Bullet Train (Tựa Việt: Sát Thủ Đối Đầu) chính là một trong những bộ phim giải trí xuất sắc nhất mùa hè này khi kết hợp yếu tố hành động máu me, đẹp mắt của John Wick và yếu tố hài lầy lội của Deadpool 2. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố hài hước, hãy cùng các fan ruột của thể loại phim hành động “spoil” 7 chi tiết thú vị.
1. Giới tính của các nhân vật Bullet Train bị hoán đổi
Đạo diễn David Leitch đã khéo léo sắp đặt sự tréo ngoe cho “Bullet Train” khi tên nhiều nhân vật và giới tính của họ có sự trái ngược. Ladybug (Brad Pitt) dù là nam lại có tên “lady” (quý cô). The Son (Logan Lerman) được cặp sát thủ Tangerine (Aaron Taylor-Johnson) và Lemon (Brian Tyree Henry) gọi là “Công chúa ngủ trong rừng” (Sleeping Beauty). Sát thủ có biệt danh The Prince (Hoàng tử) thì lại là nữ do Joey King thủ vai. Trong nguyên tác, The Prince vốn là một chàng trai.
Một chi tiết thú vị là quản lý của Ladybug cũng gọi Chúa là “bà ấy” thay vì “ông ấy” như các quan niệm truyền thống. Sự thay đổi này giúp tạo cảm giác sai sai và bất an cho tuyến tàu cao tốc này ngay từ những giây phút đầu tiên. Từ đây mà bộ phim mang đến cho khán giả hàng loạt tình tiết bất ngờ nổi tiếp nhau khi những thứ “bất khả thi” hóa ra lại có thể xuất hiện theo cách khó đỡ nhất.
2. Ladybug gánh hết nỗi khổ của nhân gian
Trong phim, quản lý đặt cho nhân vật của Brad Pitt biệt danh Ladybug (bọ rùa). Trong văn hóa Tây Phương, bọ rùa là linh vật may mắn. Tuy nhiên, cái tên này còn mang ý nghĩa khác.
The Elder (Hiroyuki Sanada) tiết lộ trong tiếng Nhật thì Ladybug được gọi là Tentōmushi (loại bọ đến từ thiên đường). Trên lưng nó có 7 chấm đại diện cho 7 nỗi buồn của nhân loại. Trong phim, Ladybug là một sát thủ đã trải qua đủ một cung bậc cảm xúc trong nghề và chỉ muốn buông bỏ để sống yên bình. Trong khi đó, những đối thủ của anh lại đại diện cho 7 nỗi khổ trong nhân gian.
The Son là “Sinh khổ” – kẻ ra đời trong gia đinh quyền lực nhưng đánh mất chính mình. The White Death (Michael Shannon) là “Lão khổ” – tay trùm tàn ác một thời nay đã già yếu và sợ hãi số phận. Yuichi Kimura (Andrew Koji) là “Bệnh khổ” khi luôn đau lòng vì đứa con gặp tai nạn. Tangerine và Lemon là “Tử khổ” khi cả hai phải chứng kiến người anh em của mình lìa đời. The Wolf (Bad Bunny) đại diện cho nỗi khổ phải chia ly người yêu. The Prince luôn sống trong sự oán trách cha mình. Cuối cùng, Hornet (Zazie Beetz) đau khổ vì muốn chiếm chiếc vali nhưng không được.
3. Tất cả sát thủ đều chết vì “nhân quả”
“Nhân quả” là yếu tố mà David Leitch cài cắm xuyên suốt bộ phim. Tất cả sát thủ đều chết vì “quả” do chính mình gieo trước đó. Tangerine bị súng của mình bắn chết, The Wolf chết do chính con dao của mình hay Hornet chết bởi nọc độc loài rắn boomslang mà ả sử dụng. Nhiều sát thủ khác trong phim cũng phải nhận cái kết do chính mình gây ra. Mỗi thứ đều có nhân quả như trong phim cũng luôn nhắc về triết lý “gậy ông đập lưng ông”, tưởng chừng như đơn giản nhưng lại bao trùm ý nghĩa của toàn bộ phim.
4. Chơi chữ về vai diễn khác của Logan Lerman
Lemon (Brian Tyree Henry đóng) là nhân vật phát cuồng show truyền hình thiếu nhi Thomas the Tank Engine. Anh ta luôn nhìn người xung quanh là các nhân vật xe lửa. Anh ta gọi sát thủ The Son (Logan Lerman) là Percy, theo chiếc đầu máy ngốc nghếch trong chương trình thiếu nhi kể trên. Tuy nhiên chi tiết này còn ám chỉ tới vai diễn Percy Jackson của Logan Lerman trong loạt phim Percy Jackson & the Olympians.
5. Yếu tố may mắn của Ladybug trong Bullet Train
Ladybug luôn miệng bảo mình gặp vận xui nhưng thực tế thì anh nhận rất nhiều may mắn. Bằng chứng là những kẻ đối đầu với Ladybug đều bỏ mạng theo một cách khó ngờ đến. Sự may mắn dẫn dắt anh thoát khỏi rất nhiều pha chí mạng như cú đâm của The Wolf, bị boomslang cắn sau khi tiêm thuốc giải hay được bộ trang phục Momomon đỡ lấy lúc chuyến xe trật đường ray.
Trong Deadpool 2, David Leitch cũng đã thành công xây dựng một nhân vật có năng lực may mắn chính là Domino của Zazie Beetz. Cảnh phim Ladybug ngã vào Momomon cũng gợi nhắc đến Domino.
6. Thời lượng phim Bullet Train bằng đúng thời gian đi từ Tokyo đến Kyoto
David Leitch đã cố tình cho Bullet Train có thời lượng 126 phút. Bởi lẽ, đây cũng chính là thời gian mà chuyến tàu cao tốc bullet train (hay còn gọi là The Shinkansen) chạy từ Kyoto tới Tokyo ngoài đời thực. Chi tiết này giúp khán giả có cảm giác như mình đang có mặt trên con tàu và thực sự di chuyển quãng đường “bất ổn” với hàng loạt sự kiện giật gân này cùng dàn sát thủ sừng sỏ.
7. Bộ phim giao thoa văn hóa Đông – Tây
Với dàn diễn viên tên tuổi cùng bối cảnh Nhật Bản độc đáo, David Leitch còn cài cắm thêm nhiều yếu tố văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây trong Bullet Train. Tổng thể bộ phim là sự kết hợp phong cách gợi nhắc đến Quentin Tarantino khi các nhân vật có nhiều đoạn hội thoại dài nhưng kịch tính và thường kết thúc bằng những cái chết máu me. Trong khi đó, yếu tố hành động – hài lại mang đậm chất của Thành Long.
Dàn sát thủ cũng đến từ nhiều nơi như The Wolf là người Mexico, Tangerine và Lemon là người Anh hay The Son là một tên mafia Nga. Momomon được ê-kíp thiết kế ý tưởng từ Pokémon của Nhật Bản. The Elder nhắc đến nhiều tư tưởng Á Đông như nhân quả, định mệnh và 7 nỗi khổ nhân loại theo quan niệm Phật Giáo.
Quan niệm Phật giáo cũng là chủ đề chính của Bullet Train. Trong khi đó, Ladybug cũng học thiền định sau khi trải qua nhiều biến cố sự nghiệp. Ngoài ra, anh còn mang hình ảnh đấng cứu thế trong Thiên Chúa Giáo.
Chính những yếu tố thú vị và sâu sắc này giúp Bullet Train mang một màu sắc khác biệt so với các bộ phim hành động còn lại. Tác phẩm không chỉ giải trí mà còn có giá trị xem lại cao để cảm nhận hết những ý nghĩa đạo diễn cài cắm.
BRAD PITT CÙNG DÀN SAO BULLET TRAIN ĐI KHẮP CHÂU ÂU QUẢNG BÁ PHIM
JOEY KING MẶC THIẾT KẾ CÔNG TRÍ QUẢNG BÁ PHIM CÙNG BRAD PITT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam