàn chải tẩy tế bào chết cơ thể, dao cạo râu… lâu đời nhất Vương quốc Anh. Đến nay Kent đã được cấp Chứng chỉ Hoàng gia xuyên suốt 9 triều đại liên tiếp.
>>> XEM THÊM: 11 THƯƠNG HIỆU TÚI XÁCH YÊU THÍCH CỦA PHÁI ĐẸP HOÀNG GIA ANH
Trích dẫn Harper’s Bazaar Anh, Royal Warrant Holders Association
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam